THANHMAIHSK: 10 năm sứ mệnh giáo dục Hán ngữ và bước ngoặt chuyển đổi số
Với mong muốn phát triển một hệ sinh thái toàn diện cho người học tiếng Trung tại Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Mai đã thành lập Tiếng Trung THANHMAIHSK. Chị đã có những chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp và bước ngoặt chuyển đổi số của doanh nghiệp mình.
Khát vọng trở thành tập đoàn giáo dục ngôn ngữ toàn diện
Là một giảng viên với nhiều năm giảng dạy tiếng Trung và có nhiều cơ hội thử thách với các nhiệm vụ khác nhau tại trường Đại học Hà Nội, chị có thể chia sẻ lý do mình quyết định khởi nghiệp, "rẽ hướng" sang kinh doanh?
TS. Trần Thị Thanh Mai: Tôi bắt đầu giảng dạy tiếng Trung từ năm 1999, tại trường Đại học Hà Nội. Trong suốt quãng thời gian giảng dạy, nghiên cứu, tôi vẫn luôn khao khát được sống có lý tưởng, được cống hiến và tạo ra giá trị cho xã hội. Tôi từng có nhiều kế hoạch kinh doanh, từng mở công ty thương mại nhưng sau cùng, tôi nhận ra giảng dạy và nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tiếng Trung vẫn là niềm đam mê và thế mạnh cốt lõi của mình. Vì thế tôi lựa chọn con đường tạo ra giá trị và cống hiến cho xã hội dựa trên thế mạnh đó.
Giai đoạn 2010 - 2011, nhu cầu học tiếng Trung ngắn hạn tại Việt Nam tăng cao, nhưng lại chưa có đơn vị đào tạo nào thực sự chất lượng và chuẩn về phương pháp giảng dạy, cũng như chưa có một bộ giáo trình thực sự phù hợp với nhu cầu học tập của người Việt. Tôi cho rằng trình độ giáo viên, phương pháp giảng dạy và giáo trình là 3 yếu tố chính quyết định chất lượng đào tạo. Trình độ giáo viên chưa đủ tốt sẽ đào tạo ra những học sinh không đạt chuẩn. Và thật đáng lo ngại nếu những học sinh ấy lại trở thành những giáo viên trong tương lai.
Đó là lý do năm 2012, tôi quyết tâm từ bỏ hết các cơ hội thương mại để mở những lớp học tiếng Trung đầu tiên, cũng là tiền đề của THANHMAIHSK sau này.
Vậy có thể hiểu là THANHMAIHSK đã đặt ra cho mình sứ mệnh tiên phong trong việc cung cấp các lớp học tiếng Trung bài bản, chất lượng cao tới cộng đồng? Định hướng phát triển của THANHMAIHSK trong tương lai là gì, thưa chị?
TS. Trần Thị Thanh Mai: Tôn chỉ của THANHMAIHSK từ ngày đầu thành lập là xây dựng một môi trường đào tạo tiếng Trung ngắn hạn bài bản như các trường đại học chuyên ngoại ngữ, dành cho những người yêu thích tiếng Trung nhưng không có cơ hội được học tại các trường đó. Tôi cũng kỳ vọng các học viên của chúng tôi ngoài việc học và sử dụng thành thạo một ngoại ngữ, còn có được kiến thức về văn hóa, xã hội, kỹ năng sống và nhân sinh quan đúng đắn từ các giảng viên giảng dạy tại THANHMAIHSK.
Trong 5-10 năm tới, THANHMAIHSK sẽ nỗ lực trở thành tập đoàn giáo dục Hán ngữ hàng đầu Việt Nam với hệ sinh thái toàn diện bao gồm 5 lĩnh vực, tương ứng với 5 thương hiệu con: Đào tạo Hán ngữ ngắn hạn (THANHMAIHSK), Xuất bản sách và giáo trình Hán ngữ (Bác Nhã Books), Tư vấn du học (Du học VIMISS), Kết nối việc làm (Youjob) và Phát triển công nghệ giảng dạy tiếng Trung (TM Edtech).
Khởi nghiệp vốn đã là một hành trình gian nan. Quản lý một mô hình doanh nghiệp với 5 thương hiệu - 5 lĩnh vực khác nhau lại càng không phải là điều dễ dàng. Đâu là những khó khăn lớn nhất mà chị và THANHMAIHSK từng đối mặt?
TS. Trần Thị Thanh Mai: Xuất thân là một nhà giáo, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm hay kiến thức về kinh doanh hay quản trị doanh nghiệp. Vậy nên khi đứng vào vai trò lãnh đạo, tôi đã phải đối mặt với những bài toán như xây dựng quy chế, chính sách thưởng phạt công minh, đến việc nâng cao hiệu suất làm việc của nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp… Những vấn đề này càng trở nên nan giải khi số lượng nhân sự và phòng ban không ngừng tăng lên.
Có lúc chúng tôi cảm thấy thực sự khó khăn khi chưa tìm thấy phương án giải quyết những việc cần thực hiện. Nhưng ban lãnh đạo THANHMAIHSK đã ưu tiên tập trung nguồn lực để tái cơ cấu tổ chức, phân định rõ các phòng ban chức năng, kiện toàn bộ máy nhân sự và từng bước hoàn thiện các quy trình vận hành theo đặc thù của công ty.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng nổ, mọi thứ bị đóng băng. Toàn bộ nhân sự chuyển sang làm việc online, công ty phải đối mặt với sự trì trệ trong vận hành công việc. Chúng tôi lại trăn trở làm sao để chỉ đạo từ ban lãnh đạo đến được quản lý cấp trung và mỗi nhân sự để cả bộ máy vận hành hiệu quả. Và chúng tôi quyết định mượn tới sự trợ giúp của công nghệ để giải quyết bài toán quản trị và vận hành.
Ở một góc độ khác, đại dịch chính là cú huých giúp THANHMAIHSK đẩy mạnh tiến trình công nghệ hóa. Sức mạnh của công nghệ đưa công ty vượt qua đại dịch và đạt đến những thành tựu như hiện nay.
Bước ngoặt chuyển đổi số
Phải chăng với một doanh nghiệp quy mô xấp xỉ 80 nhân sự nhưng có tới 5 thương hiệu và khát vọng tăng trưởng nhanh như THANHMAIHSK thì công nghệ chính là yếu tố then chốt?
TS. Trần Thị Thanh Mai: Có thể khẳng định chuyển đổi số là yếu tố không thể thiếu để giúp THANHMAIHSK thực hiện được giấc mơ lớn này. Là CEO, tôi cần phải tối ưu hóa vai trò của các quản lý cấp trung, cung cấp cho họ công cụ quản lý tốt nhất để nâng cao hiệu quả làm việc, từng bước hoàn thiện các giai đoạn phát triển của hệ sinh thái. Công nghệ yêu cầu con người phải làm chuẩn, hành động chuẩn, phải thay đổi, cập nhật để thích nghi.
Chuyển đổi số hiện nay là xu hướng tất yếu đối với các doanh nghiệp. Nhưng giữa "lý tưởng" và "thực tế" còn tồn tại nhiều rào cản. Chị có thể chia sẻ "bí quyết" chuyển đổi số của THANHMAIHSK?
TS. Trần Thị Thanh Mai: Hai năm qua, chúng tôi đồng hành cùng Base.vn - một nền tảng công nghệ tuy không phải là vạn năng nhưng đã xử lý hầu hết các bài toán về quản trị và vận hành của THANHMAIHSK.
Khi đưa bất cứ công nghệ nào vào doanh nghiệp, chúng ta sẽ đều gặp phải những rào cản khác nhau. THANHMAIHSK từng triển khai Base vào năm 2019 nhưng không thành công. Thời điểm đó công ty thực hiện tái cơ cấu, đồng thời có sự chuyển biến mạnh mẽ về sản phẩm, không có thời gian và nguồn lực cho bộ máy vận hành.
Nhưng thời điểm tháng 5/2021, mọi hoạt động của các doanh nghiệp trong nước đều đóng băng. Dưới sức ép đó, chúng tôi tiếp tục tiếp cận Base. Lần này, chỉ trong vòng 1 tháng, mọi người đã quen và có thể làm việc khá trôi chảy trên các ứng dụng. Tôi rút ra rằng, chuyển đổi số cần "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Với THANHMAIHSK, đó là sự sẵn sàng khi bộ máy nội bộ đã ổn định, các quy trình đã được chuẩn hóa; cộng hưởng cùng nhu cầu làm việc online tăng cao, và quyết tâm "phải làm bằng được" của ban lãnh đạo.
Hiện tại THANHMAIHSK đang sử dụng Base thế nào để đáp ứng đặc thù doanh nghiệp?
TS. Trần Thị Thanh Mai: Công ty đang triển khai đồng thời cả 2 bộ giải pháp Quản trị hiệu suất và Quản trị nhân sự trên nền tảng Base.
Do quản lý nhiều thương hiệu con, nên khối lượng công việc của THANHMAIHSK rất lớn. Base đã giúp chúng tôi sắp xếp và quản lý công việc, quy trình, đề xuất một cách rất khoa học. Mọi thông tin đều được thông suốt và minh bạch hóa, đảm bảo nếu có phát sinh hay sai sót, những nhân sự liên quan đều dễ dàng nắm bắt. Việc chấm công, tính lương, quản lý nghỉ phép cũng được tự động hóa, giảm thiểu tối đa nguồn lực cho các công tác hành chính, tăng tốc độ thực thi của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số không chỉ là sự chuyển đổi về mặt công nghệ, mà còn là sự chuyển đổi về mặt tâm lý: từ e ngại, đến chấp nhận, thích nghi, sẵn sàng. Làm thế nào để bản thân chị, cũng như tập thể THANHMAIHSK có thể dùng Base thành thạo chỉ sau 1 tháng làm quen?
TS. Trần Thị Thanh Mai: Phải thay đổi phương thức quản lý quen thuộc lâu năm, thích nghi với phương thức quản lý mới như ở Base là điều không dễ dàng.
Nhưng với tư duy của người hoạch định giáo dục, tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc cần không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực bản thân, nhất là với người đứng đầu doanh nghiệp như tôi.
Khi ấy, một động lực mạnh mẽ đã thôi thúc tôi dành 48h liên tục để tìm hiểu, thiết lập tất cả các dữ liệu, quy trình trên Base.
Một khi lãnh đạo đã quyết tâm thì việc thay đổi dù khó khăn đến đâu cũng được nhân viên ủng hộ hết mình. Nhưng để toàn bộ nhân sự có thể áp dụng Base nhuần nhuyễn, hiệu quả tôi vẫn cần xây dựng lộ trình 3 tháng để nhân viên cảm nhận được tính ưu việt và dần thích nghi với nền tảng Base.
Xin chân thành cảm ơn chị về buổi phỏng vấn này!
Ánh Dương