Thấy 'kiếm tiền là một việc rất nhàm chán', chàng Tiến sĩ bỏ việc đi tu khiến bố mẹ bàng hoàng

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 20:55:34

Thấy 'kiếm tiền là một việc rất nhàm chán', chàng Tiến sĩ bỏ việc đi tu khiến bố mẹ bàng hoàng


Nhiều người quan niệm học tập là cách duy nhất để thay đổi số phận. Không có định nghĩa tuyệt đối, song hầu hết đều tin rằng học tập có thể cho tất cả một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Tuy nhiên, Trương Thanh Quang, tiến sĩ tốt nghiệp hạng xuất sắc tại Đại học Thanh Hoa hàng đầu Trung Quốc lại là một trong số ít những người đi ngược lại với quan điểm xã hội trên. Thay vì lấy vợ, sinh con và sống một cuộc sống viên mãn nhờ học vị khủng, người đàn ông này đã quyết định xuống tóc đi tu, bất chấp lời can ngăn, thậm chí là van xin của bố mẹ.


Trương Thanh Quang sinh năm 1980 trong một gia đình nông dân nghèo ở thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Gia cảnh khó khăn, lại là con trai lớn trong nhà nên ngay từ nhỏ cậu đã xác định học hành là con đường duy nhất để thoát nghèo.


Là niềm hy vọng lớn của bố mẹ, cậu bé Trương mới ít tuổi đã có học lực nổi trội, đồng thời giữ vai trò cốt cán trong các cuộc thi học sinh giỏi của tỉnh, bài toán khó đến đâu cũng có thể tìm ra đáp án nhanh chóng. Với cậu, học là một công việc vô cùng ý nghĩa giúp cuộc sống của cả gia đình trở nên tốt đẹp hơn.

Trương Thanh Quan hồi còn là sinh viên.


Năm 1998, Trương Thanh Quang trúng tuyển Đại học Giao thông Tây An. Anh là học sinh duy nhất tại Thương Khâu thi đỗ vào ngôi trường danh giá và trở thành niềm tự hào, hãnh diện của cha mẹ, họ hàng.


Sau khi tốt nghiệp, Trương tiếp tục thi lên bằng tiến sĩ và được tuyển thẳng vào Đại học Thanh Hoa. Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, anh được một viện nghiên cứu khoa học nổi tiếng chiêu mộ, với mức lương cao hơn nhiều so với những sinh viên cùng khóa. Bố mẹ Trương chia sẻ số tiền con trai có thể kiếm trong một năm bằng công sức cả đời làm công vất vả của họ.


Tuy nhiên, cuộc sống chỉ xoay quanh công việc và học tập khiến Trương Thanh Quang không có nhiều bạn bè, luôn cảm thấy cô đơn và bất lực. Sự thiếu kinh nghiệm trong cách ứng xử xã hội cũng khiến Trương khó trò chuyện với nhân viên, thậm chí là thường xuyên bất đồng với họ. Cả thể chất lẫn tinh thần anh gần như kiệt quệ.

Trương Thanh Quang quyết định xuất gia tại chùa Long Tuyền, Bắc Kinh.


Một lần, Trương tình cờ đọc được tài liệu về Phật giáo. Người đàn ông này sau đó đã có thể tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc mơ hồ suốt bấy lâu nay. Anh nói “kiếm tiền là một việc rất nhàm chán”, vậy nên tốt hơn hết là hãy gác lại danh vọng của bản thân và làm điều gì đó mình thích.


Trương quyết định xuất gia tại chùa Long Tuyền, Bắc Kinh, sau đó gửi toàn bộ số tiền mình tiết kiệm được cho bố mẹ như một cách báo đáp công ơn dưỡng dục. Điều này khiến bố mẹ Trương chết lặng. Hai người ban đầu chỉ cho rằng con trai nhất thời hồ đồ nên lặn lội đến tận chùa Long Tuyền thuyết phục anh trở về. Thậm chí họ còn ở lại mấy ngày, khóc lóc van xin nhưng không có kết quả.


Trương nói: “Nghe lời mù quáng nghĩa là không sống có trách nhiệm. Sống trên đời phải có chính kiến ​​của mình, không thể cứ theo ý người khác mãi. Con sẽ tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình”.


Sau hơn 10 năm tu hành, Trương Thanh Quang tiếp tục nghiên cứu Phật pháp. Vị này cho biết mình đã có thể giải thoát sự mê muội của mình và trả lời được những câu hỏi, hoài nghi của thiên hạ, dù sự lựa chọn này không khiến con đường học vấn của Trương tỏa sáng. Ông cho rằng đi tu cũng là một cách để trả ơn xã hội, trả ơn cha mẹ.


Dẫu vậy, Trương Thanh Quang vẫn vẫn bị người thân trách móc là ích kỷ, phụ công nuôi dưỡng. Đáp lại, ông chỉ nói: “Không ai có thể sống thay cuộc đời của người khác, kể cả cha mẹ của họ. Vì vậy, cha mẹ không nên phán xét quyết định của con cái”.


Theo: 163


Vũ Anh

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Chia sẻ Facebook