Thế giới bớt 'phẳng' rồi ư?
Thế giới từng không "phẳng" và nhân loại phải gánh chịu tốn kém, thiệt hại vì sự "lạc nhịp" này. Thế giới "phẳng" hơn trong vài chục năm qua, nhưng đang có sự "phân mảnh".
Người Việt dần quen với WiFi 6 - chuẩn mới có tốc độ nhanh hơn WiFi 5 - được đưa ra bởi Liên minh WiFi, các hãng sản xuất theo chuẩn này, nhờ vậy ở đâu trên thế giới cũng dùng được.
Hàng tỉ người đã dùng thẻ thanh toán quốc tế, xem phim tại gia mà không còn lo khác hệ, phải mua tivi, đầu máy video đa hệ như 20 năm trước. Vậy mà, xu hướng tạo cho mình cái riêng, để không phụ thuộc, bị bắt bí đang tái xuất hiện.
Con người ngày nay sống tiện nghi hơn, tiết kiệm được nhiều hơn là nhờ vài thập kỷ qua thế giới "tiệm cận" nhau để "chuẩn hóa" nhiều thứ, hoặc phân công sản xuất dựa trên thế mạnh của mỗi nơi.
Thế giới thống nhất với nhau từ nhiều chuẩn ổ cắm điện, dây sạc điện thoại chỉ còn một hoặc hai kiểu, hay chung nhau chuẩn WiFi để thiết bị dù sản xuất ở Mỹ, Âu hay Á cũng "cắm và chạy" mà không phải thêm phụ kiện hay phần mềm...
Trong đại dịch COVID-19, các nước đã bàn thảo chuẩn chung "hộ chiếu vắc xin" để thuận lợi cho dân đi lại. Nỗ lực tạo "đồng phục" trong các tiêu chuẩn không đơn giản, nhưng lợi ích của nó quá lớn nên các nước đã cùng có tiếng nói chung.
Ấy vậy mà gần đây, xu thế "ngược dòng" đang nhen nhóm trở lại khi "chuẩn chung" trở thành một thế lực và bị sử dụng như một loại vũ khí.
Để phản ứng lại, xu thế trở lại ngày xưa, đó là "của ta - ta dùng". Không chấp nhận mạng xã hội như Facebook, Twitter, Trung Quốc lập riêng mạng Weibo, Wechat. Không yên tâm với mạng Internet toàn cầu, người Nga lập riêng nền tảng mạng, sẵn sàng hoạt động độc lập khi bị "ngắt mạng".
Không an tâm với hệ thống thanh toán quốc tế toàn cầu SWIFT, Trung Quốc lập hệ thống thanh toán riêng CIPS. Và gần đây là hệ điều hành riêng, chuẩn chip riêng...
Nhưng rõ nét nhất là sự "phân mảnh" trở lại của chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi COVID-19 nổ ra cùng với các biến động địa chính trị, châu Âu giật mình vì họ lệ thuộc vào các đối tác cung ứng ở châu Á, hệ quả là khẩu trang khi cần cũng không có.
Thế là họ có chiến lược, phải làm gì đó để sản xuất trang thiết bị y tế, không thể trông chờ từ châu Á. Hai năm qua, Mỹ và Liên minh châu Âu đã bàn giải pháp "cấu trúc lại" chuỗi cung ứng, không ít tập đoàn lớn đưa nhà máy về nước, dù chi phí sản xuất rất cao.
Như vậy, sau nhiều thập kỷ đưa dây chuyền sản xuất tới các nước có giá lao động rẻ hơn, các nước phát triển muốn đặt nó ở trong nước hoặc ở đối tác tin cậy. Tiêu chí làm ăn với mục tiêu hướng tới người tiêu dùng, tối ưu hóa tài nguyên, lợi nhuận... đã chuyển sang dựa trên sự tin cậy, tình thân thay vì năng lực, hiệu quả kinh tế.
Kết quả là hàng hóa nhiều, rẻ, đời sống tiện nghi hơn, tài nguyên được khai thác hiệu quả hơn, sự giàu có, ấm no cũng chia đều hơn. Nếu thế giới trở lại bớt "phẳng" hơn, hay xu hướng "chỉ làm ăn với bên hữu hảo" sẽ khiến nhiều thứ bị phân mảnh trở lại, phiền toái với con người sẽ tăng lên, tiện nghi sẽ kém đi, nghèo đói tăng lên...
Chẳng ai muốn trở lại cái thời phải mua tivi đa hệ, trong ví có nhiều thẻ thanh toán của nhiều nước, điện thoại không thể kết nối mạng vì khác chuẩn... Không lẽ nhân loại lại có bước lùi đau đớn như thế!?
TTCT - Chỉ trong vài phút, sân festival nhạc đồng quê, nơi hơn 2 vạn người hâm mộ thể loại nhạc này tụ họp, bỗng biến thành một bãi chiến trường, xác người chết la liệt, người bị thương tứ phía rên la... 59 người chết, 527 người bị thương.