Thể thao kích cầu du lịch
Càng ngày các địa phương, và cả ngành thể thao du lịch của cả nước, càng thấy vai trò rất lớn của các giải thể thao trong việc kích cầu du lịch.
Trên thế giới việc dùng thể thao để kích cầu du lịch đã có từ lâu. Những World Cup, các Olympic mùa Đông mùa Hè, các giải đấu thể thao khu vực, giải thể thao quốc gia v.v... đều được gắn với việc phát triển du lịch, với việc mời khách du lịch tới với mình.
Việt Nam ta, hồi đầu ghép thể thao với du lịch vào cùng một Bộ như bây giờ cũng có nhiều người thắc mắc. Mà cũng đúng, bởi thể thao nước ta về cơ bản là chưa phát triển, chưa kể hàng loạt tiêu cực hồi ấy, các giải đấu được tổ chức đa phần là lỗ, lâu lâu người ta lại phát hiện ra tiêu cực ở giải này giải kia, những là bán độ, những là gian lận tuổi. Từng có cả một đội bóng đá thiếu nhi vào rất sâu trong một giải bị phát hiện gian lận tuổi...
Nhưng giờ thì khác.
Hiện đang có cái giải bóng chuyền VTV Cup tổ chức ở Lào Cai. Lãnh đạo và nhân dân Lào Cai đều coi đây như là dịp để kích cầu và phát triển du lịch cho tỉnh mình, dù họ đã có địa danh Sa Pa nổi tiếng, tới mức có cảm giác không cần giới thiệu du khách cũng ùn ùn kéo tới.
Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng giải là sự kiện quan trọng kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa. Đã có tới 120 năm Sa Pa là địa danh du lịch nổi tiếng, nhưng Lào Cai vẫn tiếp tục kích cầu du lịch bằng thể thao. Bên cạnh giải bóng chuyền quốc tế thu hút rất nhiều người xem trực tiếp và qua truyền hình trực tiếp hàng ngày, thì tỉnh này tổ chức Giải đua xe bán tải địa hình “Bat Xat Offroad Challenger” cũng nhằm mục đích ấy.
Hôm qua trên trang cá nhân, nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, người cũng từng tổ chức rất nhiều giải thể thao nổi tiếng, trong đó có giải bóng đá U21, cho biết: “Đà Lạt đang chờ mình bàn với các giới chức ở đây, sân chính đã rất đẹp, cần có thêm một sân phụ và vài ba sân tập để có thể đưa các giải trẻ Quốc gia và Quốc tế về đây. Hôm làm việc với Liên đoàn BĐVN, Chủ tịch Liên đoàn Trần Quốc Tuấn có hứa qua điện thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng là ông Trần Văn Hiệp là sẽ đưa những trận trận giao hữu Quốc tế có chất lượng về với thành phố Đà Lạt, nơi có khí hậu mát dịu nhất Việt Nam này, nếu như tỉnh đầu tư thêm sân tập và sân phụ. Việc này cũng sẽ giúp cho du lịch Lâm Đồng tăng lượng khách”.
Và sau đấy, một tờ báo cho biết kết quả cuộc làm việc này rất tốt đẹp, đích thân Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn truyền thông Thanh Niên và nhanh chóng đưa ra nhiều quyết định quan trọng để thể thao và du lịch Lâm Đồng phát triển. Mà nên nhớ, về du lịch, Lâm Đồng đã có Đà Lạt danh bất hư truyền từ xưa tới nay, cả trong và ngoài nước.
Hôm nọ Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế nhắn tin cho tôi: Tỉnh đang chuẩn bị tổ chức giải Marathon Gia Lai City Trail 2023 với chủ đề “Giấc mơ đại ngàn”, mời bác tham gia. Chắc ông Phó Chủ tịch đồng thời là một chân chạy việt dã nổi tiếng này, từng tham gia nhiều giải chạy marathon, biết tôi có thói quen đi bộ hàng ngày và cũng hay quan tâm tới du lịch, từng một thời gian mấy năm sau hưu đi làm cho một công ty du lịch nổi tiếng với vai trò cố vấn văn hóa và truyền thông, nên rủ rê và cũng tiện thể thông báo.
Theo tâm sự của ông Nguyễn Hữu Quế thì cuộc chạy này chủ yếu cũng để... kích cầu du lịch, nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa du lịch của tỉnh năm 2023 như lễ hội hoa dã quỳ, Festival cồng chiêng v.v....
Trở lại cuộc chạy được cho là có quy mô lớn nhất ở Gia Lai từ trước tới nay (là sự kiện chạy địa hình đầu tiên tại Gia Lai và lớn nhất ở khu vực Tây Nguyên) vào tháng 11 này, thì sẽ có khoảng 4000 vận động viên tham gia ở nhiều cự ly. Quan trọng là, ban tổ chức sẽ bố trí một đường chạy “không thể đẹp hơn” khi trải dài qua nhiều địa danh cực đẹp của 2 địa phương là thành phố Pleiku và huyện Chư Păh, trong đó có những đoạn chạy giữa những hàng thông được mệnh danh là “con đường Hàn Quốc”, giữa những thảm dã quỳ vàng rực ở khu núi lửa Chư Đang Ya v.v...
Trước đó, tỉnh Nghệ An cũng có cuộc chạy với 4000 vận động viên chuyên nghiệp trong cái giải có tên “Về miền ví, giặm” (lâu nay mọi người hay viết Ví Giặm mà không biết ví và giặm là 2 làn điệu khác nhau nên phải có dấu phẩy ở giữa). Rất tài, ví, giặm dịu êm da diết thiết tha với chạy Marathon hừng hực sức mạnh sức bền mà kết hợp được với nhau thì quá tài.
Với giải này, tỉnh Nghệ An chính thức gia nhập bản đồ điểm đến của giới runner cả nước. Qua đó, liên kết vùng, kích cầu du lịch của vùng nói riêng và cả nước nói chung theo phương châm của Tổng cục Du lịch - “Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. “Bên cạnh những giá trị về sức khỏe mà thể thao mang lại, cuộc thi chính là thông điệp, là kênh quảng bá về hình ảnh đất và người Nghệ An. Ban Tổ chức mong muốn sau giải chạy này, các vận động viên sẽ trở lại Nghệ An, không chỉ là du khách, mà còn là những “đại sứ du lịch” quan trọng giúp quảng bá hình ảnh Nghệ An đến với nhiều người hơn nữa” - báo Nghệ An đánh giá.
Cũng nói luôn, thể thao Việt Nam, so với mươi năm trước, đã trung thực hơn nhiều. Và đấy chính là tiền đề, là điều kiện để du lịch gắn với thể thao cùng phát triển. Thể thao để chiến thắng, nhưng cũng để vui, để chơi, để thoải mái, để rèn luyện sức khỏe, để vượt qua chính mình...
Tôi thích nhất hình ảnh ở các giải chạy là cả gia đình cùng chạy. Ở đấy, toát lên tinh thần thể thao vô tư, trong sáng, nó đẹp một cách... không tì vết.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.