Thế giới ghi nhận trên 605 triệu người nhiễm, virus gây bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh

Chia sẻ Facebook
30/08/2022 10:41:00

Đến sáng 29/8, thế giới có trên triệu 605,77 người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,48 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.


Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 96 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,069 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.


Chỉ khoảng 50% số người trưởng thành đủ điều kiện tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 (mũi thứ 3) tại Mỹ đã tiêm mũi này và chỉ 34% số người lớn từ 50 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lại thứ hai (mũi thứ tư). Số liệu công bố ngày 26/8 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, đến thời điểm này, khoảng 77% số người trưởng thành từ 18 tuổi đã tiêm các mũi cơ bản. Tuy nhiên, 49,9% tổng dân số đủ điều kiện tiêm nhắc lại vẫn chưa được tiêm liều tăng cường. Về tổng thể, hiện có khoảng 262,6 triệu người (hay 79,1% dân số Mỹ) đã tiêm ít nhất liều vaccine COVID-19. Khoảng 223,9 triệu người (tương đương 67,4% dân số) đã hoàn thành các mũi tiêm cơ bản (2 mũi).

CDC Mỹ khuyến cáo, hiệu quả của vaccine có thể giảm theo thời gian, nhưng các mũi tăng cường làm gia tăng khả năng bảo vệ cơ thể và ngăn bệnh diễn tiến nặng.


Theo báo cáo cùng ngày của Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi, trong tuần kết thúc vào ngày 18/8 vừa qua, nước này đã ghi nhận khoảng 80.000 trường hợp trẻ em mắc COVID-19. Kể từ đầu đại dịch đến nay, Mỹ đã có khoảng 14,4 triệu trẻ em nhiễm COVID-19.


Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 28/8, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,4 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 , bao gồm hơn 527.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.


Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 153.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,46 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.


Từ đầu năm đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1 triệu người. Điều này cho thấy virus SARS-CoV-2 vẫn đang tiếp tục lây lan mạnh trên thế giới. Thông tin vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra.


Cũng theo WHO, 1 triệu ca tử vong trong 8 tháng qua cho thấy, nhiều người chưa thực hiện đúng và nghiêm túc các hướng dẫn về việc sống chung với COVID-19. Biến thể phụ BA.5 của Omicron chiếm 99% số ca nhiễm mới ghi nhận trong 30 ngày qua.

WHO kêu gọi chính phủ các nước tăng cường nỗ lực tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả đội ngũ nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có nguy cơ cao, hướng tới đạt mục tiêu tiêm bao phủ 70% dân số. Như vậy, kể từ khi bùng phát, đã có gần 6,45 triệu bệnh nhân COVID-19 tử vong trên toàn thế giới theo thống kê của WHO.

Anh đã cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 của Novavax cho nhóm từ 12-17 tuổi. (Ảnh: AP)


Cơ quan quản lý dược phẩm Anh (MHRA) đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Novavax cho nhóm từ 12-17 tuổi. Giám đốc điều hành MHRA, Tiến sĩ June Raine, cho biết, quyết định cấp phép sử dụng vaccine Nuvaxovid được MHRA đưa ra sau khi cơ quan trên đánh giá độ an toàn, chất lượng và hiệu quả của vaccine với độ tuổi từ 12-17 và dựa trên các ý kiến chuyên gia của cơ quan cố vấn độc lập của chính phủ. Ngoài ra, các loại vaccine mRNA của Moderna và Pfizer/BioNTech cũng đã được MHRA cấp phép sử dụng ở nhóm tuổi trên.

Trước đó, ngày 22/8, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng đã thông qua quyết định cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng sản xuất dược phẩm Novavax cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi. Vaccine này đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp hồi tháng 7 năm nay để tiêm phòng cho nhóm người trưởng thành tại Mỹ.

Trước Anh và Mỹ, vaccine của Novavax cũng đã được cấp phép sử dụng cho thanh thiếu niên tại nhiều quốc gia khác như Nhật Bản và Australia.


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/8 đã phát động một dự án mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng trên toàn Somalia . Trong một tuyên bố, đại diện WHO tại Somalia, ông Mamunur Rahman Malik, cho biết, dự án sẽ giải quyết những lỗ hổng hiện tồn tại trong hoạt động điều phối, giám sát, tiêm chủng, ứng phó với dịch COVID-19 và giúp hệ thống y tế của Somalia hướng tới toàn diện và công bằng hơn sau khi phục hồi từ đại dịch.

Theo ông Malik, WHO với sự phối hợp của các đối tác, trong đó có Chính phủ Somalia sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh: "Công tác này sẽ ngăn chặn dịch bệnh xuất hiện trở lại, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch đối với các dịch vụ y tế thiết yếu, chẳng hạn như tiêm chủng định kỳ cho trẻ em, vốn đã giảm mạnh trong 2 năm qua".

WHO cho biết, tính đến ngày 28/8, Somalia ghi nhận tổng cộng 27.020 ca mắc và 1.350 người tử vong do COVID-19, trong khi hệ thống giám sát dịch bệnh của nước này hoạt động phân tán và yếu kém. Hiện chỉ có 62% cơ sở y tế ở Somalia báo cáo về tình hình dịch COVID-19 thông qua mạng lưới cảnh báo sớm và ứng phó với dịch bệnh. Theo WHO, Somalia chỉ có thể tiêm  phòng COVID-19 cho 15% dân số, nhiều người có nguy cơ lây nhiễm cao không được tiêm chủng.


Campuchia sẽ khởi công xây dựng nhà máy đóng ống và đóng gói vaccine ngừa COVID-19 trong tháng 11 tới.

Trong thông báo được hãng Thông tấn Quốc gia Campuchia (AKP) đăng tải, Bộ Y tế nước này cho biết, nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích 5 ha tại huyện Ponhea Leu, tỉnh Kandal (nằm sát thủ đô Phnom Penh) với vốn đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu USD. Sau khi hoàn thành, nhà máy dự kiến sẽ cung ứng khoảng 105 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong giai đoạn 2024 - 2026, tương đương 35 triệu liều mỗi năm.

Theo thông báo mới nhất của Bộ Y tế Campuchia, trong ngày 27/8, nước này đã ghi nhận thêm 19 trường hợp mới nhiễm COVID-19. Con số này trong ngày 28/8 là 17, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên tới 137.555 trường hợp. Số ca tử vong vẫn giữ nguyên ở con số 3.056. Campuchia hiện đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 94% dân số trong tổng 16 triệu dân.

Indonesia sẽ cấp phép sử dụng 2 loại vaccine ngừa COVID-19 do nước này phát triển. (Ảnh: AP)


Người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM), bà Penny Lukito cho biết, nhiều khả năng 2 loại vaccine ngừa COVID-19 do nước này phát triển sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) trong tháng 9 tới. Bà Lukito nêu rõ, hai loại vaccine trên đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối và đã được Tổng thống Joko Widodo đặt tên là "Indovac" và "Inavec". Với nền tảng protein tái tổ hợp, Indovac do Viện sinh học phân tử Eijkman phối hợp với công ty dược phẩm quốc gia PT Bio Farma và Đại học Y Baylor (Mỹ) phát triển trong khuôn khổ chương trình của Bộ Doanh nghiệp Nhà nước (BUMN). Trong khi đó, Inavec dựa trên nền tảng virus bất hoạt và được Đại học Airlangga (Unair) phối hợp với công ty PT Biotis Pharmaceutical Indonesia phát triển.

Theo bà Lukito, cả hai loại vaccine này đều đã vượt qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với kết quả tốt, có khả năng cải thiện hệ thống miễn dịch và kết quả không thua kém các loại vaccine cùng công nghệ đã được BPOM cấp EUA.

Bà Lukito cho biết, BPOM đang tiến hành xem xét các báo cáo nghiên cứu về hàng nghìn đối tượng được tiêm mũi thứ 2 bằng các loại vaccine này, với kỳ vọng rằng các loại vaccine này sẽ được cấp EUA trong tháng tới và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Cũng theo bà Lukito, ngoài cấp phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với Indovac và Inavec, BPOM cũng đã phê duyệt kế hoạch thử nghiệm lâm sàng tiêm tăng cường 2 loại vaccine nội địa vào cuối năm nay.


Giới chức quản lý giáo dục Lào khuyến cáo tất cả các trường học trên cả nước xem xét và triển khai các biện pháp an toàn để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 khi năm học mới của nước này sẽ bắt đầu vào ngày 1/9 tới.

Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã ban hành trên cả nước 10 biện pháp và 40 khuyến nghị để mở cửa trường học an toàn. Ban giám hiệu các trường đã được yêu cầu đảm bảo rằng các cơ sở vật chất an toàn trước sự lây nhiễm của dịch COVID-19 và có thể tổ chức các lớp học bình thường. Bộ Giáo dục và Thể thao Lào sẽ cử cán bộ giám sát các điều kiện tại từng trường.

Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã vạch ra các ưu tiên cho năm học 2022-2023 và tư vấn cho Ủy ban chuyên trách về phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 của Bộ để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển nhằm hỗ trợ việc quản lý giảng dạy và học tập, thể thao và nghiên cứu khoa học, để các hoạt động có thể tiếp tục diễn ra như bình thường. Các giáo viên cũng được tư vấn áp dụng các phương pháp giảng dạy mới để giúp học sinh thích nghi với những hoàn cảnh thay đổi, trong khi các trường học được yêu cầu cải thiện cơ sở vật chất giáo dục và tăng cường công tác vệ sinh cũng như các biện pháp an toàn không để COVID-19 bùng phát trở lại.

Bộ trên cũng sẽ tăng cường công tác quản lý các hiệu trưởng trường học để đảm bảo rằng các trường được vận hành hiệu quả và phù hợp với các tiêu chuẩn mong muốn.

Chia sẻ Facebook