Thế giới đối mặt với khủng hoảng ba chiều

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 18:05:25

Giá cả hàng hóa tăng cao, thương mại quốc tế đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm là các vấn đề lớn mà thế giới đang đối mặt.


Một cơn bão giá đang quét qua toàn thế giới do ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và cuộc chiến kinh tế giữa các nước phương Tây với Nga sau chiến dịch quân sự tại Ukraine. Triển vọng kinh tế toàn cầu đã hoàn toàn thay đổi trước các diễn biến mới. Lạm phát tăng cao khiến "chúng ta sẽ nghèo hơn" và các nền kinh tế, các doanh nghiệp nên chuẩn bị kế hoạch ứng phó trước diễn biến này.


Lạm phát khiến người giàu cũng khóc

Tại nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong tháng 3, đây là mức tăng cao nhất trong hơn 40 năm qua. Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã gọi lạm phát cao là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế lúc này. FED đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, FED cũng để ngỏ rằng đây không phải là lần tăng duy nhất trong năm nay. Và việc FED tăng lãi suất sẽ có những tác động rõ nét đến các nền kinh tế đang phát triển.

Do chi phí vốn vay tăng lên và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng; dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng.

Lạm phát tăng cao khiến "chúng ta sẽ nghèo hơn"

Vấn đề lạm phát ở Mỹ khá phức tạp, nó sinh ra bởi nhiều lý do như khan hàng hóa trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên sau dịch. Giá dầu tăng cao khiến giá xăng tiêu dùng cũng tăng theo, rồi từ giá xăng lại một lần nữa tác động lên giá hàng hóa. Về cơ bản, doanh nghiệp chịu sức ép khan hàng, chi phí vận chuyển tăng và họ chuyển những chi phí đó sang túi tiền của người tiêu dùng. Và nếu như chỉ một vài mặt hàng tăng giá thì không sao, nhưng nếu tất cả cùng tăng cao cùng lúc thì đó thực sự là vấn đề.

FED đã áp dụng biện pháp tăng lãi suất. Lãi suất của FED tăng sẽ là một thách thức nghiêm trọng vì sẽ làm giảm dòng vốn đầu tư mới vào các nước đang phát triển. Về lý thuyết thì FED tăng lãi suất nghĩa là việc đi vay USD để đầu tư trở nên đắt đỏ hơn, vì thế gián tiếp ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư của các tập đoàn vào các thị trường bấy lâu họ đang hoặc sẽ đầu tư như thị trường mới nổi. Hoặc ở một hướng khác, sẽ có các nhà đầu tư thấy USD tăng giá sẽ rút tiền ra khỏi các khoản đầu tư vào thị trường mới nổi, đổ vào những sinh lời tốt hơn như kho bạc Mỹ. Một minh chứng cho thấy chính là Ấn Độ, dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi nền kinh tế này 3 tháng cuối năm 2021 nhanh tới nỗi khiến đồng rupee giảm 15%, buộc ngân hàng Trung ương Ấn Độ phải tăng lãi suất.

Nhưng các chuyên gia cũng lạc quan cho rằng, việc FED có thể tăng lãi suất liên tục lần này khác với hồi năm 2013. Lần này các nền kinh tế mới nổi đã có sự chuẩn bị, nên có dự trữ ngoại hối và cân đối tài chính tốt hơn. Cùng lúc, triển vọng tăng trưởng của toàn nền kinh tế cũng mạnh, chứ không khập khiễng như những năm sau khủng hoảng kinh tế.

Các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam đang theo dõi một cách đầy cảnh giác các diễn biến từ việc thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ để có biện pháp ứng phó kịp thời. Bởi lãi suất tăng tại Mỹ sẽ làm giảm dòng vốn đầu tư mới vào các nước đang phát triển. Khi dòng vốn chảy đi, sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng mất cân đối tài chính và các nước đang phát triển cần đề phòng các cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng hơn.


Sri Lanka chìm trong khủng hoảng kinh tế

Một ví dụ của tình trạng nợ quốc gia rơi vào cảnh nguy cấp có thể thấy trong tuần này, đó là quốc gia Nam Á Sri Lanka. Hôm đầu tuần, Sri Lanka phải trả nợ từ lãi suất trái phiếu quốc tế 78 triệu USD, một phần trong khoản vay nợ quốc gia lên tới 51 tỷ USD. Sang ngày 12/4, Sri Lanka tuyên bố tạm thời xin vỡ nợ. Bộ Tài chính nước này đổ lỗi một phần khó khăn kinh tế tài chính cho dịch COVID và chiến tranh ở Ukraine. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã tuyên bố không thể trả các khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD, như vậy quốc gia này đã phải kích hoạt tình trạng vỡ nợ.

Ông Ali Sabry - Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka nói: "Chúng ta không thể đưa ra một bức tranh màu hồng, chúng ta cần phải thực tế. Theo quan điểm của tôi, đây là thời điểm thách thức nhất đối với nền kinh tế kể từ khi độc lập".

Người dân Sri Lanka xếp hàng chờ mua các nhu yếu phẩm cần thiết

Theo Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, các nguồn quỹ của Sri Lanka bây giờ không đủ để trả nợ và sẽ chỉ ưu tiên để nhập các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, xăng và khí đốt. Những hàng dài người dân Sri Lanka xếp hàng chờ mua các nhu yếu phẩm cần thiết, khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948 đang lan rộng tới mọi mặt đời sống người dân, từ năng lượng, thực phẩm cho đến y tế. Lạm phát và đồng tiền suy yếu đã khiến giá cả các mặt hàng tăng vọt, lạm phát tại Sri Lanka tăng lên mức cao nhất lịch sử 17,5% vào tháng 3. Giá gạo đã tăng hơn 6 lần, từ 80 rupee lên 500 rupee/kg, giá rau cũng tăng gấp đôi.

Ông Sujith Kumarasinghe - Chủ cửa hàng nói: "Khi giá cả tăng lên, doanh số bán hàng đi xuống vì người dân không đủ tiền mua. Doanh số bán hàng giảm 50%, giá lương thực, chất đốt tăng cao nhưng lương của người dân không tăng".

Cơn bão tăng giá cả hàng hóa như một cú đấm bồi khiến nền kinh tế Sri Lanka ngã quỵ, làm trầm trọng thêm những vấn đề tài chính đã tồn tại nhiều năm ở nước này. Đó là tình trạng thâm hụt kép khi vay nợ để chi tiêu vượt quá thu nhập trong khi sản xuất và dịch vụ không bán được - theo Ngân hàng Phát triển châu Á. Và trong bối cảnh hiện tại, chính phủ đang phải vật lộn điều chỉnh chính sách, thực hiện các biện pháp khẩn cấp, tìm sự hỗ trợ từ các quốc gia, tổ chức quốc tế. Theo giới chức Sri Lanka, một chương trình tái cơ cấu nợ toàn diện là "không thể tránh khỏi".


Thế giới đối mặt với khủng hoảng lương thực

Ukraine và Nga chiếm tới 30% tổng lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu, nguồn cung bị gián đoạn do xung đột khiến giá lương thực đang tăng vọt. An ninh lương thực đang mất cân đối nghiêm trọng ở nhiều nước, nếu không sớm có biện pháp thì an ninh lương thực rất dễ trở thành một vấn đề chính trị gây hậu quả khôn lường.

Mỗi ngày chị Cindy Cueto thức giấc với câu hỏi hôm nay sẽ ăn gì. Chị sống trong khu ổ chuột tại Thủ đô Lima của Peru, giá lương thực tăng phi mã khiến chị cùng với những người hàng xóm phải cùng nấu ăn chung nhằm giảm bớt chi phí. Hàng ngày chị đi tìm những thực phẩm rẻ nhất trong chợ để mua, đây được coi là chiến lược để sinh tồn trong tình hình hiện nay.

"Chúng tôi không đủ tiền mua thịt bò, nên chúng tôi mua xương về nấu súp. Giá các mặt hàng đều tăng, nên chúng tôi chỉ nấu soup với xương và rau".

Lạm phát hoành hành trên toàn thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến 33 triệu dân Peru, đặc biệt là 10 triệu người nghèo sống ở mức 3 USD một ngày. Còn tại thủ đô Beirut của Lebanon, hàng dài người xếp hàng mua bánh mỳ.

Người dân xếp hàng mua bánh mỳ tại thủ đô Beirut của Lebanon

Lebanon phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu lương thực, với 70% lượng lúa mỳ nhập khẩu từ Ukraine. Cuộc chiến tại Ukraine đã khiến tình trạng thiếu lương thực trở nên trầm trọng hơn. Giá lương thực ở Lebanon đã tăng gấp 11 lần trong khi đồng nội tệ của nước này mất 90% giá trị.

Không chỉ những nước nghèo, mà cả những nước có nền kinh tế phát triển cũng đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng hóa và thực phẩm. Dầu hướng dương, một loại thực phẩm phổ biến ở Đức đang ngày càng khan hiếm. Các kệ dầu hướng dương trong siêu thị của Đức đều trống trơn.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã tác động mạnh đến chuỗi cung ứng ở Đức, khiến hàng trăm mặt hàng tại các siêu thị tăng giá, thậm chí một số mặt hàng thực phẩm và đồ uống còn thiếu hụt.

Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực thế giới đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới trong tháng 3 vừa qua, tăng gần 13% so với tháng trước. Cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Nếu chiến sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào Nga không chấm dứt, giá lương thực, thực phẩm sẽ còn tăng hơn nữa.

Chia sẻ Facebook