Thêm 40 triệu USD tiền mặt viện trợ đổ về Afghanistan
Các cọc tiền mệnh giá 100 USD được bọc trong nilon, đóng hộp và đóng gói được nhìn thấy ở sân bay tại thủ đô Kabul của Afghanistan.
Một gói lớn chứa khoảng 40 triệu USD tiền mặt “viện trợ nhân đạo” đã được nhìn thấy trên đường băng sân bay ở Afghanistan , các quan chức địa phương cho biết vào tuần trước, mạng truyền hình Fox News (Mỹ) đưa tin.
Số tiền trên đã được trao cho Da Afghanistan Bank (DAB), ngân hàng trung ương do Taliban kiểm soát ở Afghanistan, có trụ sở tại Kabul. Trên Twitter, DAB đã đăng tải một số hình ảnh các cọc tiền mặt.
“Một gói viện trợ nhân đạo khác trị giá 40 triệu USD đã đến Afghanistan và được bàn giao cho một ngân hàng thương mại ở Kabul. Đây là gói viện trợ thứ hai đến Afghanistan trong tuần này”, DAB cho biết trên Twitter hôm 6/12.
Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Afghanistan không cho biết tiền đến từ đâu. DAB đã nhận được một số lô hàng riêng biệt trị giá hàng triệu USD trong những tuần gần đây, theo một số bình luận tương tự trên Twitter mà ngân hàng này đăng tải vào tháng trước.
“Da Afghanistan Bank đánh giá cao bất kỳ hành động có nguyên tắc nào dẫn đến việc chuyển giao tài chính dự trữ cho đất nước và giúp đỡ những người khó khăn trong xã hội, và DAB sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố lĩnh vực ngân hàng (của Afghanistan)”, DAB cho biết.
Hồi đầu tháng 9, trang web tiếng Anh của kênh truyền hình Afghanistan ToloNews cũng đăng tải thông tin về một gói tiền mặt “viện trợ nhân đạo” tương tự, trị giá 40 triệu USD, được chuyển đến Kabul và bàn giao cho một ngân hàng tư nhân ở đất nước Nam Á.
Thời điểm đó, DAB cho biết trong một loạt các bài đăng trên Twitter rằng viện trợ sẽ giúp ổn định đồng tiền Afghanistan so với ngoại tệ.
Cũng trong tháng 9, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thành lập một quỹ hỗ trợ người dân Afghanistan, bên cạnh ngân hàng trung ương của nước này.
“Quỹ Afghanistan sẽ giúp giảm thiểu những thách thức kinh tế mà Afghanistan phải đối mặt trong khi bảo vệ và duy trì khoản dự trữ 3,5 tỷ USD từ Da Afghanistan Bank, ngân hàng trung ương của Afghanistan, vì lợi ích của người dân Afghanistan”, ông Wally Adeyemo, Thứ trưởng Tài chính Mỹ, cho biết vào thời điểm đó.
Chế độ cai trị của Taliban và quản lý kinh tế yếu kém đã “làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế lâu dài đối với Afghanistan, bao gồm cả việc thông qua các hành động làm giảm năng lực của các tổ chức kinh tế quan trọng của Afghanistan và khiến việc trả lại các khoản tiền này cho Afghanistan là không thể thực hiện được”, ông Adeyemo cho biết.
Dòng viện trợ nước ngoài đã ngừng lại khi Taliban tiếp quản Afghanistan hồi tháng 8/2021. Nhiều chính phủ trên thế giới áp đặt các biện pháp trừng phạt, tạm dừng chuyển khoản ngân hàng và đóng băng thêm hàng tỷ USD dự trữ tiền tệ của Afghanistan.
“Tất cả các cơ hội kinh tế đã bị cắt đứt. Bất cứ thứ gì ngoài viện trợ nhân đạo đều bị đình chỉ; tất cả các dự án phát triển trong nước đều bị ngừng lại. Người Afghanistan đã bị đưa trở lại nền kinh tế tự cung tự cấp”, ông Conrad Schetter từ Trung tâm Nghiên cứu Xung đột Quốc tế (BICC) cho biết, khi đề cập đến tác động của các đòn trừng phạt quốc tế đối với nền kinh tế Afghanistan và người dân của quốc gia Nam Á .
Minh Đức (Theo Fox News, ToloNews)