Thế giới trước khủng hoảng sinh sản, đe dọa sự sống còn của nhân loại

Chia sẻ Facebook
17/11/2022 16:24:59

Nghiên cứu mới cho thấy, trên toàn thế giới, số lượng tinh trùng đã giảm một nửa trong 5 thập kỷ qua và tốc độ suy giảm đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu thế kỷ này.


Nhóm các nhà khoa học quốc tế thực hiện nghiên cứu cho biết, dữ liệu này là rất đáng báo động và chỉ ra một cuộc khủng hoảng sinh sản đang đe dọa sự tồn tại của nhân loại.


Phân tích tổng hợp nói trên đã xem xét 223 nghiên cứu dựa trên mẫu tinh trùng của hơn 57.000 nam giới ở hơn 53 quốc gia.

Lần đầu tiên phân tích cho thấy, đàn ông ở châu Mỹ Latin, châu Á và Châu Phi có tình trạng tương tự về suy giảm tổng số lượng và nồng độ tinh trùng như đã quan sát trước đây ở châu Âu, Bắc Mỹ và Australia.


Các tác giả cảnh báo rằng số lượng tinh trùng trung bình hiện đã giảm xuống gần ngưỡng nguy hiểm, khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn, đồng nghĩa với việc các cặp vợ chồng trên khắp thế giới có thể gặp khó khăn trong việc sinh con nếu không có sự trợ giúp y tế.

Giáo sư Hagai Levine, tác giả chính của nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Hadassah Braun thuộc Đại học Do Thái Jerusalem, cho biết, những phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Cập nhật Sinh sản Con người.

"Chúng ta đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng, nếu không được giảm thiểu, thực trạng này có thể đe dọa sự sống còn của nhân loại", ông nói trong một tuyên bố.

(Ảnh: Getty)

Nhóm nghiên cứu gồm Giáo sư Shanna Swan tại Trường Y khoa Icahn ở New York, cùng với các nhà khoa học Đan Mạch, Brazil, Tây Ban Nha, Israel và Mỹ, giáo sư Levine đã nghiên cứu xu hướng số lượng tinh trùng ở những khu vực chưa được xem xét trước đây.

Theo báo cáo vào năm 2017 của nhóm, sự sụt giảm về số lượng tinh trùng ở khu vực phương Tây là đáng báo động. Trong nghiên cứu mới nhất ở trên, họ phát hiện ra rằng số lượng tinh trùng trung bình trên toàn thế giới đã giảm hơn 50% trong 5 thập kỷ qua.

Dữ liệu từ năm 1973 đến 2018 cho thấy, số lượng tinh trùng giảm trung bình 1,2% mỗi năm. Trong khi đó, theo dữ liệu từ sau năm 2000, mức giảm là hơn 2,6% mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu nói rằng mặc dù số lượng tinh trùng là "một đại diện không hoàn hảo cho khả năng sinh sản" nhưng chúng có mối liên hệ chặt chẽ với cơ hội thụ thai.

Theo đó, ở ngưỡng từ 40 - 50 triệu tinh trùng/ml tinh dịch, số lượng tinh trùng cao hơn không nhất thiết có nghĩa là xác suất thụ thai cao hơn. Mặt khác, nếu dưới ngưỡng trên, xác suất thụ thai giảm nhanh chóng do số lượng tinh trùng giảm.

"Ở cấp độ dân số, việc giảm số lượng tinh trùng trung bình từ 104 xuống 49 triệu/ml mà chúng tôi báo cáo ở đây đồng nghĩa với sự gia tăng đáng kể tỷ lệ nam giới chậm thụ thai", các tác giả của nghiên cứu viết.

Những phát hiện trên được công bố khi dân số toàn cầu vượt mốc 8 tỷ người, gây thêm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế của Trái đất.

Giải pháp đảm bảo lương thực khi dân số thế giới đạt 8 tỷ người Liên Hợp Quốc tuyên bố, dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ người vào ngày hôm nay, 15/11.

Chia sẻ Facebook