Thế giới đang thiếu hụt kinh phí cho thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo báo cáo mới của Liên Hợp Quốc, thế giới đang thiếu kinh phí để hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn thích ứng với những tác động ngày càng nguy hiểm của biến đổi khí hậu.
Khi cuộc khủng hoảng khí hậu gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu là chìa khóa quan trọng, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết trong một báo cáo được công bố hôm 3/11 với tiêu đề "Quá ít, Quá chậm: Thất bại trong thích ứng với biến đổi khí hậu đặt thế giới vào nguy cơ".
Báo cáo cảnh báo rằng việc lập kế hoạch, tài trợ và thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng trên toàn cầu hiện không theo kịp với những rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng.
Trong năm qua, thế giới đã chứng kiến những trận lũ lụt thảm khốc ở Pakistan, nóng gay gắt vào mùa hè ở khu vực Bắc bán cầu và đợt hạn hán kéo dài trong nhiều năm ở vùng Sừng châu Phi, tất cả đều xảy ra khi nhiệt độ tăng 1,1°C (1,9 độ F) so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Nếu các quốc gia thực hiện không tốt cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong Thỏa thuận Paris, tình trạng nóng lên toàn cầu từ 2,4°C đến 2,6°C (4,3 độ F đến 4,7 độ F) được dự báo sẽ diễn ra vào cuối thế kỷ này. Mức tăng nhiệt với các chính sách hiện tại có thể lên tới 2,8°C (5 độ F).
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, biến đổi khí hậu là "đòn giáng liên tiếp xuống nhân loại" và cộng đồng quốc tế phải cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để tránh các tác động ngày càng xấu đi, cũng như tìm kiếm chi phí và ý chí chính trị để cắt giảm lượng khí thải, ngăn chặn nóng lên toàn cầu. Theo đó, hàng trăm tỷ USD là cần thiết để bảo vệ các quốc gia khỏi những thay đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự đoán của các nhà khoa học.
Báo cáo cho biết: "Dòng tài chính thích ứng (với biến đổi khí hậu) đến các nước đang phát triển thấp hơn 5 - 10 lần so với nhu cầu ước tính và khoảng cách tiếp tục được nới rộng".
Nguồn tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ tác động vào năm 2020 đã giảm ít nhất 17 tỷ USD so với 100 tỷ USD đã cam kết cho các nước đang phát triển.
Cần phải làm nhiều việc hơn nữa để dòng tài chính năm 2019 sẽ được tăng gấp đôi vào năm 2025. Mục tiêu đó đã được đề ra trong Hiệp ước Khí hậu Glasgow, được thông qua tại các cuộc đàm phán toàn cầu về khí hậu vào năm 2021.