Thế giới có xảy ra suy thoái hay khủng hoảng cũng chỉ khiến Việt Nam yếu đi phần nào
Chuyên gia đánh giá, thị trường chứng khoán 2023 sẽ tích cực hơn 2022 nhờ 4 yếu tố trợ lực, trong đó thúc đẩy giải ngân đầu tư công là yếu tố quan trọng hàng đầu…
Thị trường chứng khoán kết thúc tháng 9 với VN-Index giảm 11,59% so với tháng 8 và giảm 24,44% so với cuối năm 2021. Thanh khoản trên sàn HOSE giảm trên dưới 15% về khối lượng và giá trị giao dịch…
Nhà đầu tư chỉ vừa hứng khởi ở phiên cuối tháng 9 với điểm số và thanh khoản tăng đáng kể chưa được bao lâu thì ngay phiên chào tháng 10 hôm qua, thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index lao đốc xuyên thủng ngưỡng 1.100 điểm.
Trong phần chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch AzFin cho rằng tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 90% khiến cho thị trường dễ biến động mạnh trước các thông tin xấu, đồng thời đánh giá nhà đầu tư đã phản ứng thái quá…
Ông có bình luận gì về chuỗi giảm điểm, đưa VN-Index về vùng thấp nhất trong 2022 vừa qua?
Thị trường chứng khoán thời gian qua bị tác động nặng nề từ tâm lý quốc tế lẫn trong nước.
Quốc tế là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, đưa thông điệp quyết liệt có thể tăng thêm 1,25% lên mức 4,25-4,5%. Điều đó khiến cho USD tăng giá mạnh so với đồng tiền các nước khác. Thứ hai lợi suất trái phiếu cũng như tiền gửi USD cao, áp lực lên tỷ giá đồng tiền trên khắp thế giới.
Khi tăng lãi suất, trước đây nếu người dân mua nhà, khoản vay 1 triệu USD lãi 30.000 USD, giờ lãi tăng gấp đôi, 1 triệu USD chịu mức lãi 60.000 USD. Người dân lo ngại điều này tác động khiến nhiều người khó khăn, thậm chí phá sản. Ngoài ra, với việc tăng lãi suất cao khiến cho chi tiêu người dân hạn chế nhiều, lo ngại có thể sang năm 2023 kinh tế Mỹ chính thức rơi vào suy thoái, theo đó tác động trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Về trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức tăng lãi suất điều hành, giới hạn lãi suất huy động, với một số kỳ hạn tăng thêm 1%. Điều này khiến cho lo ngại kênh tiền gửi trở nên hấp dẫn hơn so với đầu tư chứng khoán. Từ đó nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu nhiều.
Đó là các nguyên nhân thế giới lẫn trong nước. Việc bán cổ phiếu phản ánh tâm lý bi quan, lo ngại khủng hoảng kinh tế thế giới của các nhà đầu tư…
Theo ông phản ứng bi quan có thái quá không khi kinh tế trong nước vẫn tăng trưởng tích cực, mức tăng GDP quý 3 vừa qua vượt mọi dự báo, lạm phát kiểm soát tốt, hoạt động kinh doanh doanh nghiệp vẫn khả quan…?
Thực sự việc phản ứng của giới đầu tư cũng có thái quá, họ lo sợ thái quá. Bởi lẽ Việt Nam có nền kinh tế ổn định, mạnh mẽ. Thế giới có xảy ra suy thoái hay khủng hoảng cũng sẽ khiến Việt Nam yếu đi một phần nào, tức bớt khỏe đi phần nào chứ kinh tế chúng ta vẫn tốt.
Nguyên nhân phản ứng thái quá là do có tới 90-95% các giao dịch trên thị trường chứng khoán là nhà đầu tư cá nhân. Họ là những người rất nhạy cảm với tin tức, bên cạnh đó họ lại thường đầu tư ngắn hạn nên phản ứng mạnh mẽ, thái quá như vậy.
Chốt tuần qua, VN-Index có cú đảo chiều cùng với thanh khoản tăng vọt, ông có phân tích gì về điều này?
Việc VN-Index đảo chiều vào phiên cuối tuần là điều khá bất ngờ, có thể có một số nguyên nhân. Thứ nhất, giá cổ phiếu đã về mức rất rẻ, nhiều cổ phiếu về vùng tương đương thời điểm suy thoái tháng 3/2020, tâm lý bắt đáy của nhà đầu tư lên cao. Khi về mức giá rất rẻ, dòng tiền hay quyết định nào đó thúc vào bắt đáy cổ phiếu sẽ kéo theo lượng tiền rất lớn vào. Minh chứng là thanh khoản thị trường phiên thứ 6 cao đột biến so với những phiên trước.
Thứ 2, phiên thứ 6 là phiên cuối tháng, cuối quý 3, theo đó có thể có một số động thái của các quỹ chốt NAV, có động lực mua vào để đẩy giá cổ phiếu lên, chốt giá trị NAV cao, đẹp.
Theo ông xu hướng này liệu có duy trì khi mà thị trường sắp tới là mùa công bố kết quả kinh doanh?
Trước tiên, tâm lý nhà đầu tư hiện nay vẫn dao động, khó đoán. Bên cạnh đó dòng tiền, cung tiền rất khan hiếm trên thị trường, khi tín dụng tăng có hạn, trái phiếu vẫn khó phát hành, đầu tư công vẫn chưa quá mạnh. Đặc biệt 9 tháng NHNN đã bán 23-25 tỷ USD, từ đó hút tiền về khoảng 540.000 tỷ đồng khiến cho thanh khoản tiền tệ trên thị trường khan hiếm.
Ngoài ra, việc tăng lãi suất của Fed vẫn còn sẽ tiếp tục. Bên cạnh đó ở Việt Nam dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng. Do đó, tín hiệu bật lại vừa rồi mang tính chất ngắn hạn nhiều hơn. Diễn biến thị trường chứng khoán tương đối khó, khó bứt phá mạnh.
Sắp tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có sự phân hóa rất mạnh. Khi dòng tiền không mạnh mẽ thì không đổ vào toàn bộ thị trường mà sẽ tập trung vào cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt so với năm trước là chính, đặc biệt là cổ phiếu có tính chất cơ bản tốt. Dòng tiền vẫn tránh xa dòng đầu cơ bởi vì trong thị trường trường này dòng đầu cơ rất là nguy hiểm.
Tôi cho rằng một số ngành đạt kết quả kinh doanh tốt trong quý vừa qua như thủy điện, công nghệ, bán lẻ.
Với hai nhóm trụ của thị trường là ngân hàng và bất động sản thì sao?
Dự kiến ngành bất động sản có thể suy giảm so với năm ngoái do trong quý 3 không có quá nhiều dự án bàn giao. Không hy vọng nhiều dòng bất động sản trong quý 3.
Còn với ngân hàng, tuy có tăng lãi suất đầu vào, trung bình 0,6% nhưng lãi suất đầu ra của ngân hàng lại tăng cao hơn mức đó cho nên thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng vẫn tăng trong quý 3. Tuy nhiên mảng liên quan dịch vụ của ngân hàng có sự tăng trưởng chậm hơn do ngân hàng không còn nhiều dư địa cho vay tín dụng, theo đó không bán được bảo hiểm hay các sản phẩm phụ. Tóm lại kết quả kinh doanh của ngân hàng quý 3 vẫn tăng trưởng tốt.
Với ngành ngân hàng, điểm mạnh là NIM không giảm mà có thể tăng, lợi nhuận vẫn tăng. Nhưng điểm yếu của ngành này là trong quý 3 nợ xấu có thể tăng chút.
Đánh giá của ông về giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài?
Về NĐTNN vừa rồi có bán ròng, phiên cuối tuần chuyển sang mua ròng, khả năng cao là do chốt NAV để báo cáo hết quý 3 như đề cập ở trên.
Nói chung ở nước ngoài hiện cũng vô cùng khó khăn bởi chính sách thắt chặt toàn cầu diễn ra, thị trường tài chính có xu hướng diễn biến xấu khiến cho dòng tiền không còn dồi dào. Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán là khó, gần như chưa thể xảy ra trong ngắn hạn.
Đến nay các dự đoán hồi đầu năm cho VN-Index trong 2022 đều “phá sản”, ông có nhận định cho chỉ số quý cuối năm nay cũng như 2023?
Trong ngắn hạn rất khó nhận định. Tôi cho rằng cuối năm thị trường dao động trong vùng 1.200-1.300 điểm.
Tôi đánh giá 2023 thị trường tích cực hơn 2022 đến từ các yếu tố sau: thứ nhất 2023 Quốc hội sẽ nâng mục tiêu lạm phát, thay vì 2022 là 4% thì 2023 có thể nâng lên cao hơn. Từ đó khiến cho dư địa cung tiền của Chính phủ sẽ thoải mái hơn. Cung tiền ở đây tín dụng tăng trưởng mạnh hơn.
Thứ hai lãi suất đồng Việt Nam đã tăng, tỷ giá đã mất khoảng 4%, kỳ vọng 2023 áp lực lên tỷ giá thấp, NHNN hạn chế việc bán ra USD, từ đó giảm động thái hút tiền về.
Thứ ba Việt Nam vẫn thặng dư ngân sách lớn. Với việc thúc đẩy vào cuối 2022, kỳ vọng năm sau đầu tư công tăng trưởng mạnh hơn, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế, đầu tư công là hy vọng lớn nhất trong 2023.
Thứ tư, thị trường chứng khoán kỳ vọng vẫn có sự tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp khoảng 10%. Khi đó định giá thị trường về mức rẻ tương đương giai đoạn 2011-2012, tức về P/E forward khoảng 10 lần, thị trường theo đó có sự khởi sắc hơn trong 2023.
Về trái phiếu doanh nghiệp, vừa rồi Chính phủ ban hành nghị định 65, được kỳ vọng sẽ cải thiện việc phát hành. Ông đánh giá gì về điều này?
Về cơ bản, bây giờ cũng có tín hiệu doanh nghiệp rục rịch phát hành trở lại nhưng chưa thể bùng nổ bởi quy định phát hành nghiêm ngặt, khắt khe hơn. Thứ hai liên quan thủ tục giấy tờ hồ sơ phát hành, thời gian cơ quan quản lý phê duyệt lâu. Việc phát hành trái phiếu sẽ từ từ chứ không mạnh mẽ như trước được.
Xin cảm ơn ông!