Thể chế cho TP.HCM: Áo đã chật!

Chia sẻ Facebook
23/03/2022 14:32:50

Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM, đánh giá như trên tại hội nghị nghe góp ý, hiến kế của các nhà đầu tư về định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP đến năm 2030 được tổ chức vào ngày 22-3.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn cán bộ hỗ trợ hiệu quả hơn. Trong ảnh: đại diện doanh nghiệp làm thủ tục nhà đất tại khu vực 3 TP Thủ Đức - Ảnh: TỰ TRUNG


Nhiều doanh nghiệp thể hiện sẵn sàng đồng hành và đề nghị TP.HCM cần có định hướng đột phá cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng cảng biển, và đổi mới mạnh mẽ về công nghệ, tài chính…


Đột phá hạ tầng để dẫn đầu

Ông Boris Cohen, tổng giám đốc MSC Vietnam, cho rằng việc phát triển nhanh chóng các hạ tầng cảng biển sẽ giúp TP.HCM sớm trở thành trung tâm dịch vụ hàng hóa không chỉ của Việt Nam mà còn cả khu vực. TP có lợi thế nằm trên tuyến đường vận tải biển quan trọng, nhưng do đường vào và các hạ tầng liên quan nên các cảng biển hiện chỉ xử lý được lượng hàng trên 50% công suất thiết kế.

Một số ý kiến khác thì đề nghị TP phải mở rộng cảng Cát Lái vì có thể cảng này sắp quá tải.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - cho biết trong sáng 22-3, liên doanh IPP Air Cargo, Sasco, Vn Post, Viettel post đã cùng nộp hồ sơ tới Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM để thành lập Công ty cổ phần Bellazio Logistics - chuyên về vận chuyển và xây dựng các chuỗi kho trung tâm trên khắp cả nước phục vụ nhu cầu phát triển mới.


TP.HCM sẽ vượt qua những cái đã từng vướng

Phát biểu, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng các ý kiến đã nêu được những vướng mắc của TP.HCM. "Hiện thể chế cho TP như một chiếc áo đã chật, cần sớm tháo gỡ" - ông Nên nói và nhấn mạnh kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội còn hạn chế và cần được nâng cao. TP đòi hỏi có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới và có đội ngũ cán bộ công chức tận tụy, liêm chính, hành động quyết liệt.

Ông Nên đề nghị chính quyền khi đã cam kết hành động cùng doanh nghiệp thì phải có tiêu chí, quy định trách nhiệm rõ cho mỗi cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết TP xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại; đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra nêu trên, TP tập trung chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh, hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông, phát triển hạ tầng giao thông, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí tự động hóa, phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

* Ông Ace Wilson

(giám đốc tài chính, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam):


Cán bộ cần bớt thắc mắc không cần thiết…

Cộng đồng doanh nghiệp thực sự rất mong muốn TP.HCM nhanh chóng thực hiện quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư. Chúng tôi nhận thấy sự chồng chéo trong thủ tục xin phê duyệt, cấp phép, về thẩm quyền của các bộ và địa phương.

TP.HCM cần chủ động phân cấp thẩm quyền phê duyệt, đầu tư mạnh hơn cho năng lực cán bộ. Họ cần có năng lực hỗ trợ doanh nghiệp FDI, xem nhau như đối tác, có cam kết hoàn thành công việc đúng tiến độ, không đặt ra thêm các yêu cầu mới và có những thắc mắc không cần thiết.

Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đã gặp phải không ít thách thức này. Tôi cho rằng đây là khâu mà lãnh đạo TP cần tập trung xử lý thật tốt từ trên xuống và từ dưới lên.

Những năm qua, trong lĩnh vực cải cách thể chế và thủ tục hành chính, chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng đó thường là những việc tương đối dễ dàng. Những vấn đề 'xương xẩu' khó khăn nhất đang còn gác lại.

Chia sẻ Facebook