Thấy gì từ khối tài sản ngàn tỷ của An Phú?

Chia sẻ Facebook
07/11/2022 09:09:27

Mặc dù sở hữu khối tài sản và vốn điều lệ hơn ngàn tỷ đồng cùng nhiều dự án đắc địa, CTCP An Phú thời gian qua ghi nhận kết quả kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư. Khối tài sản ngàn tỷ của An Phú cho thấy nhiều mối quan hệ với CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông, TVSI, SCB…

Thấy gì từ khối tài sản ngàn tỷ của An Phú?

Tính đến 30/09/2022, tổng tài sản của An Phú là hơn 1.3 ngàn tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn khác gần 78 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với thời điểm đầu năm. Ngược lại, Công ty xuất hiện khoản phải thu về cho vay ngắn hạn 24 tỷ đồng.

Các khoản phải thu dài hạn gần 130 tỷ đồng. Khoản đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh hơn 825 tỷ đồng và Công ty phải trích lập dự phòng lên đến 130 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số 8 tỷ đồng hồi đầu năm.

Cơ cấu nguồn vốn của An Phú cho thấy công ty nợ rất ít. Danh mục nợ phải trả tính đến cuối tháng 9 có khoản phải trả ngắn hạn khác gần 43 tỷ đồng.

Mặc dù khối tài sản và vốn hơn ngàn tỷ đồng nhưng kết quả kinh doanh của An Phú thời gian qua khá khiêm tốn. Trong năm 2021, An Phú chỉ đạt doanh thu 9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 28 tỷ đồng nhờ vào hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư hơn 19 tỷ đồng và doanh thu tài chính 17 tỷ đồng.

Riêng quý 3/2022, Công ty ghi nhận doanh thu chỉ hơn 1 tỷ đồng và lợi nhuận cũng chỉ 930 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng doanh thu được 3 tỷ đồng và lỗ ròng gần 120 tỷ đồng, khoản lỗ này xuất phát từ việc dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư.


Kết quả kinh doanh của An Phú từ năm 2014 đến nay

Mối liên hệ với SCB, An Đông, Vivaland, Anpha King

An Phú được thành lập năm 2004 với tên gọi ban đầu là CTCP Dịch vụ Sản xuất An Phú. Hiện công ty có trụ sở tại số 3 - 5 - 7 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM; lĩnh vực kinh doanh chính là thương mại, dịch vụ.

Giữa tháng 10/2022, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thông báo trên website về việc mất Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần CTCP An Phú. Cụ thể, cổ đông CTCP Hiệp Phúc và CTCP Tân Hiệp làm mất 1 tờ giấy chứng nhận sở hữu cổ phần do CTCP An Phú cấp, do nhân viên làm thất lạc hồ sơ trong quá trình lưu trữ. Trong đó, Hiệp Phúc sở hữu 825,100 cổ phần và Tân Hiệp sở hữu 2,308,870 cổ phần.

Được biết, Tân Hiệp và Hiệp Phúc là 2 cổ đông sáng lập của An Phú. Theo BCTC quý 3/2022, Tân Hiệp đã góp vào 177 tỷ đồng và Hiệp Phúc là 175 tỷ đồng, chiếm lần lượt 14.56% và 14.44% vốn điều lệ An Phú. Tỷ lệ này được giữ nguyên trong nhiều năm qua. Trong báo cáo thường niên gần nhất mà An Phú công bố năm 2018, ngoài 2 cổ đông lớn trên còn có Công ty TNHH Thường Nhật và Công ty TNHH Đầu tư SATO nắm 24.61% và 6.86% vốn An Phú.

Ông Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Hồng Kông) hiện là người đại diện pháp luật, thành viên HĐQT và cổ đông của Alpha King (tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư Alpha King, sau này đổi tên thành CTCP Phát triển Bất động sản Alpha King, có trụ sở chính tại số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM).

Ngoài Tân Hiệp và Hiệp Phúc, An Phú còn có 1 cổ đông sáng lập khác là Công ty TNHH MTV An Phú, tuy nhiên đã thoái toàn bộ 7.52% vốn vào năm 2015.

Cơ cấu lãnh đạo HĐQT An Phú năm 2015 cũng cho thấy có một số cá nhân liên quan đến SCB và Viva Land nắm giữ chức vụ. Cụ thể, ông Võ Thanh Hùng (khi đó là thành viên HĐQT SCB) giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc An Phú, ông Chiu Bing Keung Kenneth (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Savico - Vivaland) làm thành viên HĐQT.

Ngoài ra, An Phú còn có Thành viên HĐQT không điều hành Trương Văn Dũng - khi đó là Chủ tịch HĐQT CTCP Tân Hiệp; Thành viên BKS CTCP Đầu tư Tân Thành Long An; Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Thuận Phát và CTCP Phú Châu. Tuy nhiên đến năm 2016, toàn bộ thành viên HĐQT, BKS đều được thay thế.

Ngoài ra, trong cơ cấu tài sản hơn ngàn tỷ của An Phú cho thấy có nhiều khoản phải thu, phải trả, đầu tư dài hạn liên quan đến nhóm Vạn Thịnh Phát.

Cụ thể, tại ngày 30/09/2022, Công ty có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn 21 tỷ đồng từ CTCP Phát triển Bất động sản Vạn An Phát, 3 tỷ đồng từ CTCP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn. Khoản phải thu ngắn hạn khác gần 69 tỷ đồng từ ông Ngô Văn Khánh (khoản này xuất hiện vào đầu năm 2017 với giá trị gần 285 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng cổ phần SCB).

Khoản phải thu ngắn hạn khác từ ông Ngô Văn Khánh xuất hiện vào đầu năm 2017 với giá trị gần 285 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng cổ phần SCB (Nguồn: BCTC 2017 của An Phú)

Khoản phải thu ngắn hạn khác từ ông Ngô Văn Khánh tính đến cuối tháng 09/2022

Chiếm nhiều nhất trong cơ cấu tài sản của An Phú là các khoản đầu tư tài chính dài hạn với hơn 1,065 tỷ đồng, An Phú dự phòng hơn 130 tỷ đồng, con số dự phòng đầu năm chỉ khoảng 8 tỷ đồng. Các khoản đầu tư này gồm 471 tỷ đồng tại CTCP Phát triển Nhà châu Á Thái Bình Dương, 355 tỷ đồng tại CTCP Dịch vụ Chợ Lớn, 112 tỷ đồng tại CTCP Du lịch Bến Thành, 126 tỷ đồng tại CTCP Khách sạn Sài Gòn.

Ngoài ra, An Phú còn có khoản phải trả ngắn hạn hơn 41 tỷ đồng đối với CTCP Đầu tư An Đông.

Những dự án của An Phú

Hiện An Phú là chủ đầu tư của Khu phức hợp cao ốc văn phòng và căn hộ cho thuê - An Phú Plaza tại số 117 - 119 Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3, TPHCM. Đây là dự án đồng hợp tác với cổ đông sáng lập Công ty TNHH MTV An Phú. Tại ngày 30/09, Công ty còn hơn 6 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ dự án và 129 tỷ đồng phải thu dài hạn khác đối với cổ đông sáng lập này.

Bên cạnh đó, Công ty còn có 1 số dự án như khu căn hộ An Phú số 961 Hậu Giang, phường 11, quận 6, TPHCM; tổng diện tích 1ha, quy mô 616 căn hộ. Được biết, hoạt động kinh doanh khu căn hộ đã hoàn tất; hiện tại Công ty chỉ quản lý, khai thác phần diện tích của chủ đầu tư tại khu căn hộ.


Khu nhà liền kề An Phú Tiền Phong tại đường Nguyễn Trọng Quyền, quận Tân Phú quy mô 3,200m 2 với 22 căn nhà liên kế.

Dự án Regency Park tại liên tỉnh lộ 25B phường An Phú, quận 2, TPHCM; quy mô 25 tầng. Đây là dự án được đầu tư theo hình thức liên doanh giữa CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ An (một Công ty liên kết với An Phú) với Công ty Allgreen, Singapore và đã được cấp giấy phép đầu tư vào tháng 11/2007 với tổng mức đầu tư là 106 triệu USD.

Khu biệt thự sân Golf Sealinks ở Mũi Né, Phan Thiết. An Phú sở hữu và khai thác cho thuê 19 căn biệt thự tại dự án và được ủy quyền quản lý khai thác 22 căn.

Khu biệt thự An Phú khai thác ở Mũi Né

Bên cạnh đó, An Phú còn đảm nhận vai trò nhà tư vấn phát triển một số dự án như:


Tòa nhà văn phòng Savico tại số 277-279 Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM; diện tích 450m 2 do CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) làm chủ đầu tư: An Phú giữ vai trò là nhà tư vấn phát triển dự án. Tuy nhiên từ năm 2016, sau khi thay đổi toàn bộ HĐQT và BKS, trong các báo cáo của An Phú đã không còn nhắc đến tên dự án này.


Dự án căn hộ 15 tầng Elegant Residences tại số 6/4 - 6/8 - 8 Hưng Long và 189/8 Đào Duy Từ, phường 6, quận 10, TPHCM; diện tích đất 1,800m 2 ; chủ đầu tư là CTCP An Đông.

Khu công nghiệp Nam Thuận 347 ha tại Long An.

Khu công nghiệp Việt Phát 1,214ha tại Long An; chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Tân Thành Long An. Liên quan đến chủ đầu tư khu công nghiệp này, năm 2021, Tân Thành Long An phát hành 5,000 tỷ đồng trái phiếu (kỳ hạn 5 năm, lãi suất áp dụng 2 năm đầu là 10%/năm, những năm sau lãi suất = 4.5% + lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi năm đó và không thấp hơn 10%/năm). Tổ chức tư vấn và đại lý phát hành, đại diện sở hữu trái phiếu là TVSI. Ngân hàng quản lý tài khoản, tài sản đảm bảo là SCB.

Toàn bộ số tiền thu được dùng để đầu tư, phát triển dự án khu công nghiệp Việt Phát. Đồng thời, tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là động sản và bất động sản liên quan tới và/hoặc phát sinh từ khu đất có diện tích hơn 295 ha thuộc dự án khu công nghiệp Việt Phát và tài sản đảm bảo khác (nếu có).

Đầu tư Tân Thành Long An có vốn điều lệ 2,025 tỷ đồng, trong 3 năm liền kề trước thời điểm phát hành, giai đoạn 2018 - 2020, Tân Thành Long An đều kinh doanh thua lỗ. Năm 2015, thành viên BKS công ty là ông Trương Văn Dũng có 1 ghế trong HĐQT An Phú.

Thu Minh

Chia sẻ Facebook