Thế giới đối mặt với mối nguy hiểm hạt nhân chưa từng thấy
Có cả những lời kêu gọi lẫn cảnh báo về hiểm họa hạt nhân, nhưng xu hướng nhiều năm qua vẫn là việc các nước lớn gia tăng tích trữ.
Thế giới phải đối mặt với một mối nguy hiểm hạt nhân chưa từng thấy kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đó là cảnh báo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân đang diễn ra ở New York, Mỹ.
Liên Hợp Quốc cảnh báo mối nguy hiểm hạt nhân
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, hội nghị này là cơ hội để củng cố Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và làm cho hiệp ước này phù hợp với thế giới bất ổn xung quanh chúng ta. Ông nói: "Cạnh tranh đang lấn át sự hợp tác. Sự ngờ vực đã thay thế đối thoại, sự mất đoàn kết đã thay thế việc giải trừ quân bị. Các quốc gia đang tìm kiếm sự an toàn giả tạo trong việc tích trữ và chi tiêu hàng tỷ USD cho các loại vũ khí. Gần 13.000 vũ khí hạt nhân hiện đang được cất giữ trong các kho vũ khí trên khắp thế giới. Ngày nay, chỉ một sự hiểu lầm, một tính toán sai lầm cũng sẽ dẫn đến hủy diệt hạt nhân. Chúng ta cần hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân hơn bao giờ hết".
Liên Hợp Quốc đề xuất 5 lĩnh vực hành động gồm củng cố hiệp ước, loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, giải quyết căng thẳng tại khu vực Trung Đông và châu Á, thúc đẩy sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình và thực hiện các cam kết của hiệp ước chưa được hoàn thành.
Nhật Bản, quốc gia từng bị tàn phá nặng nề bởi vũ khí hạt nhân kêu gọi tất cả các quốc gia hành xử có trách nhiệm. Thủ tướng Nhật Bản cho rằng hiện lộ trình hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân đã trở nên khó khăn hơn. "Việc duy trì xu hướng giảm là vô cùng quan trọng để tiến gần hơn đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Để đạt được điều này, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân tham gia một cách có trách nhiệm. Nhật Bản ủng hộ cuộc đối thoại được tiến hành giữa Mỹ và Nga để giảm bớt hơn nữa vũ khí hạt nhân và khuyến khích Mỹ và Trung Quốc tham gia vào một cuộc đối thoại song phương về kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân".
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân là hiệp ước quan trọng và có vai trò trung tâm trong các cơ chế quốc tế về chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Hiệp ước có 191 quốc gia thành viên, bao gồm cả 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là thành viên thường trực HĐBA LHQ.
Thị trường vũ khí hạt nhân nóng trở lại
Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research, có trụ sở tại bang Oregon của Mỹ, trong 10 năm tới, thị trường tên lửa và bom hạt nhân toàn cầu sẽ vượt mức 126 tỷ USD, tức là tăng gần 73% so với thời điểm của năm 2020.
Báo cáo cho biết, sự gia tăng của các xung đột địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là tại Đông Âu, và việc tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng của các nước sẽ dẫn đến sự mở rộng thị trường vũ khí hạt nhân với tốc độ trung bình 5,4% hàng năm từ nay đến 2030.
Bà Beatrice Fihn - Giám đốc điều hành Chiến dịch quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân nói: "Chúng tôi cũng thấy xu hướng đáng lo ngại với tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Vương quốc Anh tuyên bố tăng 40% kho vũ khí hạt nhân, trong khi Trung Quốc cũng đã tăng kho vũ khí hạt nhân của họ".
Báo cáo cũng dự báo, nhu cầu đầu đạn hạt nhân loại nhỏ, có thể triển khai thông qua máy bay, tên lửa đất đối không cũng sẽ tăng nhanh. Ngoài ra, thị trường vũ khí hạt nhân dự báo sẽ tăng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi khu vực Bắc Mỹ từng chiếm hơn một nửa thị trường toàn cầu trong năm 2020.
Ông Antonio Guterres - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc: "Các quốc gia tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của họ. Mối đe dọa hạt nhân đạt đến mức chưa từng thấy trong gần 40 năm qua".
Các loại vũ khí sẵn sàng khai hỏa chiếm tới hơn 2/3 thị phần trên thị trường vũ khí hạt nhân toàn cầu trong năm 2020, do các nước tăng cường đầu tư cho kho vũ khí hạt nhân và gia tăng mua sắm các đầu đạn mới.
Hiện nay, theo thống kê, 32 nước có chương trình phát triển năng lượng hạt nhân, 9 nước có vũ khí hạt nhân và 7 nước có cả hai loại hình này. Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cảnh báo, cuộc xung đột Ukraine "nghiêm trọng đến mức bóng ma về một cuộc đối đầu hạt nhân tiềm tàng, hoặc tai nạn hạt nhân, lại nổi lên thêm một lần".
Ngày 25/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẽ chuyển cho Belarus các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong những tháng tới.