The Saigon river air show: Chuỗi sự kiện cho sông Sài Gòn huyền sử

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 18:07:10

Tôi nhận thấy Sài Gòn nên hướng về việc xây dựng một sự kiện hằng năm (hoặc hai năm một lần) gắn liền với dòng sông đặc biệt của mình. Và tôi đề xuất chuỗi sự kiện lấy tên "The Saigon River Air Show".

Hình minh họa tác giả cung cấp

Hễ thành phố nào gắn liền với một dòng sông thì nơi ấy, bóng hình của dòng sông luôn song hành với lịch sử phát triển thành phố. Nó mang theo dòng phù sa tinh thần tô đắp thêm cho những giá trị mà một thành phố miệt mài tạo nên.

Phải thừa nhận, tại thời điểm năm 2022, tiềm năng và giá trị về du lịch, kinh tế, văn hóa, thể thao... của dòng sông Sài Gòn vẫn còn quá lớn và chưa được khai thác đúng nghĩa.


Tôi mong muốn xây dựng và triển khai một sự kiện có tầm ảnh hưởng quốc tế, trên chính con sông Sài Gòn giàu tính lịch sử này. Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trên sông Hàn có ý nghĩa lớn lao trong việc quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng và con sông Hàn.


Một sự kiện tương tự nếu như được tổ chức trên sông Sài Gòn hẳn sẽ còn mang lại giá trị về mặt thương mại và thương hiệu lớn lao gấp nhiều lần.

"Air Show" thực chất không phải là một loại hình sự kiện mới mẻ. Singapore đã nhiều lần tổ chức Air Show thành công. Air Show là sự kiện trình diễn máy bay nghệ thuật trên bầu trời và song hành cùng sự kiện chính là triển lãm máy bay.

Thông thường, các quốc gia tổ chức, bên cạnh việc sử dụng các đội bay quân sự (hoặc tư nhân) trong nước, sẽ mời các đội bay quốc tế đến tham dự các sự kiện Air Show. Ngoài trình diễn nhào lộn máy bay, thả khói nghệ thuật... thì đây cũng là dịp để các tập đoàn kinh doanh máy bay tham gia triển lãm trong khuôn khổ chương trình, nhằm giới thiệu các dòng sản phẩm mới nhất.

"The Saigon River Air Show" sẽ được diễn ra trên sông Sài Gòn với hai bờ sông là các khán đài quy mô, thu hút khách địa phương lẫn khách quốc tế. Với bề rộng của dòng sông và độ dài chảy qua thành phố, dòng sông sẽ là đại sân khấu tuyệt vời cho những màn trình diễn trên không.

Về sân bãi để đậu, đỗ máy bay cho chương trình triển lãm, sau khi nghiên cứu, tôi nhận thấy quỹ đất hiện hữu dọc theo dòng sông vẫn còn khá nhiều.

UBND TP.HCM đã thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thành phố, trong đó đáng chú ý là quy hoạch ven sông Sài Gòn.

Hình ảnh quy hoạch sông Sài Gòn phủ kín các đồ án quy hoạch kéo dài qua tám quận, huyện, TP Thủ Đức, chỉ còn năm khu vực không có đồ án quy hoạch phân khu (và rất tiềm năng để xây dựng làm bãi đỗ máy bay):

• Khu thứ nhất, giữa khu dân cư - du lịch vườn Nhị Bình (huyện Hóc Môn) và khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái - dân cư nhà vườn xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi).

• Khu thứ hai, giữa khu dân cư - du lịch vườn Nhị Bình (huyện Hóc Môn) và khu dân cư phía bắc phường Thạnh Lộc (quận 12).

• Khu thứ ba, một khoảng trống nhỏ còn sót lại ở khu trung tâm hiện hữu TP.HCM.

• Khu thứ tư, một đoạn giữa khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi 180,8 hecta (khu 174 ha cũ, thuộc quận 2 cũ) và khu đô thị chỉnh trang kề cận khu Thủ Thiêm.

• Khu thứ năm là một mảng trống lớn chảy dài phía quận 7 của sông Sài Gòn.

Nếu việc phát triển thương hiệu "The Saigon River Air Show" nằm trong tổng thể quy hoạch của thành phố, tôi tin việc sàng lọc và lựa chọn ra bãi đậu đỗ máy bay nằm trong chương trình sẽ là một vấn đề có thể giải quyết được.

Thực tế cho thấy TP.HCM đã từng lên kế hoạch sẽ tổ chức triển lãm máy bay ở Thủ Đức (tuy không rõ vị trí chính xác) vào năm 2019. Do vậy vấn đề sân bãi triển lãm không phải là một thách thức quá lớn.

Bằng việc tổ chức hai năm một lần, ban tổ chức có đủ thời gian để liên tục hoàn thiện bộ máy, sân bãi, hệ thống logistics, đội bay, công tác truyền thông, hệ thống bán vé, chủ đề chương trình.


Sông Sài Gòn sẽ hưởng lợi gì từ chương trình?

Về mặt kiến trúc và cảnh quan, hệ thống bờ sông Sài Gòn sẽ được tu sửa, chỉnh trang cho phù hợp với chương trình. Việc lắp đặt các khán đài lớn và chắc chắn đòi hỏi các promenade (vỉa hè) phải được cơi nới, mở rộng.

Xây dựng thêm các cầu tàu (piers), nhà hàng nổi (waterfront) sẽ là cần thiết để bổ sung thêm các lựa chọn cho du khách. Bên cạnh đó, việc xử lý nước, lọc nước sông cũng là một vấn đề cần quan tâm để đảm bảo thẩm mỹ và chất lượng nước.

Sông Sài Gòn khi đó sẽ là "ngôi sao" đích thực của chương trình. Các chủ đề bay liên quan đến lịch sử, huyền sử, chuyện dân gian, yếu tố văn hóa... sẽ được xây dựng.

Chúng ta sẽ có "Đam San đi bắt con gái thần mặt trời" hay "Việt Nam 4.000 năm huyền thoại" được vẽ lên chính bầu trời Sài Gòn bằng những cột khói đầy sắc màu từ những chiếc máy bay biết nhào lộn.

Về đối tác tham dự, tôi nghĩ chúng ta có thể tham khảo nước bạn Singapore khi họ đã mời các đội bay đến từ Ấn Độ, Indonesia và Mỹ. Đây là cơ hội để chúng ta có thể chiêm ngưỡng các dòng máy bay trứ danh như: Boeing B-52 Stratofortress bomber hay Lockheed Martin F-35 Lightning II.

Tôi xem chiến dịch ngắn hạn "The Saigon River Air Show" sẽ mở đường cho việc phát triển sông Sài Gòn về sau.

Một khi chúng ta làm đẹp cảnh quan và nâng cấp cơ sở hạ tầng, các hướng phát triển sông Sài Gòn sẽ được gia tăng: triển khai khu chợ nổi, làm tour du lịch văn hóa/sinh thái, sự kiện thể thao nước (đua thuyền rồng, thi bắn pháo hoa, chèo kayak...), các cơ sở dịch vụ dọc theo tuyến bờ sông (hoặc trên mặt sông), công viên, bến du thuyền hạng sang, khu tập trung câu cá...

Dòng sông sẽ góp phần lớn vào việc thay đổi diện mạo của đô thị hàng đầu Việt Nam: TP.HCM.

Ngoài việc xây dựng "The Saigon River Air Show", tôi nghĩ sẽ có rất nhiều ý tưởng táo bạo khác giúp đưa thương hiệu dòng sông Sài Gòn lên một tầm cao mới, từ đó gặt hái thêm những mục tiêu về mặt thương mại hay du lịch.

Tuy nhiên, dù chúng ta muốn khoác lên dòng sông tấm áo cách tân kiểu gì đi nữa, thì xin đừng lấy nó ra khỏi vị trí mang tính văn hóa - lịch sử độc đáo mà dòng sông hiện đang sở hữu, trong mối quan hệ khăng khít giữa nó và thành phố.

Một dự án dài hơi như "The Saigon River Air Show" cũng sẽ không thể đạt thành công nếu chúng ta quên đi yếu tố then chốt ấy.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Để sông Sài Gòn tiếp tục 'ban phúc lành cho trăm họ' Sông Sài Gòn là tặng vật của thiên nhiên dành cho TP.HCM và khu vực. Nhưng suốt một thời gian dài, dòng sông đang 'ngủ quên'.

Chia sẻ Facebook