Thêm 3 ngân hàng công bố KQKD ngày 21/10: Một nhà băng báo lãi quý 3/2022 gấp đôi cùng kỳ
Tại mùa công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý 3 năm nay, các hệ số về an toàn vốn và thanh khoản của ngân hàng nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.
Cập nhật ngày 21/10, có thêm 3 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm là ACB, MSB, VietBank.
Tại ACB , lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 13.503 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ 2021 và đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch cả năm. Với kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ACB tiếp tục nằm trong top dẫn đầu thị trường, lên trên mức 27%.
Cuối tháng 9, tổng tài sản ACB đạt 561.114 tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,1% lên 402.251 tỷ đồng. Danh mục tín dụng tập trung vào mảng bán lẻ với tỷ lệ lên đến 94%.
Nợ xấu của ACB tăng 45% trong 9 tháng đầu năm lên 4.056 tỷ đồng, chiếm 1% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng, thuộc top những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hiện nay.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ACB thuộc top đầu ngành, đạt trên 24% vào cuối quý 3/2022.
VietBank báo lãi trước thuế quý 3/2022 đạt 148 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietBank đạt 535 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Đến thời điểm hiện tại, VietBank là ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý 3/2022.
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản VietBank đạt 109.207 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 57.415 tỷ đồng, tăng 13,6%. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 70.137 tỷ đồng, tăng 5,1% so với đầu năm.
MSB cũng thông tin về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.824 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, thực hiện hơn 70% kế hoạch năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Kết thúc quý III/2022, tổng tài sản MSB đạt trên 194.000 tỷ đồng. Cho vay khách hàng ghi nhận hơn 112.100 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/NHNN ở mức 1,08%, tiếp tục cải thiện so với mức 1,1% tại thời điểm 30/6/2022, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 95,7%.
Lợi nhuận trước thuế các ngân hàng (tỷ đồng)
Chẳng hạn, MSB cho biết, tỷ lệ an toàn vốn CAR theo Thông tư 41 đạt 12,5%, cao hơn so với yêu cầu trên 8%. Các hệ số thanh khoản khác như tỷ lệ cho vay/huy động vốn (LDR) đạt 74,3%, đảm bảo tốt mức trần 85%; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (MTLT) giữ mức 25,17%, duy trì an toàn theo luật định.
Tại ACB, tính đến hết quý 3/2022, tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ của ACB đạt 12% và 12,5%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8%. Tỷ lệ LDR đạt mức 83%, đảm bảo tuân thủ tỷ lệ thanh khoản theo quy định.
TPBank thì cho biết, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được ngân hàng quản lý chặt chẽ. Tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) tại thời điểm 30/6/2022 đạt 12,25% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của khách hàng (LDR) tính đến hết tháng 9 đạt 60,91%.
Tại VIB, hệ số cho vay trên huy động (LDR) đạt 75%, hệ số tỷ lệ tài sản thanh khoản (MLH) là 17% (theo quy định là trên 10%) và hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (SML) đạt 32% (theo quy định là dưới 34%). Hệ số an toàn vốn (CAR) của VIB theo Basel II đạt mức cao trên 12,4%.