Tháo gỡ điểm nghẽn để ngành mía đường phát triển ổn định

Chia sẻ Facebook
06/04/2024 04:58:29

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh chênh lệch nhu cầu và nguồn cung.


Diện tích giảm, giá mua cao

Đầu tháng 4/2024, nông dân tỉnh Gia Lai đang bước vào cao điểm thu hoạch mía niên vụ 2023 - 2024. Vui mừng vì mía năm nay được mùa, được giá, nhưng nông dân cũng hết sức lo lắng bởi tình trạng cháy mía có thể xảy ra bất cứ lúc nào do nắng nóng kéo dài.

Nông dân Trần Văn Tuấn (ngụ huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) cho biết, hộ của ông hiện còn khoảng 3.200 tấn mía. Trong thời điểm nắng hạn thì những vùng nào khô hạn thì phân luồng, mía xuống lá là thu hoạch trước, còn những vùng nào mà ẩm, khó cháy mía thì để lại thu hoạch sau.

Ông Trần Văn Đấu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) thông tin, niên vụ mía này, huyện có gần 10.000ha mía. Hiện, quá nửa diện tích đã được thu hoạch. Thời tiết nắng hạn khiến những diện tích mía còn lại đang nguy cơ hỏa hoạn rất cao.

Vùng nguyên liệu mía phía Đông tỉnh Gia Lai có tổng diện tích 30.000ha. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch khoảng 65% diện tích mía toàn vùng và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 4.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, nông dân cũng đang bước vào thu hoạch niên vụ 2023 - 2024 với khoảng 12.000ha mía, được trồng chủ yếu ở các huyện Ea Kar, M’Đắk, Ea Súp và Buôn Đôn.

Nông dân Trần Quốc Nguyên (ngụ huyện Ea Kar) cho biết, nhà máy đang thu mua mía tại ruộng là 1100đồng/kg, cao hơn năm ngoái. Trừ hết chi phí đầu tư công chăm sóc, phân bón, gia đình anh Nguyên có thể thu lãi khoảng trên 500 triệu đồng.

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 12.000ha mía, được trồng chủ yếu ở các huyện phía Đông Nam của tỉnh là Ea Kar và M’Đrắk với khoảng 7.300ha; hơn 4.200ha còn lại được trồng ở các huyện phía Tây là Ea Súp và Buôn Đôn. Sản lượng niên vụ 2023 – 2024 này ước đạt 980.000 tấn mía tươi.

Theo ông Lê Tuân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường 333 Đắk Lắk, giá đường trong nước và thế giới đã ổn định trong 5 năm qua ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg.

Mức giá này đã đảm bảo cho các doanh nghiệp duy trì lợi nhuận. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp luôn tạo các điều kiện thuận lợi để người trồng gắn bó lâu dài với cây mía duy trì nguồn nguyên liệu cho nhà máy.

Nông dân trồng mía vui mừng vì nông sản vừa được mùa, vừa được giá.

Giá mía tại đồng bằng sông Cửu Long cũng ghi nhận ở mức cao, dao động từ 1.200-1.320 đồng/kg, tăng 100-220 đồng/kg so với niên vụ 2022-2023 và từ 400-500 đồng/kg so với những năm trước đó. Đây là mức giá tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây nên nông dân trồng mía rất phấn khởi.

Huyện Trà Cú là vùng trồng mía nguyên liệu của tỉnh Trà Vinh. Những năm trước, diện tích trồng mía lên đến 4.000ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho khoảng 5.000 hộ dân. Nhiều vụ liên tục thua lỗ nên diện tích trồng mía của địa phương chỉ còn hơn 1.200ha.

Niên vụ này, Công ty Mía đường Trà Vinh ký kết hợp đồng đầu tư vốn và vật tư đầu vào với tổng diện tích khoảng 1.000ha. Công ty cũng triển khai nhiều chính sách đầu tư và bao tiêu sản phẩm tại ruộng, hỗ trợ không hoàn lại, thu mua, vận chuyển mía, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu.

Trong khi đó, thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) cho thấy, trước đây địa phương có khoảng 8.500ha trồng mía nhưng giá mía giảm sâu nên nông dân chuyển một phần diện tích sang trồng cây ăn trái hoặc rau màu. Diện tích mía còn lại của địa phương vào khoảng 2.700ha và đã được Công ty CP Mía đường Sóc Trăng bao tiêu trên 1.500ha.


Đảm bảo giá thu mua cho nông dân

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượng mía đưa vào chế biến trong niên vụ 2023- 2024 đạt 10,6 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ và sản xuất được hơn 1 triệu tấn đường thành phẩm, tăng 10% so với cùng kỳ.

Niên vụ 2023 - 2024 dự báo sẽ là một năm thuận lợi khi giá đường đang ở mức cao. Báo cáo thị trường tháng 8/2023 của Tổ chức đường Quốc tế (ISO) cho thấy, trong niên vụ 2022 - 2023 (vừa kết thúc vào tháng 9/2023), sản lượng đường thế giới bị thiếu hụt trên 2 triệu tấn so với nhu cầu. Điều này dẫn tới việc giá đường tăng mạnh trên toàn cầu trong năm nay.

Trong 2 vụ mía vừa qua (niên vụ 2021 - 2022 và 2022 - 2023), diện tích và sản lượng mía đã tăng trở lại. Nguyên nhân của sự tăng trưởng sản xuất trong 2 vụ liên tiếp là giá mua mía nguyên liệu đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng lên, hiện nay đã đến mức 1,1 –1,3 triệu đồng/tấn.

Đây là mức giá tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực, dẫn đến diện tích mía gia tăng. Điều này cũng cho thấy ngành mía đường Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể dưới tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam đã áp dụng từ năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận xét: “Tuy đã tăng trưởng trở lại trong 2 vụ liên tiếp, nhưng tốc độ phục hồi diện tích mía còn chậm tại nhiều địa phương. Từ số liệu báo cáo của các nhà máy đường còn hoạt động trong niên vụ 2022 - 2023, tổng diện tích trồng mía vụ vừa qua là 141.906ha, tăng 17.151ha (13,75%) so với niên vụ 2021 - 2022 (124.753ha). Như vậy, diện tích mía tuy đã tăng trở lại nhưng vẫn còn khá thấp so với trước đây”.

VSSA đã khuyến cáo các hội viên sản xuất của Hiệp hội về giá thu mua mía niên vụ 2023 - 2024.

Theo đó, tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương, trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao, các nhà máy đường cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương, tiếp tục điều chỉnh tăng giá thu mua mía nguyên liệu trong vụ mới sắp đến nhằm bảo đảm nông dân bù đắp đủ chi phí, có thu nhập đủ sống để yên tâm phát triển cây mía, phục hồi vùng nguyên liệu.

Đồng quan điểm, TS.Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI) cho rằng, để ngành mía đường phát triển ổn định, bền vững, trước hết phải tháo gỡ ngay 2 điểm nghẽn chính là phân chia lợi ích và minh bạch.

“Để phân chia lợi ích một cách công bằng thì nông dân phải có tiếng nói trong việc hình thành giá thu mua mía thông qua việc hiệp thương giá giữa nông dân và nhà máy. Giá mua mía chủ yếu vẫn do các nhà máy đường tự quyết định. Vì vậy, vấn đề giá mía cần đảm bảo được sự công bằng trong chia sẻ lợi ích thì các bên tham gia trong chuỗi cung ứng mía đường mới có thể tiếp tục đồng hành, hợp tác, phát triển lâu dài”, ông Đương nói.

Chia sẻ Facebook