Thêm 2 công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm nhập khẩu sản phẩm vì vi phạm nhân quyền

Chia sẻ Facebook
11/06/2023 09:41:55

Mỹ cấm nhập khẩu sản phẩm từ nhà sản xuất máy in Trung Quốc Ninestar và Công ty Xingjang Zhongtai Chemical Co.

Vào thứ Sáu (9/6), Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) thông báo cấm nhập khẩu sản phẩm từ nhà sản xuất máy in Trung Quốc Ninestar và 8 công ty con của hãng này cùng Công ty Hóa chất Trung Thái – Tân Cương (Xingjang Zhongtai Chemical Co), vì liên quan đến vấn đề vi phạm nhân quyền.

Công ty Hóa chất Trung Thái – Tân Cương và Tập đoàn Ninestar. (Ảnh chụp màn hình video giới thiệu công ty)


DHS lưu ý trong một tuyên bố, việc bổ sung Ninestar và Trung Thái – Tân Cương vào danh sách thực thể của Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ (UFLPA), là nhằm loại bỏ lao động cưỡng bức ra khỏi chuỗi cung ứng của Mỹ.


DHS cho biết từ ngày 12/6/2023, sản phẩm sản xuất của Công ty Hóa chất Trung Thái – Tân Cương và Tập đoàn Ninestar cùng 8 công ty con ở Chu Hải Trung Quốc sẽ bị hạn chế nhập cảnh vào Mỹ, nguyên nhân vì các hoạt động kinh doanh mà các công ty này tham gia liên quan đến vi phạm nhân quyền đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người bị bức hại khác.


Công ty Ninestar tuyên bố là nhà sản xuất máy in laser lớn thứ 4 thế giới. Còn các sản phẩm chính của Trung Thái – Tân Cương bao gồm nhựa PVC (polyvinyl chloride), xút màng ion và sợi viscose.


Tổng thống Mỹ Joe Biden ký UFLPA thành luật vào tháng 12/2021. Theo luật UFLPA, Mỹ cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất tại Tân Cương hoặc bởi các công ty trong Danh sách Thực thể của UFLPA, trừ khi nhà nhập khẩu có thể chứng minh thông qua bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng hàng hóa không được sản xuất từ lao động cưỡng bức.


Với thông báo hôm thứ Sáu, DHS cho biết, tổng cộng 22 công ty Trung Quốc hiện đang nằm trong Danh sách Thực thể UFLPA. Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) bắt đầu thực thi UFLPA vào tháng 6/2022. Trong năm đầu tiên thực thi theo luật mới, CBP đã xem xét hơn 4000 lô hàng trị giá hơn 1,3 tỷ USD.


Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro N. Mayorkas cho biết: “Chính quyền này cam kết loại bỏ lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của Mỹ, sẽ làm như vậy trong quá trình thúc đẩy thương mại hợp pháp và củng cố nền kinh tế Mỹ… Bộ phận của chúng tôi sẽ không dung thứ cho các hành vi vi phạm nhân quyền của chính phủ (Đảng Cộng sản Trung Quốc), vì thế sẽ tiếp tục hạn chế tất cả hàng hóa sử dụng vật liệu hoặc nhân công từ Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương – khu vực mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tích cực đàn áp và bóc lột người Duy Ngô Nhĩ và đa số các cộng đồng theo đạo Hồi khác”.


Thứ trưởng phụ trách Chính sách Robert Silvers là Chủ tịch Ban Chấp pháp về Lao động cưỡng bức, cho biết: “ Ban Chấp pháp về Lao động cưỡng bức sẽ tiếp tục buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền kéo dài ở Tân Cương. Việc sử dụng lao động cưỡng bức vi phạm các giá trị của chúng ta, làm suy thoái lợi ích của các doanh nghiệp và người lao động Mỹ. Lao động cưỡng bức hiện là vấn đề tuân thủ ở cấp độ cao nhất, vì vậy các doanh nghiệp cần hiểu về chuỗi cung ứng của họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi UFLPA một cách tỉnh táo”.


Đảng Cộng sản Trung Quốc đã liên tục bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền.


Theo Trương Đình, Epoch Times

TQ: Hàng chục triệu thanh niên thất nghiệp - mối nguy chính trị tiềm ẩn Hiện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vô cùng lo lắng vấn nạn thất nghiệp sẽ biến thành vấn đề chính trị.

Chia sẻ Facebook