Tháp Nhạn: Kiến trúc cổ gắn liền với pháp sư Đường Huyền Trang

Chia sẻ Facebook
23/11/2022 13:44:41

Tháp Nhạn: Kiến trúc cổ gắn liền với pháp sư Đường Huyền TrangAn Hòa •Thứ tư, 23/11/2022

(Ảnh: John Hill, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Tháp Nhạn được xây dựng trong chùa Từ Ân. Vào năm Trinh Quán thứ 22, Hoàng thái tử Lý Trị vì muốn cầu phúc cho người mẹ đã mất của mình là Trưởng Tôn Hoàng Hậu nên đã thỉnh tấu lên Hoàng đế Đường Thái Tông cho xây dựng một ngôi chùa và đặt tên là chùa Từ Ân. Ngôi chùa hoàng gia này tọa lạc tại ngoại thành phía nam của thành Trường An.

Lúc ấy, pháp sư Đường Huyền Trang đi Tây Trúc thỉnh kinh trở về được 3 năm. Sau khi chùa Từ Ân xây dựng xong, thái tử Lý Trị đã thỉnh mời pháp sư Đường Huyền Trang làm sư trụ trì nhà chùa. Thái tử đã chuẩn bị 50 cỗ xe quý để nghênh đón các nhà sư và hộ tống kinh sách, tượng Phật, xá lợi về chùa. Hoàng đế Đường Thái Tông mặc long bào, đích thân đến cổng thành An Phúc, tay cầm lư hương cúi chào chúng tăng mãi cho đến lúc toàn bộ kinh sách, Phật tượng và các nhà sư đi qua.


Trong năm ấy, pháp sư Đường Huyền Trang đã dịch bộ “Du già sư địa luận” , trình lên Hoàng đế Đường Thái Tông ngự lãm. Hoàng đế sau khi xem xét một cách cẩn thận và tỉ mỉ thì cảm thấy bộ kinh vô cùng cao thâm. Hoàng đế hạ lệnh cho sao chép ra thành 9 bộ, giao cho 9 tổng quản để phổ truyền rộng rãi Phật Pháp. Vì để kỷ niệm sự kiện trọng đại này, Hoàng đế Đường Thái Tông đã đích thân viết bài tựa là “Đại Đường tam tàng thánh giáo tự” . Lúc ấy, Hoàng thái tử Lý Trị cũng tự mình soạn ra “Thuật Thánh kí” . Toàn bộ hai cuốn được đặt tên là “Đại đường tam tàng thánh giáo tự kí”.

Năm Trinh Quán thứ 23, Hoàng đế Đường Thái Tông mất, Thái tử Lý Trị lên ngôi vua, chính là Hoàng đế Đường Cao Tông, thay niên hiệu thành Vĩnh Huy. Năm Vĩnh Huy thứ 2, pháp sư Huyền Trang đã cho xây dựng một tòa tháp ở bên trong chùa Từ Ân dùng để cất giữ kinh thư chữ Phạn cổ, cũng là để phòng tránh nguy cơ bị hỏa hoạn cháy mất, được gọi là Tháp Nhạn.


Trong những bài thơ lưu truyền đời Đường, việc dùng Tháp Nhạn để chỉ Phật tháp là rất phổ biến. Có nhiều cách giải thích về việc đặt tên tháp là Tháp Nhạn, trong đó phổ biến cho rằng tên Tháp Nhạn được đặt dựa theo một câu chuyện xảy ra ở Tây Vực.


Vào thời Ấn Độ cổ, trong thành Vương Xá có một tòa tháp có tên được phiên dịch ra là “Tăng Sa tốt đổ ba “. “Tăng Sa” có nghĩa là chim Nhạn, “tốt đổ ba” trong tiếng Ấn Độ cổ ý chỉ ngôi mộ.


Khi pháp sư Huyền Trang đi đến thành Vương Xá đã chiêm ngưỡng và lễ bái Phật tháp, đồng thời hỏi người ở đó về lai lịch của “Tăng Sa tốt đổ ba”. Người ta kể rằng xưa kia ở nơi này có kiến tạo một ngôi chùa. Căn cứ theo giới luật của tiểu thừa Phật giáo, các tăng nhân có thể ăn thịt. Một hôm, chúng tăng đi hóa duyên nhưng không xin được đủ đồ ăn. Họ nhìn lên bầu trời và nhìn thấy một đàn chim nhạn đang bay qua. Trong đàn chim, có một con chim nhạn bay trước làm chim dẫn đàn. Một hòa thượng ngắm đàn chim, nói đùa rằng trưa nay không đủ đồ ăn, giá mà Bồ Tát biết được tiếng lòng của chúng ta. Vị hòa thượng kia vừa dứt lời thì con chim nhạn đầu đàn liền rơi xuống đất, chết ngay trước mặt các hòa thượng.


Người xuất gia không sát sinh, không ngờ một câu nói đùa mà một con chim lại chết. Các hòa thượng cảm thấy vô cùng bi thương. Họ cho rằng đó là điểm hóa của đức Phật nên đã ngừng ăn thịt. Họ cũng kiến tạo một ngôi mộ chôn con chim nhạn kia, chính là “Tăng Sa tốt đổ ba”.


Quay trở lại câu chuyện về Tháp Nhạn tại Trường An. Sau khi công trình này được xây dựng, vào năm Vĩnh Huy thứ 4, hai bia đá được điêu khắc trong tháp, sách sử gọi là “Nhị thánh tam tuyệt bi” . “Nhị thánh” là chỉ hai vị Hoàng đế triều Đường, tức Đường Thái Tông và Đường Cao Tông. “Tam tuyệt” trong Tháp Nhạn có ý chỉ 3 điều là “Đại Đường tam tàng thánh giáo tự” do Đường Thái Tông ngự soạn, “Thuật thánh ký” do thái tử Lý Trị đề soạn, và công đức của Đường Huyền Trang đi ngàn dặm để thỉnh kinh Phật và hoằng dương Phật Pháp. Hai tấm bia này vẫn được bảo tồn đến ngày nay, là kiệt tác của nghệ thuật khắc chữ.

(Ảnh: Chuyuss, Shutterstock)


Kể từ năm Thần Long thời Đường Trung Tông về sau, phàm là tân khoa tiến sĩ thi đậu thì trước tiên đều phải tham gia yến tiệc do Hoàng đế ban tặng, sau là lên Tháp Nhạn viết lời tưởng niệm lên vách tường của tháp. Mặc dù thư pháp của mỗi người là khác nhau, nhưng phong cách đều cao nhã và mộc mạc, rất có phép tắc.


Có ghi chép rằng vào những năm Hội Xương triều đại nhà Đường, Tể tướng Lý Đức Dụ đã chủ trương dừng yến tiệc và trừ bỏ một lượng lớn các đề danh ở Tháp Nhạn bởi vì ông vốn không xuất thân tiến sĩ. Trải qua những năm chiến loạn và nhiều lần sửa chữa, những lời đề danh này cũng bị mất đi nhiều.

Mặc dù vào những năm cuối triều Đường, đô thành Trường An gặp cảnh binh họa, phá hủy đến chùa chiền, thậm chí nhiều đền chùa bị đốt, nhưng Tháp Nhạn vẫn đứng vững trường tồn đến ngày nay. Du khách có thể trèo lên tháp và chiêm ngưỡng thắng địa lễ Phật, đồng thời tìm hiểu về pháp sư Đường Huyền Trang và cuộc đời của ông.


Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Mời xem video “Điều gì sẽ xảy ra nếu con người không có đức tin?”

Chia sẻ Facebook