Thế giới đối mặt mùa hè 'đổ lửa': Trời nóng nực, mất điện thường xuyên
Lưới điện toàn cầu sắp phải đối mặt với thử thách lớn do chiến tranh, hạn hán... Người dân nhiều nước có nguy cơ bị đẩy vào một mùa hè tồi tệ, nóng như chảo lửa.
Theo ghi nhận của hãng tin Bloomberg , phần lớn Bắc bán cầu sẽ dùng điện ở mức rất cao vào mùa hè này do thời tiết nơi đây vô cùng oi bức vì biến đổi khí hậu. Hậu quả là lưới điện quá tải và nhiều nơi bị mất điện.
'Tâm điểm' mất điện là Nam Á và Đông Nam Á, nơi những đợt nắng nóng khiến người dân phải bật máy lạnh suốt ngày đêm. Tại Nam Á, nhiệt độ nhiều nơi cao đến mức đủ để nấu chín cá hồi.
Tại Pakistan, Myanmar, Sri Lanka và Ấn Độ, mất điện xảy ra gần như hằng ngày, khiến hơn 1 tỉ người bị đe dọa.
Tại Mỹ, mới bước vào đầu tháng 5, cả 6 nhà máy điện ở Texas đã hỏng hóc gây thiếu điện, báo trước về những gì sắp xảy ra. Ít nhất một chục bang của Mỹ có nguy cơ bị mất điện trong mùa hè này.
Khi các nhà máy điện Texas bị hỏng, giá điện bán buôn ở thành phố Houston đã nhanh chóng vọt lên 5.000 USD/MWh, tăng gấp 22 lần so với chi phí điện trung bình vào giờ cao điểm.
Bà Teri Viswanath, chuyên gia kinh tế hàng đầu về điện, năng lượng và nước tại CoBank (ACB), cho biết: "Mỹ đang trải qua thời kỳ điện phải ngừng hoạt động nhiều hơn các quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Khoảng 70% lưới điện của chúng tôi sắp hết tuổi thọ".
Nguồn cung cấp điện cũng sẽ bị thắt chặt ở Trung Quốc và Nhật Bản. Nam Phi cũng đã sẵn sàng cho một năm cắt điện kỷ lục.
Trong khi đó châu Âu cũng "thấp thỏm" vì Nga: nếu Matxcơva cắt khí đốt tự nhiên trong khu vực, các nhà máy ở một số quốc gia có thể phải ngừng hoạt động.
Nếu không có điện, phúc lợi của con người sẽ bị đe dọa. Nghèo đói, tuổi tác và cuộc sống ở gần đường xích đạo sẽ khiến người dân có nhiều khả năng mắc bệnh và tử vong do nhiệt độ tăng không ngừng.
Đồng thời nếu không có điện, các doanh nghiệp phải đóng cửa. Điều đó cũng sẽ gây ra cú sốc lớn về kinh tế.
Lần thứ hai trong nhiều ngày qua, Mặt trời đã bắn một xung lửa mạnh cấp X xuống Trái đất vào hai đêm 19 và 20-4. Sự kiện này đã gây mất điện vô tuyến ở Úc, Tây Thái Bình Dương và Đông Á.