Thẻ tín dụng cho khách hàng bình dân – thị trường lớn còn bỏ ngỏ?
Masan Group vừa hoàn tất thỏa thuận chi 65 triệu USD để sở hữu 25% cổ phần của Công ty CP Trusting Social, công ty con tại Việt Nam của Trust IQ Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore).
Với bước đi này, Masan đặt mục tiêu cung cấp 1 triệu thẻ tín dụng cho các khách hàng bình dân. Đây là những người chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng và hay đã có tài khoản nhưng chưa tiếp cận đầy đủ các tiện ích tài chính.
2/3 người tiêu dùng ở Việt Nam không có tài khoản ngân hàng
Trusting Social là công ty công nghệ chuyên trong lĩnh vực chấm điểm tín dụng. Được thành lập từ năm 2013, Trusting Social chỉ mất 7 năm để chấm điểm cho 1 tỷ người, nhờ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (big data) và máy học (ML). Thị trường chính của Trusting Social là tầng lớp bình dân tại Việt Nam, Indonesia, ẤN Độ và Philippines.
Thỏa thuận hợp tác với Trusting Social sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi Masan trở thành hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ tích hợp từ offline đến online (O2). Công ty cũng cung cấp các giải pháp ứng dụng AI và Machine Learning trong hoạt động bán lẻ và tiêu dùng, mở rộng cung cấp các sản phẩm tài chính, từ đó nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.
Bước đi này xuất phát từ triết lý "phục vụ các nhu cầu lớn chưa được đáp ứng đúng mức của người Việt Nam" của Masan Group. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group cho biết: "Cùng với Trusting Social, chúng tôi đang cố gắng thay đổi phần nào đó thực trạng của thị trường." Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam đang phải trả chi phí cao cho các sản phẩm và dịch vụ tài chính vì các dịch vụ này chưa phổ biến. Chi phí ngân hàng quá cao đối với nhóm dân cư chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn và việc thiếu năng lực chấm điểm tín dụng cho đại bộ phận khách hàng phổ thông khiến cho phần lớn dân số vẫn còn xa lạ với việc sử dụng thẻ tín dụng, cũng như mở tài khoản ngân hàng. Kết quả, 2/3 người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. Tỷ lệ người có thẻ tín dụng và bảo hiểm lần lượt là 4% và 2,4%. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải sử dụng các kênh tài chính phi chính thức nhiều hơn. Các kênh này thường có chi phí cao hơn từ 3 đến 5 lần so với tín dụng chính thức.
Đồng thời, sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thói quen thanh toán của người dân đã có những thay đổi lớn. Cùng với quá trình chuyển đổi sang kênh mua sắm online, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như: Thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng mobile banking. Có thể nói, đây là thời điểm chín muồi để Masan thực hiện bước đi này.
Mở gần 2.700 thẻ tín dụng chỉ trong 3 phút
Masan đã định nghĩa lại phạm vi hoạt động của mình, không dừng lại ở một công ty sản xuất hàng tiêu dùng thông thường mà sẽ phục vụ toàn bộ nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng từ khi sinh ra đến lớn lên, trưởng thành và về già (lifetime consumption) – khu vực mà mỗi người sẽ sử dụng tới 80% thu nhập của mình để chi tiêu. Để làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ tiến hóa, trở thành một đơn vị kết nối tất cả các nền tảng lại với nhau, qua đó phục vụ những nhu cầu cơ bản, nhu cầu tài chính và cả nhu cầu phong cách sống của người tiêu dùng.
Tổng giám đốc Trusting Social - ông Nguyễn An Nguyên cho biết công ty này cùng với Masan sẽ tạo nên các nền tảng làm cơ sở cho các sản phẩm đột phá cho tương lai. Đầu tiên là nên tảng siêu cá nhân hóa, tức sẽ biết khách hàng cần cái gì trước khi họ mua hàng. Thứ hai là nền tảng khách hàng thân thiết, với hệ sinh thái khách hạng đa dạng như Masan và thông qua Machine Learning, Big Data thì Masan sẽ hiểu được thêm về nhu cầu khách hàng để phục vụ tốt hơn. Cuối cùng là nền tảng tiếp cận tài chính thông qua các sản phẩm như thẻ tín dụng, bảo hiểm vi mô, tiết kiệm vi mô,…
Đại diện Masan cho biết mục tiêu năm nay là mở mới một triệu thẻ tín dụng. Đây là thẻ 3 trong 1 bao gồm thẻ tín dụng EVO, thẻ khách hàng thân thiết của hệ thống WinMart/WinMart+ và nhà mạng di động Reddi.
"Ở Việt Nam, 80% người tiêu dùng không có tài khoản ngân hàng, không có thu nhập cố định. Các ngân hàng, theo đó, cũng không thể đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp. Hệ quả, người tiêu dùng Việt Nam, cụ thể là những người tiểu thương – nông dân trồng trọt chăn nuôi ở nông thôn, họ chỉ có thể thỏa mãn nhu cầu tài chính của mình theo những cách không chính thống nên khá rủi ro. Với Trusting Social và Masan, chúng tôi đang cố gắng thay đổi phần nào đó thực trạng của thị trường. Đầu tiên là cơ hội để người tiêu dùng có thể tiếp cận tín dụng và lãi suất tín dụng –chi phí vốn một cách thấp nhất. Chúng tôi tin rằng, nếu làm được điều này sẽ tạo ra, không những giá trị cho người tiêu dùng mà cho cả xã hội", ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan chia sẻ.
Masan và Trusting Social đã có màn demo trải nghiệm mở thẻ trực tuyến đầy ấn tượng dành cho các khách mời ngay tại sự kiện và khách theo dõi thông qua nền tảng online. Thông thường, quy trình cấp thẻ tín dụng của ngân hàng thường mất từ 5 – 7 ngày, trải qua nhiều khâu thủ tục và chứng minh thu nhập để được cấp thẻ tín dụng. Với công nghệ AI và Machine Learning, Masan và Trusting Social đã cắt giảm đáng kể thời gian và thủ tục đăng ký mở thẻ.
Tại Đại hội đồng Cổ đông, sau khi đăng nhập https://masan.goevo.vn/ , đã có 2.694 tài khoản tín dụng đã được xác thực thành công chỉ trong 3 phút, với tổng hạn mức tín dụng được cấp là 815 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ đồng hạn mức / giây. Ứng dụng công nghệ đã gỡ bỏ rào cản bằng cách số hoá mọi khâu tương tác giữa khách với ngân hàng, từ đăng ký, định danh, thẩm định hoàn toàn trực tuyến và nhận kết quả hạn mức tín dụng trong thời gian ngắn nhất. Như vậy, cơ hội để khách hàng sở hữu một chiếc thẻ tín dụng là ngang nhau, không phân biệt vị trí địa lý, nghề nghiệp, khối lượng hay mục đích chi tiêu.