“Thanh toán không tiền mặt khiến mình chi tiêu nhiều hơn"
Tìm hiểu thói quen chi tiêu cũng như cách quản lý tài chính của người trẻ dạo gần đây.
Hiện nay, nhiều người trẻ bắt đầu dịch chuyển sang sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn. Một bộ phận cho rằng điều này khiến họ khó kiểm soát chi tiêu hơn, mặt khác cũng có người lại nhận được “khoản hời” từ phương thức này bởi vì các ngân hàng hay ví điện tử thường sẽ có rất nhiều mã giảm giá.
Vậy gần đây, người trẻ thích sử dụng tiền mặt hay thanh toán không tiền mặt nhiều hơn?
“Hình thức thanh toán không tiền mặt khiến mình tiêu nhiều hơn”
Thuý Ngân (29 tuổi) chia sẻ rằng bản thân chủ yếu sử dụng tiền mặt. Bởi vì như vậy sẽ dễ quản lý chi tiêu cũng như kiểm soát được số tiền trong ví, cân nhắc kỹ trước khi mua bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào.
“Chẳng hạn, khi đi trung tâm thương mại mua sắm, nếu chỉ đưa tiền mặt khoảng 1 triệu đồng, mình sẽ chỉ chi trong mức đó. Mặt khác, khi cầm thẻ đặc biệt là thẻ tín dụng cùng xu hướng thích đi ngắm nhìn các cửa hàng, mình sẽ rất dễ phát sinh việc mua sắm ngoài kế hoạch".
Cũng là một người thích sử dụng tiền mặt hơn vì sự tiện lợi của nó, Đức Mạnh cho rằng việc chi tiêu nhiều hơn không hoàn toàn dựa vào phương thức thanh toán. Nó phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sinh hoạt của mỗi cá nhân.
“Như trước đi làm văn phòng hay phải đặt cơm hoặc thường xuyên mua hàng trực tuyến, mình thấy để tiền trong thẻ khiến mình dễ tiêu hơn. Còn hiện tại làm việc ở nhà và chủ yếu ra ngoài đi mua sắm, đi ăn hay đi cà phê, việc có sẵn tiền mặt trong ví lại khiến mình khó kiểm soát chi tiêu hơn. Chẳng hạn, khi có tiền mặt trong người, mình sẵn sàng mua đồ nhiều hơn số lượng cần thiết, hay đi cà phê nếu dư tiền sẽ gọi thêm bánh hoặc cốc lớn hơn".
Đồng quan điểm với Đức Mạnh, Hải Phượng cho rằng thực tế là số tiền chi ra khi sử dụng 2 phương thức thanh toán này là giống nhau. Nhiều người thường bảo, cứ để tiền mặt trong người là thấy sẽ kích thích, muốn tiêu tiền. Nhưng dùng thẻ hay chuyển khoản cũng vậy… dễ dàng thanh toán không kém. Có chăng, việc sử dụng thẻ, chuyển khoản chỉ mang đến “cảm giác” đỡ xót tiền hơn thôi.
Từng gặp những trường hợp “dở khóc dở cười" trong câu chuyện thanh toán
Với cuộc sống hiện đại như bây giờ, hầu hết mọi người đều sử dụng thay đổi linh hoạt trong 2 phương thức thanh toán tiền mặt và không tiền mặt. Tuy nhiên, điều đó đôi lúc cũng sẽ khiến chúng ta rơi vào các tình trạng khá oái oăm. Chẳng hạn, đi chợ mà quên không có tiền mặt hay thanh toán chuyển khoản nhưng ứng dụng bị lỗi.
Đức Mạnh chia sẻ rằng bản thân thường xuyên quên rút tiền khi đi cà phê hoặc đi ăn. Không có tiền mặt mà ngân hàng cậu bạn dùng số tiền thanh toán thường dưới 50 nghìn đồng sẽ không chuyển khoản được. Do vậy, Đức Mạnh đành phải gửi nhiều hơn cho chủ quán và nhờ họ đưa tiền mặt lại.
“Ví dụ cốc cà phê hết 30 nghìn, ngân hàng yêu cầu phải chuyển khoản từ 50 nghìn đổ lên thì mình sẽ chuyển khoản cho chủ quán 130 nghìn đồng mà nhờ họ đưa lại mình 100 nghìn. Điều này rất thường xuyên xảy ra”.
Đối với Hải Phượng, cô bạn thường xuyên sử dụng hình thức chuyển khoản hoặc thanh toán bằng thẻ nhiều hơn là tiền mặt. Đương nhiên là vì nó tiện lợi và nhanh chóng hơn nhiều. Tuy nhiên, điều này cũng góp phần giúp cô bạn dễ dàng mua sắm bốc đồng hơn. Hải Phượng chia sẻ rằng đôi lúc bản thân lướt trang thương mại điện tử không chủ đích hay chỉ đơn giản là đi ngắm các cửa hàng nhưng cuối cùng lại thành “tay xách nách mang" mua rất nhiều đồ. Đơn giản là bởi vì tiền trong thẻ nên dễ dàng thanh toán hơn, nhiều khi ngoảnh đi ngoảnh lại cũng tiêu đến cả triệu để mua những sản phẩm không thật sự cần thiết.
Vậy nên quản lý chi tiêu ra sao?
Dù là sử dụng hình thức thanh toán nào, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng nếu muốn kiểm soát được chi tiêu của mình, cần phải có kế hoạch cụ thể.
Thuý Ngân quản lý chi tiêu bằng việc lương về sẽ rút hết tiền mặt, giữ lại trong tài khoản 1 khoản nhỏ để chi trả cho các chi phí kiểm soát như điện, nước, điện thoại, mạng Internet. Đồng thời, để một khoản tiền mặt chi tiêu quy định chỉ sử dụng trong khoảng đó không được vượt chỉ tiêu.
Đối với Đức Mạnh, đầu tiên cậu bạn sẽ lên kế hoạch và dự trù trước các khoản chi tiêu trong tháng. Rồi sau đó ghi chép lại chi tiêu hàng ngày và tổng hợp vào file theo dõi để làm sao số tiền tiêu ở từng hạng mục không vượt qua khoản đã lên ngân sách trước đó.
Đức Mạnh cũng chia ngân sách chi tiêu thành 3 hạng mục chính. Khoản cần chi như ăn ở, điện nước, xăng xe. Khoản muốn chi như mua sắm, du lịch, giải trí. Khoản cho kế hoạch tài chính như tiết kiệm, đầu tư, trả nợ... Câu bạn cũng nhấn mạnh rằng bản thân sẽ ưu tiên theo thứ tự trả nợ, tiết kiệm, khoản cần chi và còn bao nhiêu thì mới dành cho phần muốn chi.
Ảnh: NVCC