Thêm đôi cánh cho TP HCM (*): Cơ chế là bà đỡ cho phát triển

Chia sẻ Facebook
24/08/2022 17:36:32

Trung ương cần quan tâm, tháo gỡ vướng mắc nhất là về cơ chế, thể chế, đặc biệt là những vấn đề xung đột pháp lý, vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn.

Đảng bộ TP HCM đang khẩn trương chuẩn bị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 16/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020 và Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Từ việc tổng kết, thành phố sẽ kiến nghị những cơ chế, chính sách nhằm giải quyết nhanh những điểm nghẽn làm chậm quá trình phát triển.


Chưa như kỳ vọng

Nhiều năm qua, với tính chất và đặc điểm của một đô thị đặc biệt, dù TP HCM đã được Trung ương cho cơ chế đặc thù nhưng "chiếc áo vẫn chật" so với đòi hỏi của thực tiễn.

TP HCM cần cơ chế phù hợp để phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh chụp trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 .Ảnh: HOÀNG TRIỀU


Nghị quyết 54 của Quốc hội đã cho phép thành phố thực hiện 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Nghị quyết có hiệu lực gần 5 năm nhưng có hơn 2 năm kinh tế thành phố chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nên không đạt kết quả như kỳ vọng, một số nội dung chậm được thực hiện, cũng có nội dung chưa thực hiện.

Trong thẩm quyền được trao, HĐND TP HCM đã quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy hoạch với gần 1.850 ha cho 32 dự án; quyết định 6 dự án đầu tư nhóm A sử dụng ngân sách thành phố. TP HCM cũng thực hiện thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được 391 tỉ đồng; thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp hơn 131 tỉ đồng. Cùng với đó, cơ chế ủy quyền cho các ngành và địa phương được triển khai giúp giảm bớt thủ tục hành chính. Việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức cũng đã lên tới 1,2 lần.

Một trong những nội dung chưa thực hiện là việc bán tài sản không sử dụng của tổ chức, cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố. Điều này cho thấy các bộ, ngành chưa thực hiện xong việc kiểm tra, rà soát và khẩn trương triển khai theo Nghị quyết 54. Mặc khác, cũng chưa có sự giám sát kịp thời của cơ quan dân cử và trong thực tế có bộ, ngành còn sử dụng tài sản công lãng phí hoặc cho thuê không đúng mục đích.

Tốc độ tăng trưởng của TP HCM gần đây chậm lại một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng phần quan trọng là do còn nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ như thể chế, hạ tầng, thiếu nguồn lực... Ngoài ra, quyền chủ động của địa phương về cơ bản chưa như mong đợi, cơ chế nhìn chung còn nặng xin - cho, văn bản pháp luật còn chồng chéo, xung đột… cũng là những điều thành phố đang đối diện.


Tháo bằng cơ chế, chính sách

Nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách cho TP HCM đang là bài toán cần đáp số, trong đó có cơ chế cho chính quyền đô thị, thành phố trong thành phố; cơ chế tài chính mở đường triển khai các nội dung xây dựng "trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM".

Gần đây, làm việc với TP HCM, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nên xem xét có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Nếu có thì tốt quá, còn trong trường hợp chưa có thì Nghị quyết 54 cần được gia hạn.

Để thực hiện mô hình chính quyền đô thị (theo Nghị quyết 131 của Quốc hội) thành công, cần có cơ chế vận hành phù hợp, sự phân cấp, phân quyền mạnh hơn theo hướng một việc một cơ quan làm. Cơ quan nào làm thì chịu trách nhiệm tới cùng việc ấy, tránh trường hợp các cấp cùng làm và cấp dưới chịu trách nhiệm trước tiên khi có khuyết điểm.

Cơ chế vận hành cho mô hình thành phố trong thành phố cũng cần phải có. Bởi thiếu cơ chế này mà hơn 18 tháng TP Thủ Đức vận hành như cơ chế cấp huyện.

Về định mức nhân lực sao cho phù hợp với nhu cầu xã hội (theo dân số, mức độ quản lý phức tạp, quy mô địa lý), nên tạo điều kiện cho TP HCM tự chủ, tự chịu trách nhiệm sử dụng biên chế hiệu quả, không thể cào bằng như các tỉnh. Lý do là hiện nay nhiều thủ tục hành chính chưa giảm (do Trung ương quy định) nên có ứng dụng công nghệ thông tin vẫn chưa giảm biên chế ngay được.

Mức điều tiết ngân sách để lại cho TP HCM cần tăng thêm, có thể ngang với TP Hà Nội là 32% vì TP HCM đang yếu cả về hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội. Chứ với mức điều tiết 21% như hiện nay TP HCM sẽ còn gặp nhiều khó khăn, trong khi Hà Nội có sự tập trung đầu tư nên các mặt về giao thông, hạ tầng xã hội ngày càng khang trang, hiện đại (đường sá, các vành đai, kết nối các tuyến cao tốc, cơ sở vật chất cho văn hóa, thể thao...).

TP HCM cũng nên được quyền thu hồi những mặt bằng nhà đất do các bộ, ngành và các đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn nhưng sử dụng không theo quy hoạch, lãng phí và sai mục đích để bán đấu giá, sung công quỹ, tăng cường đầu tư công.

Về chế độ, chính sách nhằm giải quyết thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, tôi cho rằng trong trường hợp không tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 thì được thực hiện theo chính sách khoán biên chế như trước, có tính toán mức quy định hợp lý sao cho cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập bằng hoặc hơn chứ không giảm. Từ đó tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc trong điều kiện áp lực công việc nhiều.

Để TP HCM tăng tốc phát triển, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và có đóng góp lớn hơn cho cả nước, TP HCM phải nỗ lực nhiều hơn nữa, phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mặt khác, Trung ương cần quan tâm tháo gỡ vướng mắc nhất là về cơ chế, thể chế, đặc biệt là những vấn đề xung đột pháp lý và những vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-8


"Cơ chế, chính sách phù hợp được xem là “bà đỡ” cho tăng tốc phát triển. Khi có thể chế, chính sách phù hợp thì TP HCM có điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ.

Chia sẻ Facebook