The Pig War: Xung đột ngu ngốc nhất trong lịch sử?

Chia sẻ Facebook
07/06/2022 02:17:16

The Pig War hay còn gọi là Cuộc chiến con lợn, đây là một cách gọi khoa trương có phần chế giễu mà lịch sử và đa phần các tác phẩm với nội dung liên quan đến sự kiện 1859 về việc tranh chấp lãnh thổ giữa Đế quốc Anh và Hoa Kỳ tại quần đảo San Juan.

Có rất ít người đã nghe nói về cuộc xung đột thế kỷ 19 này - "Cuộc chiến con lợn" xảy ra giữa Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Cuộc xung đột này, được biết đến với tên gọi khác là Chiến tranh lợn và khoai tây, tranh chấp ranh giới Tây Bắc, tranh chấp ranh giới San Juan.

Đây là một cuộc xung đột xảy ra trong khi cố gắng thiết lập biên giới quốc tế tại Quần đảo San Juan giữa Bang Washington của Hoa Kỳ và Đảo Vancouver ở British Colombia ở Canada. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, cuộc xung đột này đã kéo dài mười lăm năm từ năm 1859 cho đến khi nó được giải quyết vào năm 1874.

Và trong ngần ấy thời gian, nạn nhân của cuộc xung đột này chỉ là một con lợn. Làm thế nào mà tất cả điều này xảy ra?

Bối cảnh

Căn nguyên của vấn đề này có thể được tìm thấy trong cuộc tranh chấp ranh giới Oregon từ đầu thế kỷ 19. Đó là một vấn đề giữa Vương quốc Anh và Hoa Kỳ về vị trí chính xác của ranh giới phía Bắc của Oregon với tư cách là một tiểu bang. Năm 1818, hiệp định Anh-Mỹ hy vọng sẽ tránh được những vấn đề này bằng cách cho phép công dân của cả hai quốc gia sử dụng lãnh thổ và cho phép cả hai quốc gia sử dụng các tuyến đường thủy quan trọng.

Tuy nhiên, điều này không giải quyết được căng thẳng đang gia tăng giữa hai nước. Năm 1846, một hiệp ước khác được ký kết. Được gọi là "Hiệp ước Oregon", nó tuyên bố rằng ranh giới sẽ kéo dài qua đường vĩ tuyến 49 của vĩ độ tây cho đến "giữa kênh phân tách lục địa khỏi Đảo Vancouver". Từ đây, hiệp ước cho biết biên giới sẽ đi về phía nam tới eo biển Juan De Fuca trước khi đổ ra biển.

Bất chấp những thuật ngữ mô tả khá rõ ràng này, thì vẫn có khá nhiều vấn đề phát sinh giữa hai quốc gia. Bởi ranh giới địa lý thực tế là hai eo biển khác nhau có thể được áp dụng cho hiệp ước, eo biển Rosario và eo biển Haro, nhưng lúc này, quần đảo San Juan nằm ngay giữa chúng.

Biên giới tranh chấp: đường biên của Hoa Kỳ là màu xanh, còn của Anh là màu đỏ.

Không ngạc nhiên khi cả hai nước đều chọn eo biển có lợi cho riêng mình. Người Mỹ ủng hộ eo biển Haro trong khi người Anh chọn eo biển Rosario. Và sự lựa chọn đó có nghĩa là mỗi quốc gia đều nghĩ rằng họ đang sở hữu lãnh thổ của quần đảo San Juan.

Trước khi vấn đề được giải quyết, người Anh đã tự mình giải quyết mọi việc và bước đầu tiên chính là thiết lập một trạm thu mua cá hồi thông qua Hudson's Bay Company trên quần đảo vào năm 1851. Nhưng đến năm1853, người Mỹ mới thấy mình đang bị mất quyền lợi nên đã cố tìm cách đòi lại vùng đất này, tuy nhiên người Anh đã đi thêm một bước nữa, đó là thành lập một trang trại cừu tại đây.

Tuy nhiên, người Mỹ không dễ bị nản lòng. Sau những hành động của người Anh, người Mỹ bắt đầu di dân đến định cư trên đảo và đến năm 1859, đã có khoảng 14 đến 30 người Mỹ định cư tại đây. Cả hai bên đều coi sự hiện diện của bên kia là bất hợp pháp. Và đây cũng là lúc mâu thuẫn xảy ra.

Căng thẳng "leo thang"

Vào ngày 15 tháng 6 năm 1859, một con lợn thuộc sở hữu của Anh đã tình cờ đi vào bãi trồng rau của một nông dân người Mỹ có tên Lyman Cutler. Đây không phải là lần đầu tiên điều này xảy ra, và vì quá tức tối, Lyman đã cầm súng bắn chết con lợn. Không may cho Cutler, con lợn này thuộc về Charles Griffin, một nhân viên của Hudson's Bay Company.

Lyman Cutler sau đó đã bị Griffin tìm đến tận nhà để yêu cầu bồi thường và mặc dù Cutler đưa ra khoản phí 10 USD cho con lợn, nhưng Griffin vẫn yêu cầu nhiều hơn và báo cáo với nhà chức trách Anh. Phía Anh lúc này đe dọa sẽ bắt giữ Cutler nếu anh ta không đưa ra được số tiền phù hợp để bồi thường.

Tuy nhiên, phía Mỹ cũng không muốn người dân của mình phải chịu thiệt thòi, do đó chính phủ đã cử một đoàn với 64 binh sĩ đến để bảo vệ những người Mỹ định cư trên quần đảo San Juan. Chính phủ Anh coi đây là một hành động gây hấn, họ đã cử James Douglas, thống đốc đảo Vancouver cùng với tàu quân sự Frigate Tribune và nhiều tàu chiến khác đến để chống lại quân Mỹ.

Thấy phía Anh hành động như vậy, Mỹ quyết định ăn miếng trả miếng và chính phủ Mỹ đã yêu cầu sự hỗ trợ từ đất liền và đến giữa tháng 8, đã có một lực lượng hơn 400 binh sĩ cùng 8 khẩu pháo có mặt trên đảo. Trong khi đó, người Anh có hơn 1.000 người và ít nhất 5 tàu chiến. Xung đột bắt đầu dường như không thể tránh khỏi khi lực lượng Mỹ xây dựng các công sự và người Anh cũng bắt đầu thực hiện các cuộc diễn tập pháo của họ.

Khi tin tức về cuộc xung đột cuối cùng đến tai Tổng thống Mỹ James Buchanan, ông đã ra lệnh cho tổng tư lệnh của mình, Winfield Scott đàm phán với Thống đốc Douglas để đưa ra một giải pháp hòa bình. Đây là một bước đi khôn ngoan vì Scott đã tham gia vào các cuộc đàm phán về biên giới từ những năm 1830.

Đến tháng 10 năm 1859, Scott bắt đầu đàm phán với Douglas. Cả hai đều không muốn bắt đầu một cuộc xung đột vũ trang toàn diện nhưng cũng không từ bỏ quyền sở hữu đất đai của mình. Cuối cùng họ đã đồng ý giảm số lượng quân đội, súng và tàu chiến trong lãnh thổ, mặc dù họ sẽ không loại bỏ chúng hoàn toàn.

Mỗi bên sẽ có một lực lượng gồm 100 người đàn ông và họ sẽ làm việc cùng nhau để chia sẻ trách nhiệm đối với hòn đảo cho đến khi giải pháp được đưa ra. Người Anh lập trại ở miền Bắc trong khi người Mỹ chiếm miền Nam.

Nhiều báo cáo cho rằng trong thời gian này. Các trại của người Mỹ và người Anh đã hòa thuận với nhau. Họ thường xuyên thăm trại của nhau để ăn uống và kỷ niệm các ngày lễ quốc gia của nhau . Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, sự căng thẳng này còn kéo dài 12 năm nữa.

Cuối cùng, vào năm 1871, Hiệp ước Washington được ký kết không chỉ giải quyết vấn đề quần đảo San Juan mà còn nhiều bất đồng khác giữa hai quốc gia. Quá trình này mất một năm nhưng vào năm 1872, Quần đảo cuối cùng đã được tuyên bố là lãnh thổ của Mỹ.

Chia sẻ Facebook