Thế giới chạm ngưỡng 8 tỷ, vậy cuộc sống của đứa trẻ thứ 1 tỷ tại Ấn Độ giờ ra sao?

Chia sẻ Facebook
29/11/2022 14:46:03

Aastha Arora sinh ra trong một gia đình trung lưu ở quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới - Ấn Độ. Chuyện không có gì đáng nói nếu đứa trẻ này không đứng thứ một tỷ trong danh sách thống kê dân số của chính phủ Ấn Độ.

"Vào ngày 11 tháng 5 năm 2000, các nhân viên điều tra dân số nhận ra Ấn Độ vẫn chưa đạt mốc một tỷ. Thế nên các chú ấy bảo bố mẹ em là nếu có em bé nào sinh ra trong khoảng 3 giờ đến 6 giờ sáng, em bé ấy sẽ là đứa trẻ thứ một tỷ. May mắn thế nào, em lại là đứa bé đấy"

Liên hợp quốc tuyên bố, ngày 15 tháng 11 là ngày thế giới chạm mốc 8 tỷ người, đánh dấu bởi sự ra đời của "công dân thứ tám tỷ" ở Manila, Philippines. Giám đốc hành chính của Ủy ban Dân số và Phát triển Philippines (POPCOM) hy vọng em bé này sẽ "là biểu tượng của sự phát triển trong tương lai".

Mức tăng trưởng vượt bậc này một phần do tuổi thọ con người tăng lên, nhờ cải thiện về sức khỏe cộng đồng, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và y học. Đây cũng là kết quả của tình trạng mức sinh cao và liên tục ở một số quốc gia như Ấn Độ, quốc gia dự kiến sẽ vượt mặt Trung Quốc, trở thành nước đông dân nhất thế giới vào năm 2023.

Không muốn đón nhận sự quan tâm "hời hợt"

Đối với Arora, cô được tuyên bố là công dân thứ một tỷ của Ấn Độ nhờ một phép tính dựa trên sự ngẫu nhiên nhiều hơn là một công thức thực sự. Năm 2000, Ấn Độ thực hiện cuộc tổng điều tra dân số dân số lần thứ 14 (tiến hành 10 năm 1 lần). Ngay sau khi sinh Arora, mẹ cô được chuyển đến một phòng khám đặc biệt ở Bệnh viện Safdarjung, New Delhi. Tại đây tập trung nhiều phóng viên, quan chức và các bộ trưởng. Tất cả đều háo hức được ngắm nhìn công dân thứ một tỷ.

Ở Ấn Độ, bùng nổ dân số có thể dẫn đến các cuộc tranh luận về quyền lực, sự đàn áp nhắm đến nhóm thiểu số hay tầng lớp thấp, cũng như gây ra lo ngại xoay quanh chủ nghĩa chuyên chính (nhóm đa số được đưa ra quyết định về các chính sách, quyền lợi). Trong bối cảnh đó, sự ra đời của em bé Arora là một khoảnh khắc buồn vui lẫn lộn.

"Khi em học lớp một, tầm năm tuổi gì đó, em nghĩ mình chắc hẳn là người đặc biệt, vì em sinh ra trong gia đình trung lưu, giản dị, nhưng truyền thông đều đến phỏng vấn em hằng năm như thể em rất nổi tiếng".

Aastha Arora khoe hình ảnh lúc nhỏ

"Khi mọi người phát hiện ra sự việc, họ rất nhiệt tình với em trong một tuần, thậm chí giáo viên cũng hỏi han, sau đó mọi thứ đều quay lại bình thường".

Bất cứ khi nào Arora được phỏng vấn, dù ở trường học hay nhà riêng, các bạn cùng lớp sẽ dõi theo, họ hy vọng được phỏng vấn cùng. Với cô gái trẻ, việc này thật không cần thiết, đặc biệt là khi cô phải cư xử thật mẫu mực vào những ngày hôm đó.

"Lúc em ra đời, một quan chức nào đấy bảo em sinh ra đã ngậm thìa vàng. Sau này em nhận thấy sự ra đời của mình chẳng có gì lấp lánh cả. Sau 22 năm, khi em thăm bệnh viện Safdarjung, không ai nhận ra em",

"Thời điểm đó, mẹ tôi chuyển đến khu chăm sóc đặc biệt trong bệnh viên. Cha thì bận rộn để thích nghi với sự thay đổi trong cuộc sống. Không ai có thời gian hay năng lượng để soạn văn bản".

Cha Arora (60 tuổi) đang làm ở tiệm tạp hóa, còn mẹ (55 tuổi) thì làm trong một tiệm thẩm mỹ. Anh trai cô làm nghề kỹ sư phần mềm, nhờ đó phần nào giúp giảm gánh nặng thu nhập trong gia đình. Arora hành nghề y tá nhưng mong muốn học tiếp thạc sĩ để làm y tá chuyên khoa.

"Tôi từng muốn nghiên cứu khoa học và trở thành bác sĩ, nhưng cha mẹ không đủ khả năng gửi tôi đến trường tư. Vì vậy, tôi đành chấp nhận học nghề y tá",

Thời điểm Arora sinh ra, gia đình cũng không nhận được viện trợ chính phủ. Khoản viện trợ duy nhất là khoản tiền trị giá 1220 USD từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Ngân hàng Quốc gia Punjab (PNB). Để đóng học phí, gia đình một phần nhờ vào tiền lãi suất ngân hàng, nhưng vẫn phải vay thêm.

"Em vẫn nhớ lúc em và anh trai cùng giúp mẹ mở tiệm làm đẹp. Bố mẹ không dành nhiều thời gian cho tụi em vì họ lúc nào cũng bận. Hiện tại có nhiều thứ đè nặng lên vai em, em chỉ muốn học chăm chỉ hơn để đạt được thành tựu xứng đáng. Em không mong đợi gì từ chính phủ hay thế giới, trừ việc họ thực hiện lời hứa năm nào"

Aurora tìm hiểu về bản thân thông qua các tư liệu báo chí.

Tăng trưởng càng nhanh, sự cạnh tranh càng lớn

Sự bùng nổ dân số Ấn Độ như con dao hai lưỡi. Với một số người, dân số trẻ đồng nghĩa với lực lượng lao động hùng hậu, đưa giá trị của nền kinh tế tỷ đô tiếp tục tiến xa hơn. Còn với người khác là áp lực về các khoản chi tiêu của chính phủ, tình trạng nghèo đói gia tăng và phân chia giai cấp cực đoan. Dữ liệu từ Liên Hợp Quốc cho biết, dân số Ấn Độ có thể tăng theo bội số 1,09 trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2031.

Theo BBC, lễ kỷ niệm cũng là thời điểm cả quốc gia cùng suy ngẫm về tương lai, hướng đến thông điệp duy trì mức tăng trưởng bền vững, bởi thực tế nếu con số tăng ngoài mức kiểm soát thì chính phủ rất khó cung cấp dịch vụ cơ bản và nâng cao mức sống tiêu chuẩn cộng đồng.

"Ấn Độ cần làm gì đó để kiểm soát dân số. Một phần của việc bùng phát đến từ mong muốn sinh con trai. Các gia đình đã có con gái sẽ tiếp tục đẻ cho đến lúc hạ sinh bé trai. Họ tin là con trai mới làm rạng danh gia đình".

Năm 2000, khi Aastha Arora ra đời, các dự báo của chính phủ cho thấy Ấn Độ có thể vượt mặt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2045. Nhưng theo Liên Hợp Quốc thì viễn cảnh này sẽ diễn ra sớm nhất vào năm 2023, tức là trước dự kiến 22 năm.


Aastha Arora cảm thấy cuộc sống có quá nhiều sự cạnh tranh. Cô nói: "Em là em bé thứ một tỷ đầu tiên, không lâu nữa sẽ có em bé thứ một tỷ thứ hai. Hy vọng đất nước sẽ không bao giờ chạm tới cột mốc đó".

Chia sẻ Facebook