Thầy Hiệu trưởng giao bài tập về nhà ngày Tết đầy nhân văn
Với mong muốn các em học sinh toàn trường có kỳ nghỉ Tết vui vẻ, ý nghĩa, thầy Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Lương (Nghệ An) giao những bài tập mang đậm tính nhân văn.
Với mong muốn các em học sinh có kỳ nghỉ Tết trọn vẹn, được vui chơi thỏa thích bên gia đình, người thân, nhiều trường trên khắp địa bàn Việt Nam chủ trương không hoặc hạn chế giao bài tập về nhà vào dịp này. Không ít em học sinh cũng cảm thấy ngao ngán nếu nhận quá nhiều bài tập. Tuy nhiên, mới đây, thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Lương, tỉnh Nghệ An đã giao 10 bài tập cho học sinh toàn trường và đã được nhiều người hưởng ứng.
"Ngày tết em và các bạn đều muốn được người lớn lì xì. Theo em có nên bóc bao lì xì ngay trước mặt người tặng khi vừa được tặng không? Vì sao?" là một câu hỏi trong 10 bài tập về nhà ngày Tết thầy Tuấn Anh giao cho các em học sinh. Những câu hỏi còn lại cũng chỉ xoay quanh những vấn đề thường gặp vào dịp Tết cổ truyền như: lời chúc Tết, việc đi chợ Tết, hoạt động ngày Tết, cảm nhận về ngày tảo mộ...
Có thể thấy, bài tập về nhà thầy Hiệu trưởng này giao cho học sinh không chú trọng vào kiến thức sách vở, tính toán mà đề cao những gì các em trải nghiệm, đúc kết được qua các hoạt động trong ngày Tết cổ truyền. Những câu hỏi đều mang tính chất gợi mở, gắn liền với tuổi thơ của nhiều em học sinh. Chia sẻ với PLO , em Phạm Văn Hóa (học sinh khối 8 Trường THCS Quỳnh Lương) cho biết, em và các bạn rất hào hứng khi nhận được bài tập này.
Không chỉ nhận được sự hưởng ứng từ học sinh trong trường, khi loạt bài tập này được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người cũng bày tỏ sự khen ngợi dành cho tính nhân văn của thầy Hiệu trưởng. Chia sẻ trên trang cá nhân, thầy Trần Trung Hiếu (giáo viên tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) nhận xét, đây là bài tập về nhà nhân văn, thiết thực nhất. Bên dưới, nhiều người cũng đồng tình với thầy Hiếu.
Chia sẻ về 10 bài tập giao cho học sinh, thầy Tuấn Anh cho biết, 10 bài tập này giúp các em có dịp cùng bố mẹ tham gia vào các hoạt động thực tiễn của truyền thống ngày Tết. Khi hoàn thành các bài tập, học sinh như có cơ hội chép lại một đoạn nhật ký khó quên về ngày Tết quê mình. "Là bài tập nhưng học sinh không gặp áp lực phải làm hay không làm, không áp lực về điểm số..." , thầy chia sẻ.
Tương tự câu chuyện của thầy Tuấn Anh, trước đó, thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên Ngữ Văn tại TP.HCM) cũng giao cho học sinh 6 bài tập hè gây "bão" mạng xã hội. Bài tập của thầy Đức Anh không có hạn nộp, không bắt buộc ai cũng phải làm. Đó đều là sự gợi mở giúp các em học sinh có thể phát triển bản thân theo chiều hướng tích cực hơn.
Bài tập về nhà mang đậm tính nhân văn, giúp các em học sinh đúc kết được những hoạt động, trải nghiệm của mình trong ngày Tết thành một đoạn nhật ký nho nhỏ để lưu giữ làm kỷ niệm, hoặc chia sẻ cùng bạn bè là điều vô cùng thú vị. Có thể thấy, bài tập của thầy Tuấn Anh nhận được sự hưởng ứng từ nhiều người. Còn bạn, bạn nghĩ sao về bài tập của thầy? Hãy chia sẻ cùng Bestie nhé!
Xem thêm nhiều bài viết hấp dẫn tại Bestie!
CÁCH DẠY CON KĨ NĂNG SỐNG THEO ĐỘ TUỔI: CON SỚM TỰ LẬP, BỐ MẸ NHÀN TÊNH
Cách giáo dục của thầy hiệu trưởng trong câu chuyện vừa kể trên khiến nhiều người đồng tình bởi trẻ em cũng cần thời gian nghỉ ngơi, vui chơi đúng nghĩa chứ không phải cứ mãi nhồi nhét kiến thức là hay. Trong hành trình dạy trẻ nên người, bố mẹ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các bậc phụ huynh nên có cách dạy con hợp lý qua từng thời điểm để con tự lập, mình cũng được nhàn hạ hơn.
Trẻ dưới 5 tuổi cần được dạy: Tự xúc cơm ăn, tự vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, thuộc số điện thoại bố mẹ, không được bắt chuyện và đi theo người lạ, biết đi thưa, về gửi, nói chuyện dạ vâng với người lớn,... Trẻ từ 5-8 tuổi cần được dạy: đi xe đạp, chọn thực phẩm lành mạnh, thuộc số khẩn cấp, biết sắp xếp đồ đạc và việc học tập. Trẻ từ 9-12 tuổi cần được dạy cách làm thế nào để có thể phân biệt đâu là cái cần thiết trong cuộc sống, đâu chỉ là sở thích nhất thời...