Thềm băng Conger ở Nam Cực mỏng dần và cuối cùng vỡ vụn sau đợt nắng nóng
Theo các nhà khoa học, một thềm băng ở vùng Đông Nam Cực đã tan rã trong tháng 3 này sau một đợt nắng nóng tăng nhiệt khắc nghiệt trong khu vực.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy, thềm băng Conger rộng 1.200 km² đã tan rã và sụp đổ hoàn toàn vào khoảng ngày 15/3.
Nhà khoa học hành tinh và Trái đất của NASA, Catherine Colello Walker đã chia sẻ hình ảnh về một dải trắng vỡ vụn thành từng mảnh trên đại dương.
Các thềm băng, những tảng băng trôi vĩnh viễn gắn liền với đất liền mất hàng nghìn năm để hình thành và có tác dụng như những con đê ngăn băng tuyết có thể chảy ra đại dương, khiến nước biển dâng cao.
Peter Neff, một nhà băng học tại Đại học Minnesota, cho biết, đợt nắng nóng trong tháng 3, với nhiệt độ tăng lên tới 70 độ F (40°C) so với bình thường ở các khu vực thuộc Đông Nam Cực, gắn liền với hiện tượng "sông khí quyển".
Quá trình này tạo ra các cột dài hàng trăm dặm mang hơi nước từ vùng nhiệt đới, tạo ra hiệu ứng mà Neff mô tả là "vòi rồng hơi ẩm."
Neff nói: "Khí hậu (Nam Cực) thay đổi nhiều. Đây là tình trạng nóng lên cực đoan ít nhất gấp đôi so với những gì chúng ta mong đợi".
Nhiệt độ trong khu vực thường vào khoảng -60 độ F (-51°C) vào thời điểm này hàng năm, nhưng đã tăng lên khoảng -12°C vào đầu tháng 3 năm nay.
Được bao quanh bởi các đại dương rộng lớn và đệm bởi những cơn gió có xu hướng bảo vệ thềm băng khỏi sự xâm nhập của không khí ấm, lục địa đóng băng này đang phản ứng chậm hơn với biến đổi khí hậu so với Bắc Cực, nơi đang ấm lên với tốc độ gấp 3 lần so với phần còn lại của thế giới.
Trong thế kỷ trước, Đông Nam Cực hầu như không ấm lên, nhưng một số khu vực đã bị ảnh hưởng và lục địa này mất trung bình 149 tỷ tấn băng mỗi năm từ năm 2002 đến năm 2020, theo NASA. Việc mất thềm băng Conger là ví dụ mới nhất về những thay đổi đang diễn ra.
Ted Scambos, một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Đại học Colorado Boulder, cho biết, thềm băng Conger đã bị rạn nứt từ rất lâu trước khi đợt nắng nóng diễn ra và sự sụp đổ của nó cho thấy, khu vực Nam Cực đã phản ứng với những thay đổi của khí quyển.
Đều sống trong cung, vì sao ngự tiền thị vệ không phải tịnh thân như thái giám? Có 3 lý do