Thanh toán không tiền mặt phát huy mạnh hơn sau dịch COVID-19

Chia sẻ Facebook
22/05/2022 10:18:18

Sở Công thương TP.HCM cho biết mua sắm trực tuyến cùng các phương thức thanh toán không tiền mặt xuất hiện kịp thời đã giải quyết các bài toán tiêu dùng trong dịch COVID-19. Và đến nay đã đi vào cuộc sống thường nhật.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ về định hướng hoạt động truyền thông không dùng tiền mặt thời gian tới - Ảnh: T.T.D

Hơn 1,1 triệu người dùng Mobile Money sau hơn 4 tháng triển khai

Ông Lê Anh Dũng, phó vụ trưởng phụ trách Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết đã có 1,1 triệu tài khoản Mobile Money được mở mới sau 4 tháng triển khai dịch vụ này. Đây là một con số tích cực với hơn 60% người dùng Mobile Money ở vùng nông thôn.


Ông Dũng khẳng định Ngân hàng Nhà nước luôn đặt vấn đề an ninh an toàn lên hàng đầu. Trong thời gian qua không xảy ra rủi ro gì đáng tiếc với dịch vụ Mobile Banking và thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ đồng hành cùng Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an để thúc đẩy phát triển hơn nữa Mobile Money, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.


Theo ông Dũng, mùa dịch COVID-19 vừa qua, nhờ eKYC nên nhiều khách hàng mới chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng trước đó đã mở được tài khoản từ xa trong bối cảnh giãn cách kéo dài, người dân không thể giao dịch trực tiếp.

Trả lời câu hỏi về sau dịch COVID-19, thanh toán không tiền mặt có duy trì được đà tăng như trước hay không, ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết trong dịch COVID-19 đã thu hút sự chú ý và sự chuyển hướng ở khách hàng. Trước đây họ ngại ngùng với thanh toán không tiền mặt mà chủ yếu theo phương thức COD (nhận hàng - trả tiền), thì sau dịch theo thống kê không chỉ với Sacombank mà trên thị trường đều tăng rất nhanh.

Sacombank có một số điểm thanh toán ở vùng xa thì sau dịch, tỉ lệ tăng trưởng thanh toán không tiền mặt cũng tăng nhanh. Có thể xem đây là thời cơ, kỷ nguyên của thanh toán không tiền mặt.

Đối với cuộc đua chuyển đổi số, trong đó mô hình One stop - một điểm đến đa dịch vụ của các ngân hàng, đại diện Sacombank cho rằng mô hình One-stop, thanh toán một chạm, hay còn gọi là thanh toán nhúng sẽ là xu thế tiêu dùng không tiền mặt của thế giới và Việt Nam trong thời gian tới.

Sacombank đang theo xu hướng này, và khi đó khách hàng có thể dùng bất kỳ app thanh toán nào, chỉ cần dùng điện thoại là tự động liên kết tới điểm thanh toán để tiết kiệm thời gian và giảm phức tạp. Ngân hàng sẽ đứng sau kết nối, hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động thanh toán và sẽ là xu hướng trong sự phát triển tương lai của tất cả tổ chức trong hệ sinh thái thanh toán đến người tiêu dùng cuối cùng.

TP.HCM: Nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu dùng không tiền mặt


Chia sẻ tại buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2022 được tổ chức ngày 20-5, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết trong dịch COVID-19, sở có phối hợp với các đối tác hỗ trợ đưa hàng hóa của tiểu thương chợ truyền thống nhưng dù đơn hàng online nhiều, người mua hàng vẫn có xu hướng thanh toán bằng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là xu thế chính trong mua sắm và tiêu dùng - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Sự "lạc nhịp" này khiến sở băn khoăn rất nhiều, vì vậy sở đánh giá rất cao sáng kiến của Ngày không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ khởi xướng.


Theo kế hoạch từ ngày 15-6 đến 15-7, TP.HCM sẽ triển khai c hương trình khuyến mãi tập trung - Mùa mua sắm “Shopping Season”, với mục tiêu hình thành nên sự kiện khuyến mãi thường niên, xuyên suốt thu hút đông đảo người tiêu dùng trong nước, du khách trong và ngoài nước trong thời gian tới, góp phần thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố.


"Chúng tôi hy vọng cùng với những ưu đãi của Ngày không tiền mặt, Chương trình khuyến mãi tập trung của TP sẽ đem đến cơ hội mua sắm giá tốt cho người dân, cũng như góp phần lan tỏa thêm một thói quen mua sắm mới, không dùng tiền mặt", ông Vũ cho biết.


Tháng 11 năm ngoái, chương trình khuyến mãi của sở ghi nhận có 1.802 thương nhân đã tham gia với 9.280 chương trình khuyến mãi được thực hiện thấp nhất 30% - cao nhất 70%.


Sự chủ động bắt nhịp nhu cầu thị trường, giải quyết các bức thiết của người dân đã giúp đa dạng hóa phương thức thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.


Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, trong định hướng hoạt động truyền thông giáo dục tài chính thời gian tới, nhóm công chúng mục tiêu được Ngân hàng Nhà nước xác định là người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng để truyền thông về các sản phẩm dịch vụ, ngân hàng, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…

Hoạt động truyền thông ngành ngân hàng sẽ đa dạng hóa hơn nữa các hình thức, kênh truyền thông, đặc biệt là ứng dụng công nghệ, xu hướng truyền thông hiện đại, đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ lan tỏa.


Qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, cũng như góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng, vì mục tiêu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...

Việc đầu tư cho chuyển đổi số phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải, chia cắt, manh mún, rời rạc, lựa chọn những việc có tác động lan tỏa, hiệu quả ngay để triển khai.

Chia sẻ Facebook