Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy thị trường bất động sản Đà Nẵng phát triển
Kết thúc quý 1/2023, tình hình thị trường bất động sản tại Tp.Đà Nẵng đang khá ảm đạm, không có dự án mới được cấp phép, lượng giao dịch hạn chế.
Giao dịch sụt giảm
Theo báo cáo của Cục Thống kê Tp.Đà Nẵng, giá trị sản xuất của ngành xây dựng trong quý 1/2023 ước đạt 4.668 tỷ đồng, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, công trình nhà ở và công trình không để ở có mức giảm sâu nhất.
Việc tiếp cận các nguồn vốn vay không dễ dàng đối với các doanh nghiệp, hộ cá thể; những chồng chéo về các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng, đầu tư kinh doanh…, đang tạo ra những khó khăn nhất định cho hoạt động đầu tư các dự án bất động sản.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Hoàng cho hay, trong quý 1/2023, do bối cảnh chung của tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động nên thị trường bất động sản tại địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh bất động sản gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, huy động vốn khách hàng; tính thanh khoản thị trường thấp... dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thiếu vốn buộc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện dự án.
Trong quý, trên địa bàn thành phố không có dự án bất động sản mới được cấp phép xây dựng. Bên cạnh đó, do các nhà đầu tư và khách hàng nhỏ lẻ bị tác động chung của nền kinh tế làm giảm thu nhập nên có xu hướng tập trung chủ yếu vào tiêu dùng cấp thiết cho gia đình và cá nhân, tạm dừng việc mua bất động sản để ở hoặc đầu tư. Cùng với đó, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng, người dân có khoản tiền nhàn rỗi có xu hướng để tiền vào kênh gửi tiết kiệm nên số lượng giao dịch bất động sản sụt giảm rõ rệt...
Quý 1, số lượng giao dịch bất động sản trên địa bàn thành phố chỉ 1.460 căn (chung cư và nhà ở riêng lẻ), bằng 42,4% so với cùng kỳ năm 2022 (đầu năm 2022, thị trường bất động sản thành phố đã phục hồi với số lượng giao dịch trong quý 1, 2, 3 tăng ổn định so với cùng kỳ năm 2021, nhưng từ quý 4 năm 2022, số lượng giao dịch sụt giảm rõ rệt đến nay).
Trong quý 1 năm nay, trên địa bàn thành phố cũng chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được mở bán với 82 căn. Hiện trên địa bàn thành phố có 25 dự án phát triển nhà ở đang triển khai với tổng cộng 8.792 căn; trong đó có 4 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với tổng cộng 605 căn hộ đủ điều kiện mở bán trong quý 1-2023. Bên cạnh đó, có 5 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 4.500 căn hộ đang triển khai xây dựng...
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Đà Nẵng Trần Văn Hoàng cho biết Sở đã chủ động yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa vào mở bán các căn hộ chung cư, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của các đối tượng theo quy định. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở yêu cầu các chủ đầu tư triển khai tiến độ dự án theo đúng kế hoạch, chỉ thực hiện giao dịch tại các dự án bất động sản đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng Tp.Đà Nẵng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động kinh doanh bất động sản; thường xuyên cập nhật, công khai thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản để minh bạch thông tin đến người dân.
Bên cạnh đó, Sở sẽ tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu có việc môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.
Tháo gỡ nút thắt pháp lý
Trong tháng 2/2023, Cục Thuế thành phố Đà Nẵng có thông báo cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử đối với Công ty cổ phần Trung Nam (Trungnam Land), vì chậm nộp hơn 445,5 tỷ đồng tiền thuế.
Công ty Trungnam Land cho biết nguyên nhân của việc chậm nộp thuế do dự án Khu đô thị Golden Hills City (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) mà công ty triển khai đang bị vướng mắc các thủ tục pháp lý.
Tính đến hết năm 2022, Trungnam Land đã nộp ngân sách nhà nước hơn 492 tỷ đồng, bao gồm kinh phí hoàn thiện bố trí tái định cư và tiền thuế sử dụng đất, nhưng đến nay công ty vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Công ty đề nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện, tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án Golden Hills City, tương ứng với số tiền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách nhà nước.
Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để công ty có nguồn tài sản đảm bảo để thực hiện huy động nguồn vốn, nộp số tiền sử dụng đất còn lại và nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ thuế với thành phố Đà Nẵng.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Công ty cổ phần DKRA Group, nhận định, việc Chính phủ có hàng loạt các văn bản chỉ đạo nhằm gỡ rối cho thị trường bất động sản thời gian qua là những tín hiệu tích cực đến cho thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, theo ông Võ Hồng Thắng, mặc dù các chính sách có hiệu quả trong việc trấn an tâm lý thị trường ở thời điểm hiện tại, nhưng vẫn còn tồn tại một số bất cập nhất định. Đó là vẫn chưa tháo gỡ được triệt để điểm nghẽn pháp lý do chồng chéo các quy định giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… những điểm nghẽn này khiến thời gian xin cấp phép dự án nhà ở xã hội kéo dài hơn dự án nhà ở thương mại.
Mức lợi nhuận tối đa khống chế ở mức 10%, phải dành 20% diện tích để cho thuê khiến loại hình dự án nhà ở xã hội trở nên kém hấp dẫn trong mắt các chủ đầu tư.
Đồng thời, gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ với lãi suất cho vay từ 8.7%/năm (3 năm) đối với chủ đầu tư hay 8.2%/năm (5 năm) đối với người mua vẫn chưa thật sự hấp dẫn, chưa kể mức lãi suất có thể tăng cao sau khi thời gian hỗ trợ kết thúc.
Ông Võ Hồng Thắng kiến nghị các cấp quản lý cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở… để kiện toàn khung hành lang pháp lý cho thị trường. Đồng thời, sớm ổn định thị trường vốn, tín dụng, có cơ chế kiểm soát giảm trần lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại.
Gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng cần có lộ trình triển khai một cách cụ thể, khoanh vùng đúng và đầy đủ các đối tượng có nhu cầu thực tế được hưởng chính sách ưu đãi, tránh trường hợp chậm tiến độ phê duyệt, giải ngân như ở gói 30.000 tỷ đồng trước đây.
Điểm sáng về nhà ở xã hội
Trong bức tranh chung ảm đạm của thị trường bất động sản 3 tháng đầu năm, có một điểm sáng đáng chú ý là trên địa bàn thành phố có 1 dự án chung cư nhà ở xã hội được mở bán với 1.809 căn hộ. Đó là dự án Khu chung cư nhà ở xã hội tại lô đất ký hiệu B4-2 thuộc dự án Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) do Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng làm chủ đầu tư với 4 khối nhà cao 20 tầng, 2 khối nhà cao 21 tầng cùng tum thang và 1 tầng hầm chung cho 6 khối nhà.
Trong tổng số 1.809 căn hộ, có 1.165 căn hộ để bán cho các đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội; 348 căn hộ diện nhà ở thương mại để bán và 296 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê. Mỗi căn hộ có diện tích 45-93m2. Giá bán căn hộ theo diện nhà ở xã hội là 16,061 triệu đồng/m2 sàn (giá bán đã bao gồm thuế giá trị gia tăng 5%, chưa bao gồm chi phí bảo trì 2%). Hiện đã có 1.550 người nộp hồ sơ đăng ký mua căn hộ tại khu chung cư nhà ở xã hội này.
Bên cạnh đó, ngày 5/4, Sở Xây dựng Tp.Đà Nẵng đã ban hành thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại khối nhà B2 thuộc dự án Khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) do Công ty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư. Đợt này, có 19 căn hộ chung cư được mở bán với diện tích mỗi căn từ 63,96m2 đến 69,96m2, giá bán 9,417 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng 5%, chưa bao gồm chi phí bảo trì 2%). Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội từ nay đến hết ngày 28-4-2023 tại địa chỉ: số 61 đường 30 Tháng 4, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu.
Đối tượng được đăng ký mua nhà ở xã hội là người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa có quyền sử dụng đất ở, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại thành phố; có đăng ký thường trú tại thành phố Đà Nẵng hoặc phải có đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên và đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại thành phố Đà Nẵng; không phải nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên.
Trong khi đó, để tạo thuận lợi cho người mua, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Tp. Đà Nẵng đã có chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi để nhiều người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức... mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng, sửa chữa nhà ở. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh thành phố Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung thông tin: “Tất cả các đối tượng có nhu cầu và đủ điều kiện đều được Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Tp.Đà Nẵng đáp ứng nguồn vốn để khách hàng mua nhà ở xã hội cũng như xây, sửa chữa, cải tạo nhà ở. Chúng tôi đã giải ngân cho 718 khách hàng với số tiền hơn 221 tỷ đồng. Năm nay, chúng tôi được tiếp cận nguồn vốn dồi dào hơn năm 2022, dự kiến khoảng 300 tỷ đồng. Chúng tôi đang giải ngân theo kế hoạch, tiến độ cho người mua chung cư nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố”.
Minh Hoa (t/h Vietnam+, Đà Nẵng Online)