Thầy giáo M’nông truyền cảm hứng cho buôn làng
Mong muốn dùng cái chữ để thay đổi nhận thức, số phận của trò nghèo, thầy Y Thắng Rơ Yam dành cả thanh xuân gắn bó với ngôi trường vùng sâu, vùng xa. Nhiều thế hệ học trò của thầy đã thành đạt, trở thành đồng nghiệp, cùng thầy viết tiếp hoài bão người cầm phấn.
Thầy Y Thắng Rơ Yam là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (xã Ea R’bin, huyện Lắk, Đắk Lắk). Thầy gắn bó với ngôi trường vùng sâu, vùng xa được 18 năm. Chỉ tay về phía con đường bê tông thẳng tắp chạy ngang qua trường, thầy Y Thắng cho hay, đường mới làm, trước đây đất đỏ, nắng bụi mù, mưa nhão nhoẹt. Trước khi vào lớp, thầy trò phải ghé vào chậu nước đặt gần cổng trường, gột rửa bùn đất. Bây giờ, nhà trường vẫn bố trí vài xô nước trước cổng, bởi đường trong buôn làng vẫn còn đất đỏ lấm lem.
Theo thầy Y Thắng, học sinh trong trường phần lớn là con em thuần nông, người dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Vì mải lo kiếm ăn, nhiều phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con trẻ. Nhiều em vì thế bỏ học giữa chừng. Xác định cái chữ mới giúp học trò thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo, thầy cùng đồng nghiệp kiên trì băng đồi, lội ruộng tìm trẻ đến trường.
“Nhiều hôm đến nhà phụ huynh nhưng không gặp được ai, chúng tôi buồn nhưng không nản. Ban ngày không gặp, chúng tôi đi buổi tối. Vận động lần 1 chưa thành, chúng tôi đổi hướng tiếp cận, kiên trì cho đến khi học trò quay lại trường mới thôi”, thầy Y Thắng tâm sự.
Nói về cơ duyên với gắn bó với nghề cầm phấn, thầy Y Thắng cho biết, bản thân may mắn hơn nhiều bạn đồng lứa, khi được gia đình cho ăn học đến nơi đến chốn. Đứng trước cơ hội lựa chọn, thầy quyết định theo nghề giáo với mong muốn mang cái chữ, tri thức đến những buôn làng vùng sâu còn nhiều khó khăn.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, thầy Y Thắng tình nguyện về Trường THCS Trần Quốc Toản. Ngôi trường này thuộc xã vùng sâu, xa nhất huyện Lắk. Trường cách nhà hơn 50 cây số, đường sá đi lại quá khó khăn. Đôi lúc, chàng trai M’nông từng nản chí. Thế nhưng, nhìn học trò say mê con chữ, thầy lại nhớ đến lý tưởng chọn nghề của mình.
Nhiều học trò của thầy đã trưởng thành, có người nối gót theo nghề cầm phấn, trở thành đồng nghiệp. Như anh Lữ Tuấn Anh Kiệt (giáo viên dạy Âm nhạc, Trường THCS Trần Quốc Toản) - từng là học trò của thầy.
Thầy Anh Kiệt chia sẻ, chính thầy Y Thắng là người truyền cảm hứng để anh vượt qua hoàn cảnh gia đình. Từ đó, thầy Kiệt có thêm nghị lực tìm đến âm nhạc để giải tỏa tâm trạng. Cứ thế, tình yêu âm nhạc dẫn lối để trở thành thầy giáo. Anh Kiệt chọn quay về trường xưa cống hiến, tiếp tục đồng hành cùng thầy Y Thắng thực hiện tiếp ước mơ của mình.
Theo Huỳnh Thúy