Thêm nhiều nạn nhân bị công an "rởm" lừa mất tiền tỷ

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 06:55:39

Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng.

Ngày 20/4, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã khởi tố vụ án “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” đối với vụ việc người phụ nữ bị lừa hơn 1,4 tỷ đồng.

Trước đó ngày 31/3, chị V.T.L.A. (SN 1999, trú tại TX Quảng Yên, Quảng Ninh) nhận được điện thoại từ số +00174430790150, giới thiệu tên Bùi Ngọc Hân, cán bộ Cục quản lý giao thông đường bộ số 3, Tp.Đà Nẵng.

Người này thông báo cho chị L.A. vào ngày 15/3, chị có thuê một xe ô tô nhãn hiệu Huyndai Grand i10 BKS: 43A - 68852 đi tại Đà Nẵng.


Đến ngày 17/3, xe ô tô chị thuê gây tai nạn tại đường Điện Biên Phủ và có một biên bản xử phạt với mức hơn 16 triệu.

Chị L.A khẳng định mình không đi vào Tp.Đà Nẵng thì người này bảo chị giữ máy để kết nối với cán bộ Công an TP Đà Nẵng để được giải quyết. Qua điện thoại, người này giới thiệu tên Triệu Khải Duy, cấp bậc Đại úy.

Tiếp đó, cán bộ công an giả mạo này nói chị L.A. liên quan đến một vụ án buôn bán ma túy và rửa tiền, Công an Đà Nẵng đã bắt giữ được 2 đối tượng, hai người này khai ra chị L.A. có liên quan đến vụ án.

Đối tượng này bảo chị phải giữ bí mật thông tin, nội dung cuộc nói chuyện đang được ghi âm lại để làm bằng chứng trước tòa.

Ngoài ra, Duy còn yêu cầu chị L.A. cung cấp các thông tin gồm: Họ và tên, số căn cước công dân (CCCD) rồi hướng dẫn chị vào Google Chrome truy cập web của Bộ Công an để tải 1 ứng dụng có tên “phần mềm bảo mật”. Sau khi sử dụng Ipad tải ứng dụng trên, Duy đọc cho chị L.A. một dãy số để truy cập ứng dụng.

Chị L.A thấy có các mục ô trống thông tin cá nhân gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số CCCD, địa chỉ trên CCCD, số điện thoại, tên đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng. Chị L.A đã điền đầy đủ thông tin vào các ô trống thì Duy bảo chị L.A. tải 1 app có tên “WhatsApp” về điện thoại để quản lý.

Sau đó, Duy nói chị không được đi khỏi nơi cư trú, cứ 1 tiếng phải nhắn tin trên app “WhatsApp” để báo cáo, giám sát.


Sau đó, đối tượng này gửi cho chị hình ảnh lệnh bắt tạm giam và quyết định ban hành quy chế công tác kiểm sát về việc tạm giữ, niêm phong tài sản đối với chị V.T.L.A. của VKSND TP Đà Nẵng . Do lo sợ nên chị L.A. đã cung cấp 3 tài khoản ngân hàng của mình cho Duy.

Sau khi có thông tin, Duy không nói gì nữa mà tắt máy. Nghi ngờ bị lừa, chị gọi điện đến số tổng đài của ngân hàng Techcombank tra cứu số tiền trong tài khoản thì phát hiện toàn bộ số tiền hơn 1,4 tỷ đồng đã bị chiếm đoạt. Chị L.A. tới trình báo cơ quan công an.

Sau khi tiếp nhận, Công an tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc truy tìm các đối tượng trong đường dây lừa đảo.

Cũng trong cùng ngày 20/4, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang xác minh làm rõ việc một người đàn ông sống trên địa bàn trình báo bị một đối tượng tự xưng là công an lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 1,5 tỷ đồng.

Cụ thể, nạn nhân là ông Đ. nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an Tp.Đà Nẵng, thông báo ông có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và có lệnh tạm giam 6 tháng.

Đối tượng gửi cho ông Đ. một đường link giả mạo cơ quan công an để đăng nhập và kê khai tài sản phục vụ điều tra nguồn gốc số tiền. Sau khi làm theo lời đối tượng, ông Đ. phát hiện tài khoản bị mất gần 1,5 tỷ đồng và đến trình báo cơ quan công an.

Đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.


Cơ quan công an khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng .


Hương Anh (t/h từ Vietnamnet, Tiền Phong)

Chia sẻ Facebook