Thay đổi điều kiện hưởng lương hưu
Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình việc thay đổi điều kiện hưởng lương hưu ở cả khía cạnh nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ của bảo hiểm xã hội, liệu có tạo điều kiện cho người lao động nhiều lần “rút bảo hiểm một lần” không?
Ủy ban Xã hội đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó có đề cập đến điều kiện hưởng lương hưu (Điều 71).
Theo đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45 – 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Ủy ban Xã hội cho biết, về quy định này, có hai loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm vì sẽ hấp dẫn người lao động hơn. Cũng như tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH sẽ tăng trong trung và dài hạn, cải thiện tính công bằng, đặc biệt với lao động có thu nhập thấp và không thường xuyên.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu nhận được không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, đảm bảo mức sàn an sinh xã hôi nhất định. Việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu chỉ là 15 năm để được hưởng lương hưu là đi ngược so với xu hướng các lần sửa đổi Luật BHXH trước đây và có phần chưa phù hợp với mô hình BHXH hiện nay của Việt Nam, thực chất chỉ giảm số năm đóng BHXH đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm và mức hưởng (mức hưởng 15 năm đối với nam chỉ còn 33,75%, trong khi đó nữ vẫn là 15 năm và mức hưởng là 45%).
Thậm chí, việc điều chỉnh tỷ lệ về mức hưởng lương hưu đối với nam khi giảm thời gian đóng xuống 15 năm có phải là thay đổi về phương thức tính lương hưu hay không? Tính phù hợp với và bảo đảm công bằng, chia sẻ trong hệ thống BHXH? Bên cạnh đó, khi thông qua Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu đã được tăng theo lộ trình để đạt nam 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035, khi đó, Chính phủ giải trình và cho rằng để nhằm đạt mục tiêu bù đắp suy giảm lực lượng lao động do xu hướng già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh ở Việt Nam; đồng thời góp phần tăng thời gian tham gia BHXH, giúp bảo đảm cân bằng Quỹ BHXH trong dài hạn. Ngoài ra, Điều 30 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định về việc giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống còn 15 năm là phù hợp với quan điểm định hướng của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, cũng là ý kiến của một số cơ quan của Quốc hội khi tham gia thẩm tra dự án Luật;
Việc giảm số năm đóng BHXH là nhằm tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 tuổi đến 55 tuổi), thậm chí kể cả đối với một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ BHXH một lần có thể tham gia hoặc quay lại tham gia BHXH để được hưởng lương hưu;
Với việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH; Việc giảm điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí sẽ góp phần thúc đẩy tính liên kết đa tầng, linh hoạt của hệ thống;
Và cho dù trong trường hợp khi hưởng mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng BHXH tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng. Và trong thời gian hưởng lương hưu còn được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế, khi mất thì có chế độ tiền tuất thì sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.
Tuy nhiên, để có cơ sở vững chắc khi lựa chọn phương án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ cần phải giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi điều kiện hưởng lương hưu ở cả khía cạnh nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ của BHXHi, khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu ra sao khi sửa đổi luật lần này và liệu có tạo điều kiện cho người lao động nhiều lần 'rút bảo hiểm một lần' không?