Thế giới có 8 tỷ người, vậy người thứ 7 tỷ, 6 tỷ và 5 tỷ đang ở đâu, họ có hạnh phúc khi gắn với con số đặc biệt?
Liên Hợp Quốc cho biết dân số thế giới đã đạt 8 tỷ người, chỉ 11 năm sau khi vượt qua mốc 7 tỷ người và đằng sau đó là những câu chuyện chẳng lấy gì làm vui vẻ.
Sau một đợt tăng mạnh vào giữa thế kỷ 20, tốc độ tăng dân số đã chậm lại. Có thể sẽ mất 15 năm để thế giới đạt đến 9 tỷ người và Liên Hợp Quốc (LHQ) không mong đợi sẽ đạt được con số 10 tỷ trước năm 2080.
Thật khó để dự đoán chính xác số người trên thế giới nhưng ngày 15/11 là một dấu mốc quan trọng khi dân số thế giới đã đạt con số 8 tỷ.
Trong những năm trước, LHQ đã xác định được những em bé thứ 5 tỷ, 6 tỷ và 7 tỷ. Vậy câu chuyện của những đứa trẻ này cho chúng ta biết điều gì về sự gia tăng dân số thế giới?
Liên Hợp Quốc giận dữ
Chỉ vài phút sau khi được sinh ra vào tháng 7/1987, ánh sáng từ chiếc máy ảnh lóe lên, chụp được khuôn mặt bé nhỏ của Matej Gaspar. Một nhóm các chính trị gia mặc vest bao quanh người mẹ đang kiệt sức của cậu.
Bị kẹt ở phía sau đoàn xe hộ tống bên ngoài, một quan chức người Anh của LHQ tên Alex Marshall cảm thấy mình nên chịu một phần trách nhiệm về sự hỗn loạn nhất thời mà ông đã gây ra cho cơ sở hộ sinh nhỏ bé ở ngoại ô Zagreb này.
Ông nói: “Về cơ bản, chúng tôi đã xem xét các dự đoán và hình thành ý tưởng rằng dân số thế giới sẽ vượt qua con số 5 tỷ vào năm 1987. Và ngày thống kê là 11/7.” Người ta quyết định đặt tên thánh trong lễ rửa tội cho đứa trẻ ấy.
Các nhà nhân khẩu học của LHQ đã rất tức giận về việc này. Họ nói không nên chọn ra một cá nhân và gán cho người đó một con số. Nhưng dù sao thì mọi thứ cũng đã xảy ra rồi.
35 năm sau, em bé thứ 5 tỷ trên thế giới đang cố gắng quên đi nghi thức chào đời của mình. Trang Facebook của anh cho thấy chàng trai đang sống ở Zagreb với một gia đình hạnh phúc và đã trở thành một kỹ sư hóa học. Nhưng anh né tránh các cuộc phỏng vấn và từ chối nói chuyện với phóng viên của BBC.
“Chà, không thể trách cậu ấy được,” Alex nói. Ông vẫn nhớ lại cái ngày Matej ra đời, truyền thông vây quanh cậu bé một cách hỗn loạn và bát nháo.
Kể từ đó, thế giới đã có thêm 3 tỷ người nữa. Nhưng 35 năm tới có thể sẽ chỉ tăng thêm 2 tỷ người và sau đó, dân số toàn cầu có thể sẽ ổn định.
Y tế phát triển nhưng…
Ở ngoại ô Dhaka, Bangladesh, Sadia Sultana Oishee đang giúp mẹ gọt khoai tây cho bữa tối. Cô bé 11 tuổi và đang muốn chơi bóng nhưng chiếc thuyền của bố mẹ cô khá chật.
Gia đình họ phải chuyển vào thuyền sống khi công việc kinh doanh bán vải và sari bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Cuộc sống ở làng ít tốn kém hơn nên họ vẫn có thể trang trải học phí cho 3 cô con gái.
Oishee là em út và được coi như bùa may mắn của gia đình. Cô bé sinh năm 2011 được mệnh danh là em bé thứ 7 tỷ trên thế giới. Mẹ cô bé đã không biết chuyện gì sắp xảy ra. Bà còn không ngờ mình sẽ sinh con vào ngày hôm đó. Sau khi được bác sĩ khám, bà được chuyển đến phòng phẫu thuật để sinh mổ khẩn cấp.
Oishee chào đời vào lúc 0h1’. Các đoàn làm phim truyền hình và các quan chức địa phương chen chúc nhau để được gặp cô bé. Cả gia đình thì sững sờ nhưng cũng vui mừng trước sự chú ý của truyền thông dành cho đứa trẻ.
Bố cô bé đã từng mong có một đứa con trai nhưng giờ đây, ông hạnh phúc với ba cô con gái thông minh và chăm chỉ. Con cả của ông đã học đại học còn Oishee quyết tâm trở thành bác sĩ. “Chúng tôi không khá giả đến mức có thể lo hết được mọi thứ vào lúc này, Covid đã khiến cuộc sống khó khăn hơn. Nhưng tôi sẽ làm mọi thứ để biến ước mơ của con mình thành hiện thực,” ông nói.
Kể từ khi Oishee ra đời, dân số của Bangladesh đã tăng thêm 17 triệu người.
Sự gia tăng này là một câu chuyện thành công lớn về y tế nhưng lại là sự chậm đi về dân số của Bangladesh. Vào năm 1980, trung bình một người phụ nữ sẽ có hơn 6 người con, hiện giờ con số này còn nhỏ hơn 2. Đó là bởi đất nước này đã tập trung vào giáo dục. Khi phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn, họ chọn việc xây dựng gia đình nhỏ hơn, ít con hơn.
Nơi sinh sản nhiều nhất là ở châu Phi
Điều này rất quan trọng để hiểu dân số thế giới có thể sẽ đi về đâu. 3 cơ quan chính đưa ra các dự báo về dân số toàn cầu bao gồm Liên Hợp Quốc, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington và Trung tâm IIASA-Wittgenstein ở Vienna. 3 cơ quan này có sự mong đợi về giáo dục rất khác nhau.
LHQ cho biết dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào những năm 2080 ở mức 10,4 tỷ nhưng IHME và Wittgenstein tin rằng điều đó sẽ xảy ra sớm hơn là từ năm 2060 đến năm 2070 và chỉ ở mức dưới 10 tỷ.
Nhưng đây chỉ là những dự đoán. Kể từ khi Oishee ra đời vào năm 2011, thế giới đã có rất nhiều thay đổi và các nhà nhân khẩu học không ngừng ngạc nhiên.
Nhà nhân khẩu học tại IIASA là Samir KC cho biết: “Chúng tôi không ngờ rằng tỷ lệ tử vong do Aids sẽ giảm xuống mức cực kỳ thấp và việc điều trị sẽ cứu được nhiều người như vậy”. Ông đã phải thay đổi mô hình của mình vì sự cải thiện tỷ lệ tử vong ở trẻ em có tác động lâu dài, vì những đứa trẻ sống sót tiếp tục sinh con.
Và sau đó là sự sụt giảm đáng kinh ngạc về khả năng sinh sản.
Samir KC cho biết các nhà nhân khẩu học đã bị sốc khi số trẻ em mà một phụ nữ ở Hàn Quốc sinh ra giảm xuống mức trung bình là 0,81. "Con số này sẽ giảm đến mức nào? Đây là câu hỏi lớn đối với chúng tôi." Đó là điều mà ngày càng nhiều quốc gia sẽ phải vật lộn.
Một nửa trong số 1 tỷ em bé tiếp theo sẽ đến từ 8 quốc gia mà hầu hết là ở châu Phi. Trong khi đó, ở đa số các quốc gia còn lại, tỷ lệ sinh sẽ thấp hơn 2, mỗi phụ nữ sinh được một đứa bé là điều cần thiết để duy trì dân số.
Tham khảo BBC