Thêm lời giải cho vật thể bí ẩn nghi là "tàu do thám ngoài hành tinh"

Chia sẻ Facebook
28/03/2023 02:38:22

Các nhà nghiên cứu mới đây đã có khám phá quan trọng về Oumuamua, vật thể không gian có kích thước gần bằng một sân bóng được phát hiện năm 2017.

Vào tháng 10/2017, nhà thiên văn học Robert Weryck cùng đồng nghiệp Marco Micheli tại Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) phát hiện ra vật thể hình điếu xì gà đã bay ngang qua Mặt Trời vào ngày 9/9 cùng năm, với tốc độ khoảng 315.000 km/giờ và nhanh chóng hướng ra ngoài Hệ Mặt Trời.


Hình dạng và chuyển động bất thường của vật thể trở thành một trong những bí ẩn thiên văn gây nhiều tranh cãi. Một số nhà khoa học nổi tiếng lập luận rằng nó rất có thể là một thứ nhân tạo - nhưng không phải của người Trái Đất chúng ta mà là tàu do thám từ một nền văn minh ngoài hành tinh ở một hệ sao khác. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng nó đơn giản chỉ là một tiểu hành tinh đi lạc. Vật thể kỳ lạ được đặt cho biệt danh là “Oumuamua”, nghĩa là "sứ giả xa xôi đầu tiên" trong tiếng Hawaii.

Một nghiên cứu công bố mới đây thì cho rằng Oumuamua mang đặc điểm của sao chổi.

“Chúng tôi đã xem qua mọi giả thuyết kỳ lạ, điên rồ, khả thi - những ý tưởng giúp rộng mở trí tưởng tượng, tìm câu trả lời phù hợp cho tất cả thứ được quan sát. Sau đó, chúng tôi phát hiện đó chỉ là thứ đơn giản nhất mà bạn có thể nghĩ tới, một sao chổi chứa đầy nước”, Wall Street Journal dẫn lời Darryl Seligman - tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Cornell - cho biết hôm 22/3.

Nghiên cứu mới đã mô hình hóa xác định “Oumuamua trên thực tế là một sao chổi tái cấu trúc suốt hành trình dài trong không gian”. Đồng tác giả nghiên cứu Jennifer Bergner đến từ Đại học California, Berkeley, cho biết vật thể được sinh ra trong một hệ mặt trời khác tương tự sao chổi bình thường làm từ băng.

Khi vật thể di chuyển qua không gian giữa các vì sao về phía dải Ngân hà, nó va chạm với các tia vũ trụ. Bức xạ từ những tia này tách hydro ra khỏi một số phân tử nước đóng băng của sao chổi. Theo tiến sĩ Bergner, hydro đó sau đó bị mắc kẹt vào các khe nhỏ trong lớp băng sâu bên trong Oumuamua.

Khi Oumuamua tiếp cận Mặt Trời, sức nóng đã tái sắp xếp cấu trúc Oumuamua, dẫn đến sự sụp đổ của các khe nhỏ. Từ đó, khí mắc kẹt thoát ra bề mặt và khiến Oumuamua tăng tốc.

"Điều rút ra chính là Oumuamua phù hợp với việc trở thành một sao chổi tiêu chuẩn giữa các vì sao", Tiến sĩ Bergner nói.

Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.


Minh Hoa (t/h theo Zing, Người Lao Động)

Chia sẻ Facebook