Thập trường sinh đồ: Khát vọng trường thọ của phương Đông

Chia sẻ Facebook
02/02/2023 20:05:48

Ước muốn có một cuộc sống hạnh phúc và trường sinh luôn là khát vọng của loài người từ cổ chí kim, không phân biệt đẳng cấp, dân tộc, quốc gia và xuyên suốt mọi nền văn hóa từ Đông sang Tây. Mong ước đó được gửi gắm trong rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật ở mọi khía cạnh của cuộc sống như: kiến trúc, tranh, trang trí đồ gỗ, hàng may mặc và các vật dụng trang trí khác.

Một phần của bình phong “Thập trường sinh đồ” (Tranh qua Neh.govk, Public Domain)


Tại Hàn Quốc, có rất nhiểu tác phẩm về chủ đề trường thọ vào triều đại Cao Ly (918-1392) và Triều Tiên (1392-1910). Nguyên nhân là vì từ thế kỷ thứ 5, Đạo giáo từ Trung Hoa đã du nhập vào Triều Tiên. Cốt lõi của Đạo giáo là niềm tin về sự hòa hợp giữa con người và vũ trụ sẽ mang đến sự trường sinh. Do đó, sau khi Đạo giáo xuất hiện trong nền văn hóa Triều Tiên, việc sử dụng các biểu tượng của sự trường thọ trong nghệ thuật đã trở nên hết sức phổ biến, đặc biệt trong đó phải kể tới “Thập trường sinh đồ”.

Một bức “Thập trường sinh đồ” (Tranh qua Pinterest, Public Domain)


“Thập trường sinh đồ” là một dòng tác phẩm sử dụng 10 biểu tượng độc đáo trong nền văn hóa phương Đông để khắc họa khát vọng hạnh phúc và trường thọ. Điểm độc đáo của nó là ở chỗ, trong khi tại Trung Quốc và Nhật Bản, các biểu tượng của sự trường thọ thường xuất hiện riêng lẻ hoặc theo các nhóm nhỏ 3 hay 4 biểu tượng, thì ở Triều Tiên, 10 biểu tượng lại cùng xuất hiện bên trong một tác phẩm.

Bức “Tuế Hàn Tam Hữu” vẽ “Tùng, Tre, Mận” của họa sỹ Triệu Mạnh Kiên đời nhà Tống. (Tranh: Wikiwand, Public Domain)

Thập trường sinh đồ


“Thập Trường Sinh đồ” khắc họa một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng đầy thơ mộng với những ngọn núi đá sừng sững, thác nước uốn lượn, rừng cây nguyên thủy. Đó là môi trường sống an toàn ấm cúng cho nhiều loài động vật. Những con hạc đang đứng trên ngọn cây hoặc bay cao giữa những đám mây, thưởng ngoạn cảnh mặt trời lặn. Bên dưới tán tùng cổ thụ là những cây nấm và tre mọc khắp nơi. Một đàn hươu lang thang trong khu rừng để tìm kiếm thức ăn ở bên phải, còn bên trái là đàn rùa đang bơi lội. Điểm xuyết ở hai bên của bức tranh là những cây đào trĩu quả.

Bức bình phong “Thập trường sinh đồ”. (Tranh qua Neh.gov, Public Domain)

Nổi bật trong bức họa là 10 biểu tượng của sự trường thọ, những biểu tượng này xuất hiện trong rất nhiều loại hình nghệ thuật của Hàn Quốc, bao gồm đồ gốm, đồ gỗ, đồ thêu và vật dụng hay vũ khí kim loại. Theo các tài liệu lịch sử, các vị vua Triều Tiên thường cùng quần thần tặng nhau những bức tác phẩm này vào đầu năm mới, thường là ở dạng bình phong. Chúng sẽ được đặt phía sau ghế của gia đình hoàng gia trong các buổi lễ quan trọng như một biểu tượng của sự may mắn và lộng lẫy.

Ý nghĩa của 10 biểu tượng trường thọ


Dưới đây là ý nghĩa của 10 biểu tượng bên trong “Thập trường sinh đồ” :


1. Cây tùng


Tùng là một trong những biểu tượng về sự trường thọ phổ biến nhất ở phương Đông. Loại cây này mọc tại những mỏm núi chênh vênh, chịu nhiều sương gió, bão tuyết mà không chết không đổ, mọc ở những nơi khô cằn, đất thiếu dinh dưỡng, nhưng sức sống của cây thì rất mãnh liệt, luôn vươn thẳng lên trời. Tùng vẫn xanh ngắt dù trong những mùa đông khắc nghiệt nhất, thể hiện sự kiên cường, sức chịu đựng và sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh. Lớp vỏ xù xì của cây tùng được ví với da của những bậc lão niên. Một số đạo sĩ còn tin rằng uống được nhựa của cây tùng ngàn tuổi thì sẽ thọ “sánh cùng nhật nguyệt”.


2. Mặt trời

Mặt trời mọc là biểu tượng của sự mới mẻ cũng như trường tồn lâu dài. Theo triết học phương Đông, mặt trời và mặt trăng đại diện cho hai lực lượng bổ sung nhưng đối lập nhau là dương và âm. Mặt trời là thuần dương, đem lại ánh sáng và duy trì sự sống cho vạn vật.


Hạc trong văn hóa phương Đông từ lâu đã được coi là loài vật mang lại điềm lành, tượng trưng cho sự trường thọ. Mang trong mình những phẩm chất cao quý, hạc được người đời xưng tụng là “nhất phẩm điểu” . Danh hiệu ấy có liên quan đến đức tính của chim hạc. Hạc đi lại có quy tắc, giống như quân tử; trong sạch thuần khiết; tiếng kêu thánh thót, sánh với nhân tài. Trong một số truyện cổ phương Đông, chúng được cho là có thể sống đến năm trăm năm. Hạc sống kết đôi với nhau, do đó chúng là biểu tượng của sự hòa hợp, mong muốn một cuộc hôn nhân vững bền và hạnh phúc, cũng như kính trọng ông bà tổ tiên. Trong Đạo giáo, hạc là một linh vật, thường là vật cưỡi của các bậc thần tiên.


4. Nước


Là một biểu tượng của cuộc sống cùng sự sung túc và đầy đủ, nước gắn với sự bền bỉ lâu dài theo thời gian. Theo Đạo gia, nước là một trong ngũ hành, nó cùng với kim, mộc, hỏa, thổ tạo nên vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Lão Tử viết trong Đạo Đức Kinh rằng: “Thiên hạ mạc nhu nhược vu thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng: kì vô dĩ dịch chi” nghĩa là trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước, thế mà nó lại có thể phá được tất cả những gì cứng rắn, không gì hơn nó, chẳng có gì thay thế được nó.

Núi là biểu tượng của sự vững vàng và vĩnh cửu. Chúng đứng đó sừng sững theo thời gian, là nơi cỏ cây sinh ra, chim muông nảy nở, tạo thêm nhiều sức sống cung cấp cho bốn phương. Hơi thở của những ngọn núi được tin là điều thúc đẩy nên sự sống trong vũ trụ. Theo Đạo gia, núi là nơi cư ngụ của các vị tiên nhân trong truyền thuyết. Tại Hàn Quốc và Trung Quốc, những nghi lễ quan trọng được cử hành trên núi và đỉnh núi cao nhất tượng trưng cho hoàng đế.


Mây chứa đựng trong nó yếu tố vô cùng cần thiết để duy trì sự sống, đó chính là nước. Mây đem nước đến từng ngóc ngách trên thế giới bằng những cơn mưa. Khi mây nằm quanh đỉnh núi, chúng tượng trưng cho sự kết hợp giữa âm và dương, nhu và cương, động và tĩnh. Khi ở trạng thái xoắn ốc, chúng chứa “khí” của Đạo gia, là hơi thở của cuộc sống. Hình dạng của mây trong một số bức tranh giống với hình dáng của nấm trường sinh, cũng làm người ta liên tưởng đến sự trường thọ.


7. Hươu


Truyền thuyết kể rằng loài hươu được sinh ra từ ánh hào quang của những viên ngọc quý, nên nó có thể mang lại những điều tốt lành cho người hữu duyên. Hươu được coi là vật đồng hành của Thọ Lão, một vị thần tượng trưng cho sự trường thọ trong Đạo gia. Loài vật này được ban tặng khả năng tìm ra nơi sinh trưởng của nấm trường sinh, một loại nấm trong huyền thoại rất khó tìm kiếm. Theo truyền thuyết, loại nấm này sinh trưởng ở những vùng núi non hiểm trở mà con người không thể tiếp cận. Theo truyền thuyết của Đạo gia, hươu có thể sống hơn 1000 năm và khi sống được khoảng 500 năm thì màu lông của hươu dần chuyển sang màu trắng, cho đến khi hoàn toàn trở thành hươu trắng. Hươu trắng là một sinh vật trong truyền thuyết của nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây, thường xuất hiện cùng các bậc tiên nhân. “Bạch Lộc Đàm” trên đảo JeJu ở Hàn Quốc được cho là nơi mà các vị thần đến để “tắm và uống sữa hươu trắng”. Trong Đại Việt sử ký toàn thư hay Sử ký Tư Mã Thiên đều ghi lại việc dâng hiến hay bắt được hươu trắng đem về dâng cho thiên tử, dù không rõ đây là ẩn dụ về một sự việc tốt lành xảy ra hay là sự thật.

Với tuổi thọ rất dài, rùa là loài vật biểu tượng cho sự trường thọ, sinh lực và sức chịu đựng. Trong văn hóa phương Đông, rùa được xem là linh vật chống đỡ thế giới. Mai rùa hình tròn tượng trưng cho bầu trời, bụng rùa bằng phẳng tượng trưng cho mặt đất, bốn chân rùa theo truyền thuyết tượng trưng cho bốn cực của thế giới. Trong thần thoại Hàn Quốc, rùa được coi là sứ giả truyền tin dưới nước, tương ứng với nó là hổ, sứ giả truyền tin trên núi. Trong tấm bình phong này, ta thấy hình ảnh đàn rùa có các luồng hơi thở phát ra từ miệng, có thể chính là những thông điệp thiêng liêng mà chúng cần truyền đạt.


9. Nấm trường sinh

Nấm trường sinh là một loại nấm thần trong truyền thuyết, nghe nói sẽ đem đến sự trường sinh cho người nào may mắn ăn được nó. Nấm này được sinh ra từ các gốc cây sinh trưởng tại nơi cư ngụ của các vị tiên nhân trên núi cao, chỗ có nhiều linh khí tụ tập. Cũng theo truyền thuyết, loại nấm trường sinh này chỉ có thể được tìm thấy bởi hươu, hạc hoặc phượng hoàng.


10. Đào


Quả đào cũng là có nguồn gốc từ xa xưa, đào vốn là thức ăn của thần tiên và có tên gọi là đào tiên hoặc quả bàn đào. Trong Sơn Hải kinh có ghi chép về quả đào, đây là ghi chép đầu tiên về đào tiên. Trong những truyền thuyết thần thoại, đào tiên là hoa quả mà thần tiên thường dùng để đãi khách. Tây Du Ký mô tả rằng trong vườn đào của Vương Mẫu nương nương “có ba nghìn sáu trăm gốc cây. Phía trước có 1.200 gốc cây, quả còn bé, ba ngàn năm mới chín, người thường mà ăn vào thì liền đắc đạo thành tiên, thân thể nhẹ nhàng thoải mái. Ở giữa là 1.200 gốc cây, chi chít quả, sáu ngàn năm mới chín, người ăn vào sẽ nhẹ nhàng bay lên, trường sinh bất lão. Phía sau là 1.200 gốc cây, quả màu vàng tím nhạt, chín ngàn năm mới chín, người ăn vào sẽ trường thọ cùng với trời đất”.


Huy Minh


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook