Thế giới trước ngã ba đường: Gia tăng sử dụng năng lượng hóa thạch hay Bảo vệ môi trường
Kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 5/6/2022, câu hỏi về ưu tiên môi trường hay phát triển kinh tế lại được đặt ra.
Hội nghị Bộ trưởng Bảo vệ khí hậu, Năng lượng và Môi trường diễn ra trong 2 ngày 26-27/5 vừa qua tại thủ đô Berlin (Đức), các bộ trưởng nhóm G7 đã thảo luận cách thức đối phó với khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học.
Trong các lĩnh vực bảo vệ khí hậu và năng lượng, một loạt chủ đề như hành động chung của G7 thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Hiệp ước khí hậu Glasgow; vấn đề tài chính khí hậu; cách thức đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và mở rộng năng lượng tái tạo ; khử carbon trong các lĩnh vực điện, giao thông, công nghiệp và xây dựng; phát triển hydro xanh và bền vững; hợp tác quốc tế ngoài G7 cũng được đưa ra thảo luận.
Hơn bao giờ hết, G7 phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu và bảo vệ khí hậu cùng lúc, đồng thời nhanh chóng mở rộng năng lượng tái tạo, khử cacbon trong các lĩnh vực tiêu dùng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Bảo vệ khí hậu và mở rộng năng lượng tái tạo là những vấn đề về chủ quyền năng lượng, do đó cũng là vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, châu Âu và quốc tế.
Nhưng cũng trong thời điểm này, các nước đứng trước ngã ba đường, đó là gia tăng sử dụng các loại năng lượng hóa thạch để phát triển kinh tế hay giảm thiểu chúng để bảo vệ môi trường? Câu hỏi này không phải đến thời điểm hiện tại mới được đưa ra.
Cuối tháng Năm vừa qua, các nhà hoạt động môi trường đã kêu gọi giới chức Australia nhanh chóng đóng cửa các nhà máy điện chạy than và các khu mỏ nhằm đáp ứng mục tiêu tham vọng hơn về giảm khí thải carbon của tân chính phủ, đồng thời hối thúc tăng cường các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo cho những cộng đồng bị ảnh hưởng tại nước này.
Việc phụ thuộc vào các nhà máy điện chạy than đã khiến Australia trở thành một trong những nước có lượng khí thải carbon trên đầu người lớn nhất thế giới. Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Australia cam kết đến năm 2030 có thể giảm 28% lượng khí thải so với mức của năm 2005. Tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã đặt ra mục tiêu tham vọng hơn, khi nâng mức cắt giảm lên 43%, dù chưa đưa ra các cam kết nhằm hạn chế việc khai thác các mỏ than mới hoặc xóa bỏ các dự án nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Climate Analytics tại Australia, Bill Hare, cho rằng kế hoạch trên cũng chưa đáp ứng được mục tiêu của Hiệp định Paris là giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5 độ C. Theo ông, đến năm 2030, Australia cần giảm 60% lượng khí thải so với mức khí thải của năm 2005. Trong khi đó, ông Joe Fontaine, giảng viên về khoa học môi trường tại Đại học Murdoch ở thành phố Perth, nhận định việc chấm dứt sử dụng điện được sản xuất từ than sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu mới của chính phủ do Công đảng cầm quyền.
Phân tích của liên minh nghiên cứu Climate Action Tracker cho thấy các chính sách khí hậu hiện nay của Australia vẫn chưa hiệu quả, khi vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các dự án than đá và khí đốt mới. Các dự án khai thác than mới và việc tăng công suất sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ khiến lượng khí thải của Australia tăng 8-10% vào năm 2030.
Ông Hare nhận định công suất sản xuất điện từ than nhiều khả năng sẽ giảm nhanh chóng theo chủ trương của Công đảng, với những mục tiêu cao hơn về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, đảng cầm quyền của Australia lại chưa có mục tiêu rõ ràng về việc loại bỏ điện sản xuất từ than.
Các nhà môi trường cho biết các nhà máy điện chạy than tại Australia hầu hết đều cũ kỹ và gần hết thời hạn sử dụng, do đó việc đóng cửa sớm các nhà máy này sẽ là một trong những lộ trình dễ dàng nhất để giảm thải carbon. Theo các nhà hoạt động, để đẩy nhanh quá trình xóa bỏ điện sản xuất từ than, chính quyền bang và liên bang cần phải phối hợp để hỗ trợ, đào tạo và xúc tiến triển khai kế hoạch chuyển đổi tới những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa các nhà máy. Bên cạnh đó, việc xây dựng các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo mới để thay thế cho các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung và ổn định giá năng lượng.
Theo số liệu của chính phủ, hiện nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm phần lớn mức tiêu thụ năng lượng của Australia, với than đá chiếm khoảng 40%, dầu (34%) và khí đốt (22%). Công đảng đã đặt mục tiêu năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu điện của Australia vào năm 2030. Giám đốc Viện các giải pháp về khí hậu, năng lượng và thảm họa của Đại học Quốc Australia, Mark Howden, cho rằng chính phủ mới nhiều khả năng sẽ cần đến các nguồn lực thị trường để giúp giảm bớt lượng khí thải trong lĩnh vực than đá và khí đốt.
Chính phủ, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn nhằm chấm dứt đầu tư vào than đá để hỗ trợ mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Ông Howden cho rằng Chính phủ mới của Australia nhiều khả năng sẽ siết chặt luật môi trường, qua đó gây khó khăn cho việc khai thác nhiên liệu hóa thạch. Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu biện pháp này có đủ nhanh để giúp Australia đạt được mục tiêu về giảm khí thải hay không.
Công nghệ có phải là lời giải?
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa được tổ chức ở Davos (Thụy Sĩ), Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry cho biết các quốc gia và doanh nghiệp đã tham gia vào một nhóm có tên là "Liên minh những người tiên phong" (First Movers Coalition). Số thành viên của nhóm này đã tăng vọt từ 35 công ty ban đầu lên đến 55 doanh nghiệp hiện nay và trong số các tập đoàn lớn mới gia nhập có FedEx và Ford. Theo ông Kerry, liên minh này đang thúc đẩy đầu tư vào những công nghệ hoàn toàn mới để có thể cung cấp cho thị trường.
Đặc phái viên của Mỹ cho biết liên minh này cũng có sự tham gia của các quốc gia như Anh, Đan Mạch, Italy, Ấn Độ, Nhật Bản, Na Uy, Singapore và Thụy Điển. Ông Kerry nhấn mạnh chính sách của các chính phủ có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, thu giữ và lưu trữ carbon.
Trong khi đó, nhà sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates cho rằng hiện nay các sản phẩm "xanh" có giá thành rất cao, do đó để các sản phẩm này trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi hơn thì cần mở rộng sản xuất, ví dụ như pin năng lượng Mặt Trời, điện gió và pin lithium-ion.
Giám đốc tài chính Google, Ruth Porat, cho biết công ty này đã cam kết đầu tư 200 triệu USD cho các kế hoạch loại bỏ carbon dioxide, trở thành nguồn đóng góp chính cho quỹ gồm 900 triệu USD và dự kiến có sự đóng góp của các công ty khác trong thập kỷ tới.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Mikael Damberg tuyên bố quốc gia Bắc Âu này muốn trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhấn mạnh dự án thí điểm là nhà sản xuất thép sử dụng nguồn năng lượng hydro.
Thế giới nỗ lực "Chuyển đổi xanh"
Ủy ban châu Âu (EC) đang lên kế hoạch đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của Liên minh châu Âu (EU) và giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch – chủ yếu đến từ nguồn cung của Nga thông qua việc cho phép một số dự án năng lượng tái tạo được cấp phép trong vòng một năm.
Theo kế hoạch, EC sẽ đề xuất một số quy định đòi hỏi các quốc gia phải chỉ định một số địa điểm trên đất liền hoặc trên biển phù hợp để khai thác năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu rằng tác động môi trường của các dự án đến những khu vực này là rất thấp. Những địa điểm này phải tránh các khu các bảo tồn hoặc tuyến đường di cư của loài chim, ưu tiên những khu vực đã có hạ tầng phát triển như đường bộ, đường sắt, khu công nghiệp và đất công xung quanh.
Dự thảo nêu rõ quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo mới tại những địa điểm trên không được phép quá 1 năm, song có thể kéo dài thêm 3 tháng trong một số trường hợp đặc biệt. Khoảng thời gian này đã bị rút ngắn đi nhiều so với quy định cấp phép cho các dự án trong 2 năm như hiện nay.
Trong khi đó, tại Châu Đại dương, từ tháng 7 tới, tất cả các hoạt động của Woolworths - chuỗi siêu thị lớn nhất Australia tại bang South Australia sẽ chuyển sang trạng thái trung hòa carbon như một quá trình thử nghiệm để tiến tới 100% hệ thống cửa hàng của chuỗi siêu thị này sử dụng năng lượng sạch vào năm 2025.
Giám đốc điều hành của Woolworths, Brad Banducci đã công bố thông tin trên. Theo ông, bang South Australia đang dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo tại Australia và sự kết hợp giữa năng lượng Mặt Trời, gió và pin. Việc chuyển đổi sang năng lượng Xanh tại 87 cửa hàng Woolworths có thể thực hiện được nhờ Công viên năng lượng tái tạo Port Augusta - dự án kết hợp giữa năng lượng Mặt Trời và gió lớn nhất ở Nam bán cầu với 50 tuabin gió và 250.000 tấm pin Mặt Trời. Dự án này sản xuất khoảng 900 MW năng lượng tái tạo mỗi năm, đủ để cung cấp điện cho khoảng 180.000 hộ gia đình.
Dự kiến, sau quá trình chuyển đổi vào tháng 7 tới, Woolworths sẵn sàng thay thế dần các hợp đồng năng lượng truyền thống hiện có trên toàn quốc và điều này sẽ giúp chuyển đổi khoảng 1% tổng năng lượng của Australia thành năng lượng Xanh
Tại châu Á, Ấn Độ có kế hoạch cắt giảm sản lượng điện của ít nhất 81 cơ sở điện than trong 4 năm tới, qua đó giảm tiêu thụ 34,7 tỷ tấn than và cắt giảm 60,2 triệu tấn khí thải carbon vào không khí. Kế hoạch này giúp Ấn Độ từng bước thực hiện chuyển đổi sang sản xuất điện thân thiện với môi trường với mức chi phí hợp lý.
Kế hoạch do Bộ Năng lượng liên bang Ấn Độ soạn thảo đã được gửi tới các quan chức đứng đầu bộ, ngành năng lượng và chính quyền liên bang. Mục đích của kế hoạch này nhằm tối đa hóa sản lượng điện "Xanh" và tiết kiệm chi phí sản xuất, song không liên quan đến việc đóng cửa các nhà máy điện than cũ kỹ và đang phải vận hành với chi phí đắt đỏ. Thống kê cho thấy Ấn Độ hiện có 173 cơ sở sản xuất điện than.
Rõ ràng, việc cắt giảm sử dụng các loại năng lượng hóa thạch là điều khó thực hiện trong ngắn hạn đối với bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, công nghệ có thể là cầu nối chuyển đổi để các quốc gia vẫn sử dụng các loại nhiên liệu để phát triển được kinh tế và vẫn không bỏ lỡ mục tiêu bảo vệ môi trường.
Bloomberg dự báo, không bao lâu nữa các loại năng lượng gây ô nhiễm môi trường sẽ thất thế trước các loại năng lượng tái tạo.