Thấy gì từ đợt giảm lãi suất mới đây?
Điều này cho thấy dù khung lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đã giảm mạnh trong đợt vừa qua, nhưng lãi suất cho vay đối với các khách hàng đang vay vốn tại các ngân hàng có được giảm theo hay không cần phải được quan sát thêm. Bởi khi lãi suất cơ sở vẫn được giữ nguyên, khả năng lãi suất cho vay áp dụng cho các khách hàng vay vốn hiện hữu cũng khó có thể thay đổi ngay.
Thấy gì từ đợt giảm lãi suất mới đây?
Dù khung lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đã giảm mạnh trong đợt vừa qua, nhưng lãi suất cho vay đối với các khách hàng đang vay vốn tại các ngân hàng có được giảm theo hay không cần phải được quan sát thêm.
Có gì đáng chú ý?
Từ ngày 06/3, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm mạnh lãi suất tiền gửi trên thị trường dân cư. Thống kê cho thấy đã có xấp xỉ 30 ngân hàng tham gia đợt giảm này, với mức giảm phổ biến từ 0.2- 0.5%, chủ yếu cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, thậm chí có nhà băng giảm từ 0.7% đến 0.8%. Đây có thể xem là đợt giảm lãi suất mạnh nhất trong hơn 2 năm trở lại đây.
Dù vậy, một đặc điểm đáng lưu ý là tuy các ngân hàng giảm đồng loạt lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, nhưng riêng kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng được phần lớn các ngân hàng giữ nguyên. Đơn cử như nhóm Big 4 gồm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tuy giảm 0.2% ở các kỳ hạn 6-11 tháng và từ 13 tháng trở lên, nhưng đối với kỳ hạn 12 tháng vẫn 7.4%.
Tương tự, nhiều NHTM cổ phần cũng giữ nguyên lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng, dù đang duy trì ở mức cao sau nhiều lần điều chỉnh tăng trong năm ngoái, dẫn đến chênh lệch giữa lãi suất ở kỳ hạn này và các kỳ hạn khác dưới 12 tháng tiếp tục nới rộng, mà có thể dẫn đến dòng tiền gửi tiết kiệm thời gian tới tập trung vào kỳ hạn này để tối ưu hóa lợi ích.
Xu hướng này đưa đến hàm ý các ngân hàng có lẽ đánh giá dù lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể gần đây, nhưng trong tương lai có thể đi lên trở lại khi đối mặt với những áp lực mới, từ câu chuyện lạm phát vẫn dai dẳng, khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kéo dài lộ trình tăng lãi suất với các đợt tăng mạnh hơn so với những dự báo trước đây. Cụ thể mới đây nhất chủ tịch Fed Jerome Powel lại đưa ra quan điểm rất “diều hâu”, khi tuyên bố cơ quan này sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay trở lại nếu các dữ liệu kinh tế tiếp tục mạnh hơn dự báo.
Theo đó, việc các ngân hàng giữ lãi suất ở kỳ hạn dài 12-13 tháng được cho nhằm để tăng cường huy động nguồn vốn trung dài hạn, tích lũy lượng vốn ổn định, bền vững để phục vụ các chiến lược kinh doanh dài hơi, cũng như hạn chế rủi ro lãi suất trong trường hợp xu hướng lãi suất tiếp tục đi lên trong tương lai.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy với các kỳ hạn dài trên 13 tháng, một số ngân hàng cũng không ngại giảm mạnh tay trong đợt điều chỉnh vừa qua, dẫn đến lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn dài này hiện đã xuống mức thấp hơn kỳ hạn 13 tháng, thậm chí chỉ tương đương với các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng. Do đó, việc cho rằng các ngân hàng đang muốn tăng cường nguồn vốn trung dài hạn để tránh rủi ro lãi suất cũng không thật sự chắc chắn.
Nguyên nhân cốt lõi?
Có lẽ lý do quan trọng nhất giải thích cho việc giữ nguyên lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng tùy ngân hàng, chính là vì hầu hết các ngân hàng hiện nay đang sử dụng lãi suất tiền gửi ở 1 trong 2 kỳ hạn này làm lãi suất cơ sở đầu vào để tính toán lãi suất cho vay với khách hàng. Trong khi biên độ cộng lãi suất thường được giữ cố định từ 3-4%, nên khi lãi suất cơ sở thay đổi sẽ tác động trực tiếp lên chính sách lãi suất cho vay của các nhà băng.
Trong khi đó, việc một số ngân hàng triển khai các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất từ đầu năm đến nay, điều kiện chỉ áp dụng cho những khách hàng mới trong một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định, với thời gian ưu đãi lãi suất thấp hơn khung lãi suất thông thường trong một thời hạn nhất định. Đây cũng là chiến lược kinh doanh phổ biến của các nhà băng từ trước đến nay, cho vay ban đầu với lãi suất thấp hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút, lôi kéo khách hàng vay vốn.
Về phía các ngân hàng, với lượng tiền gửi huy động được trong những tháng qua tại mức lãi suất huy động cao, đẩy chi phí vốn tăng vọt lên, nên dù đã giảm lãi suất huy động trở lại gần đây nhưng rõ ràng sẽ chưa thế kéo chi phí vốn giảm xuống ngay lập tức. Chính vì vậy, các ngân hàng có lẽ sẽ cần thêm thời gian để nhìn thấy chi phí vốn thật sự giảm xuống, nên trước mắt sẽ cần giữ lãi suất cho vay bằng cách giữ lãi suất cơ sở, mà ở đây chính lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng.
Lý do quan trọng nhất giải thích cho việc giữ nguyên lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng tùy ngân hàng, chính là vì hầu hết các ngân hàng hiện nay đang sử dụng lãi suất tiền gửi ở 1 trong 2 kỳ hạn này làm lãi suất cơ sở đầu vào để tính toán lãi suất cho vay với khách hàng. Trong khi biên độ cộng lãi suất thường được giữ cố định từ 3-4%, nên khi lãi suất cơ sở thay đổi sẽ tác động trực tiếp lên chính sách lãi suất cho vay của các nhà băng. |
Ngoài ra, với nhóm Big 4 gồm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của nhóm này tham cũng đang được sử dụng để tham chiếu đến rất nhiều loại lãi suất ở các sản phẩm khác. Ví dụ như các trái phiếu do các ngân hàng, doanh nghiệp phát hành hiện cũng quy định lãi suất thả nổi theo lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của 4 nhà băng này cộng với một biên độ nhất định.
Dĩ nhiên cũng sẽ có ý kiến cho rằng việc các ngân hàng giữ nguyên lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng sẽ khuyến khích khách hàng gửi tiền vào các kỳ hạn này, khi đó chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng này không những không giảm mà còn chịu áp lực tăng lên. Tuy nhiên cũng cần biết rằng hiện nay không ít ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi cao ở kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng nhưng chỉ áp dụng cho những khoản tiền gửi có giá trị nhất định, như từ 100 tỷ trở lên, 200 tỷ trở lên hay 500 tỷ trở lên. Do đó, có lẽ ít có khách hàng nào đủ điều kiện để hưởng mức lãi suất cao như vậy, mà mức lãi suất cao này chủ yếu được sử dụng để làm lãi suất cơ sở tính toán lãi suất cho vay như đã nói.
Đáng lưu ý số liệu thống kê cho thấy trong 2 tháng đầu năm nay, chỉ có 37.9 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm đến 11.2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51.4 ngàn doanh nghiệp, tăng 14.5%, cho thấy những khó khăn và rủi ro mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu.
Vì vậy, với những khách hàng đang vay vốn, không chỉ doanh nghiệp mà cả khách hàng cá nhân, sau những đợt bị điều chỉnh tăng lãi suất cho vay từ năm ngoái đến năm nay, hiện áp lực tài chính, chi phí trả lãi vay là đáng kể. Nếu lãi suất vay không sớm được điều chỉnh giảm, nguy cơ thêm nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp hoạt động hoặc thậm chí phá sản trong giai đoạn tới là hiển hiện, khi đó các ngân hàng có thể phải đối mặt với nợ xấu gia tăng.
Phan Thụy