Thấy cộm mắt, người phụ nữ đi khám bất ngờ phát hiện "sinh vật lạ" trong mắt

Chia sẻ Facebook
09/11/2023 03:35:11

Một người phụ nữ thấy mắt của mình có hiện tượng đau, cộm, nhìn mờ, sau khi kiểm tra, bác sĩ bất ngờ phát hiện trong mắt của người bệnh có giun còn sống.

Mới đây, đại diện Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ Khoa Mắt của đơn vị đã tiến hành gắp 1 con giun dài 10cm còn sống trong mắt nữ bệnh nhân quê huyện Thủy Nguyên (Tp.Hải Phòng).


Theo báo Sức khỏe & Đời sống , người bệnh đến Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí khám với triệu chứng đau mắt, cộm, nhìn mờ. Sau khi tiến hành kiểm tra, các bác sĩ phát hiện có một con giun trong mắt của người bệnh.

Theo đó, các bác sĩ đã cẩn trọng dùng dụng cụ chuyên dụng gắp con giun sán ra ngoài. Việc giun, sán ở trong mắt lâu dần sẽ gây ra viêm, chảy nước mắt, cộm ngứa. Nếu để lâu không được phát hiện và lấy ra sẽ khiến cho người bệnh nhìn mờ, khó khăn trong sinh hoạt.

Cũng theo bác sĩ Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, nguyên nhân khiến người bệnh mắc giun, sán có thể từ đồ ăn, tay chân tiếp xúc với ấu trùng hoặc cũng có thể bị lây từ chó, mèo.

Để tránh nhiễm các loại giun, sán nói chung, mọi người cần ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ, vệ sinh môi trường sống xung quanh, tẩy giun định kỳ và hạn chế tiếp xúc với chó, mèo…

Con giun dài 10cm được bác sĩ gắp ra khỏi mắt của người bệnh.

Theo các bác sĩ, những dấu hiệu gợi ý bị mờ mắt do nhiễm giun, sán và cần đến bệnh viện sớm để thăm khám gồm:

- Mờ mắt kéo dài không rõ nguyên nhân, mờ mắt có tính chất tái đi tái lại;

- Mờ mắt nhưng không đau, không viêm đỏ;

- Mắt cộm, ngứa mắt;

- Nhìn mờ cảm giác như nhìn qua sương mù, nhìn thấy nhiều bóng đen (hiện tượng ruồi bay);

- Đôi khi kèm theo dấu hiệu toàn thân như mệt mỏi, mẩn ngứa da, nổi mề đay dị ứng.

Để phát hiện bản thân có nhiễm giun sán hay không, cần phải làm các xét nghiệm chuyên sâu để phát hiện ấu trùng giun sán.


Phòng bệnh giun sán


Theo báo Tuổi Trẻ , để đề phòng bệnh giun sán, điều quan trọng là phải tuyệt đối giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch, nhất là trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi cho trẻ ăn, sau khi vệ sinh cho trẻ…

Vệ sinh tay chân luôn sạch, cắt móng tay, không đi chân đất, vì ấu trùng giun móc ở ngoài đất có thể đi xuyên qua da kẽ chân để vào máu, vào phổi, vào ruột và sinh sống tại đó và gây bệnh. Quần áo của người mắc giun nên thay giặt thường xuyên, ngâm nước sôi hoặc phơi chỗ có nắng nhiều cho chết trứng giun.

Phân của trẻ có giun cũng cần phải được xử lý, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Đối với trẻ nhỏ, không để trẻ lê la dưới đất, nhất là không mặc quần thủng đít; Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em trên 2 tuổi và người lớn.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook