Thêm nhà đầu tư muốn mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Ngoài đề xuất của 3 doanh nghiệp trong nước và Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là doanh nghiệp mới nhất đề xuất mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Đồng thời Công ty Đèo Cả cũng đề xuất mở rộng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa làm xong vì quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán cách đây hơn 10 năm, đến nay đã mãn tải.
Nội dung đó được thể hiện trong văn bản vừa được Công ty Đèo Cả gửi Thủ tướng đề xuất đầu tư 2 dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2.
Theo Công ty Đèo Cả, cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 39,8 km được khai thác từ năm 2011. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,5 km, được khởi công năm 2009 nhưng bị đình trệ suốt 10 năm, đến 30-4-2022 mới khánh thành.
Sau 70 ngày đưa vào khai thác (từ 30-4 đến 10-7-2022), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã phục vụ gần 1,7 triệu lượt xe. Trong thời gian trên xảy ra 49 vụ va chạm, tai nạn (có 1 vụ tai nạn làm 2 người chết, 1 người bị thương); có 431 xe bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu trên đường.
Lý giải nguyên nhân các vụ va chạm, tai nạn, hỏng xe… Công ty Đèo Cả cho rằng có thể xuất phát từ các yếu tố:
Lượng xe trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận quá lớn do quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán cách đây hơn 10 năm, đến nay đã mãn tải không còn phù hợp với tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe, tạo ra "hiện tượng nút thắt cổ chai". Trong khi đó cả 2 tuyến cao tốc đã hoàn thành giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn thiện 8 làn xe nhưng chưa được đầu tư giai đoạn 2.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương không thu phí từ năm 2019 đến nay dẫn đến thiếu kinh phí bảo trì, bảo dưỡng làm cho chất lượng đường kém, gây mất an toàn giao thông.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đầu tư giai đoạn l chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp (khoảng cách trung bình 10km/l điểm), chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp chỉ 2 m nên không khả thi để xe tự chạy tới điểm dừng, xe cứu nạn, cứu hộ không kịp thời xử lý các sự cố ở mọi vị trí.
Người dân chưa quen vói "văn hóa giao thông trên cao tốc": chưa kiểm tra, chuẩn bị kĩ xe trước khi vào cao tốc, chưa tuân thủ quy định dừng xe khẩn cấp, không đảm bảo tốc độ trên các làn, chưa giữ khoảng cách tối thiểu 75m giữa các xe.
Qua nghiên cứu, Công ty Đèo Cả đề xuất Thủ tướng xem xét chỉ đạo thực hiện phương án đầu tư 2 dự án như sau:
Với dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 2 : Thủ tướng giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Long An làm cơ quan có thẩm quyền (do cao tốc này dài 39,8 km thì có 28,5 km đi qua Long An) thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ); nghiên cứu cơ chế tổ chức thu phí dự án giai đoạn 1 để tạo nguồn đầu tư giai đoạn 2, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025.
Quy mô đầu tư sẽ mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương từ 4 làn xe lên 8 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 5.355 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 2.650 tỉ đồng. Trước mắt, nhà nước không phải bỏ ngân sách ngay mà trả chậm trong 10 năm (sau khi thu phí giai đoạn 1), nhà đầu tư sẽ huy động vốn để thực hiện.
Với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 : Thủ tướng giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo phương thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), đầu tư giai đoạn 2 hoàn thành trong năm 2025. Quy mô đầu tư là mở rộng đường từ 2 làn xe lên 8 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m. Tổng mức đầu tư dự kiến 9.504 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 4.700 tỉ đồng.
Theo Sở Giao thông vận tải TP, hiện lượng xe qua cao tốc TP.HCM - Trung Lương rất lớn, quy mô đầu tư giai đoạn 1 của tuyến chính và các tuyến nối được tính toán cách đây hơn 10 năm đến nay không đáp ứng với nhu cầu. Cao tốc thường xuyên ùn tắc.