Thành viên NATO phản đối trừng phạt dầu khí Nga
Hungary, thành viên NATO, tuyên bố phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU nhắm vào doanh nghiệp dầu khí Nga, do lo ngại tổn hại lợi ích quốc gia.
"Chúng tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào có thể gây ra nguy cơ đối với nguồn cung cấp năng lượng cho Hungary", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto trả lời báo chí sau cuộc họp với các thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ hôm 21/3.
Szijjarto cho rằng các lệnh trừng phạt nhắm vào doanh nghiệp dầu khí của Nga sẽ gây tổn hại tới lợi ích năng lượng của Hungary và EU nhiều khả năng sẽ không thể đạt được thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.
"Một số quốc gia đang phụ thuộc nguồn cung năng lượng của Nga. Chúng tôi không làm điều này cho vui", ông Szijjarto nhấn mạnh. "Nguồn cung năng lượng không phải là vấn đề tư tưởng hay lý tưởng, mà là một điều mang tính thực tế".
Bình luận được Ngoại trưởng Hungary đưa ra sau thông tin EU sẽ họp để xem xét lệnh cấm vận toàn diện đối với năng lượng Nga, dù tồn tại những bất đồng sau hội nghị thượng đỉnh ở Brussels hôm qua.
Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney lập luận rằng rất khó để không áp lệnh trừng phạt với lĩnh vực năng lượng Nga, do chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine. Tuy nhiên, lập luận này bị cả Hungary, Đức và Hà Lan phản đối.
"Lệnh cấm vận dầu mỏ không phải vấn đề chúng ta muốn hay không muốn, mà là chúng ta phụ thuộc vào dầu mỏ như thế nào", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với phóng viên, lưu ý rằng một số quốc gia EU không thể chỉ đơn giản "ngừng nhập khẩu dầu từ ngày này sang ngày khác".
Ngoại trưởng Hungary Szijjarto cũng bày tỏ lo ngại về các kế hoạch khác của các thành viên EU và NATO những tuần gần đây, bao gồm lời kêu gọi thiết lập vùng cấm bay và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình có vũ trang của NATO đến Ukraine, nói rằng những vấn đề đó phải được thảo luận "rõ ràng" khi có "nguy cơ chiến tranh mới".
"Chúng ta phải tránh điều đó. Lợi ích của Hungary rất rõ ràng: Hungary muốn đứng ngoài cuộc chiến này, chúng tôi sẽ bám sát lập trường chung của NATO và từ chối các đề xuất có nguy cơ gây ra chiến tranh trên không hoặc chiến tranh mở rộng trên bộ", ông nói thêm.
Ông cũng nhấn mạnh Hungary sẽ không ngăn cản các thành viên EU khác chuyển vũ khí cho Ukraine, nhưng nước này sẽ không tự mình tham gia các hoạt động chuyển giao như vậy, cũng không cho phép vũ khí đi qua lãnh thổ.
Hungary lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và đồng ý với một số biện pháp trừng phạt, nhưng Thủ tướng Viktor Orban vẫn khẳng định rằng đất nước của ông phải "đứng ngoài" cuộc xung đột và đã nhiều lần từ chối viện trợ các lô vũ khí cho Ukraine.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngăn Moskva tiếp cận các công nghệ tiên tiến và đưa nhiều tài phiệt, quan chức Nga vào danh sách cấm vận.
Tuy nhiên, trong khi Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, châu Âu vẫn tránh điều này, vì phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga ở mức độ lớn hơn nhiều so với Mỹ.
Liên minh châu Âu (EU) hiện nhập 40% khí đốt từ Nga. Nước này cũng cung cấp 27% dầu và 46% than nhập khẩu cho khối. Kim ngạch thương mại về năng lượng của EU với Nga trị giá hàng chục tỷ USD một năm.
Huyền Lê (Theo RT )