Thế giới đối mặt cú sốc giá hàng hóa

Chia sẻ Facebook
28/04/2022 09:59:50

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt hôm 27-4 sau khi hãng Gazprom (Nga) dừng cung cấp khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria với lý do 2 nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp theo các quy tắc được Moscow công bố vào tháng rồi.

Yêu cầu thanh toán này được xem là hành động đáp trả của Moscow nhằm vào các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.


Theo Reuters , Ba Lan và Bulgaria xác nhận nguồn cung khí đốt từ Nga đã bị cắt. Ba Lan nhận khí đốt Nga thông qua tuyến đường ống Yamal - châu Âu. Trong khi đó, Bulgaria được cung cấp khí đốt thông qua tuyến đường ống ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự chú ý giờ đây chuyển sang các nước châu Âu khác, đặc biệt là Đức và Ý. Hai nước này hiện nhập khẩu nhiều khí đốt của Nga.

Diễn biến trên càng nêu bật nỗi lo của Ngân hàng Thế giới (WB) về tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo báo cáo mới của WB hôm 26-4, các cú sốc về giá thực phẩm và nhiên liệu liên quan đến cuộc khủng hoảng trên có nguy cơ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2024 và làm tăng nguy cơ đình lạm (hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao).

Một trạm phân phối khí đốt ở Gustorzyn, miền Trung Ba Lan Ảnh: Reuters

WB nhận định thế giới đang đối mặt với cú sốc giá hàng hóa lớn nhất kể từ những năm 1970. Trong bối cảnh gián đoạn thương mại và sản xuất do ảnh hưởng từ cuộc xung đột, WB dự báo giá năng lượng sẽ tăng 50% trong năm nay. Giá dầu thô Brent sẽ đạt mức trung bình 100 USD/thùng trong năm 2022, mức cao nhất kể từ năm 2013 và tăng hơn 40% so với năm 2021.

Trong khi đó, giá khí đốt tại châu Âu năm 2022 dự kiến sẽ cao gấp đôi so với năm 2021, còn giá than sẽ tăng hơn 80%. Song song đó, WB dự báo giá lúa mì sẽ tăng hơn 40% trong năm nay, gây sức ép lên các nền kinh tế đang phát triển dựa vào nguồn lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine.

Cũng theo WB, trong trường hợp xung đột Nga - Ukraine kéo dài hoặc phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung lên Nga, giá hàng hóa thậm chí còn tăng cao hơn và có nhiều biến động hơn so với dự báo hiện tại.

Trước mắt, ông Indermit Gill, Phó Chủ tịch WB về tài chính và tăng trưởng công bằng, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước và tránh những hành động gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.


Đàm phán Nga - Ukraine "vẫn còn hy vọng"

Tiếp Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại Điện Kremlin hôm 26-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông vẫn còn hy vọng về đàm phán hòa bình Nga - Ukraine. "Mặc dù chiến dịch quân sự vẫn đang diễn ra, chúng tôi hy vọng hai phía có thể đạt được thỏa thuận trên lộ trình ngoại giao" - Tổng thống Putin tuyên bố.

Cũng theo nhà lãnh đạo Nga, phái đoàn hai nước đã có đột phá đáng kể tại cuộc đàm phán ở TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng rồi nhưng Ukraine sau đó đã quay lưng với một số thỏa thuận tạm thời đạt được.

Ông chủ Điện Kremlin khẳng định việc Ukraine thay đổi lập trường khiến đàm phán gặp khó khăn nhưng Moscow đến giờ "vẫn đang đàm phán, chưa từ bỏ đối thoại". Tổng thống Putin và Tổng Thư ký Guterres còn thảo luận tình hình nhà máy thép Azovstal đang bị lực lượng Nga bao vây ở TP Mariupol - Ukraine.

Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric thông báo ông chủ Điện Kremlin "về nguyên tắc" đã đồng ý về việc Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) tham gia nỗ lực sơ tán dân thường khỏi nhà máy thép nói trên, theo Reuters.

Sau chuyến thăm Moscow, Tổng Thư ký Guterres dự kiến gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev ngày 28-4.


Cao Lực


Theo Xuân Mai

Chia sẻ Facebook