"Thánh sale" của mọi thời đại: Người đàn ông ngồi ở Trái đất, bán đất trên Mặt trăng rồi thu về tiền khủng
Câu chuyện về Dennis Hope - Người bán mặt trăng đã cho thấy kỹ năng làm giàu siêu hạng của người Mỹ, họ có thể kiếm tiền từ những thứ mà họ chưa bao giờ chạm tay tới.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, một người Mỹ tên là Dennis Hope đã khiến báo chí thế giới xôn xao khi kiếm được một gia tài đồ sộ nhờ bán từng miếng đất trên bề mặt vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.
Mặc dù mọi người đều coi Hope là một người kỳ cục vô hại nhưng nếu tìm hiểu kỹ một chút, người ta sẽ thấy người đàn ông này thực ra là một doanh nhân kỳ tài bởi cái mà người ta cho là điên rồ là một sự điên rồ được tính toán chặt chẽ. Ông đã khéo léo dựng ra những câu chuyện mơ hồ giúp mình kiếm được cả triệu USD chỉ bằng những mẩu giấy sở hữu đất trên Mặt Trăng.
Theo đó vào năm 1980, Hope lâm vào cảnh khó khăn khi vừa ly dị vợ, công việc kinh doanh lại đang ế ẩm khiến ông phải kiếm tiền lo từng bữa ăn. Sau khi nhận ra buôn bán bất động sản kiếm được rất nhiều tiền, Hope chợt nhìn lên Mặt Trăng và nghĩ trên đó có vô số bất động sản.
Sau đó, ông chạy ra thư viện gần nhà để tìm hiểu xem đã có ai sở hữu Mặt Trăng hay chưa và phát hiện ra rằng vào năm 1967, LHQ đã thông qua Hiệp ước Không gian, trong đó không cho phép bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền đối với các thiên thể ngoài không gian. Hiệp ước này có một kẽ hở to tướng là chỉ cấm chính phủ chứ không cấm cá nhân hoặc tổ chức. Vậy là Hope đã tận dụng ngay kẽ hở này để làm giàu.
Năm 1980, ông gửi thư tới LHQ, Chính phủ Mỹ và Liên Xô để thông báo rằng mình là chủ sở hữu tất cả các hành tinh và vệ tinh thuộc hệ Mặt trời (ngoại trừ trái đất) và hỏi xem họ có định phản đối không. Khi không thấy LHQ lẫn Chính phủ Nga phản hồi, Hope bắt đầu bán... Mặt Trăng và biến vũ trụ thành một nơi kinh doanh, bằng cách bán đi các mảnh đất trong thiên hà.
Từ văn phòng Công ty Lunar Embassy (Sứ quán Mặt trăng) ở Nevada, doanh nhân người Mỹ bán đất trên Mặt trăng với giá 20 USD/mẫu (0,4ha). Việc buôn bán rất đơn giản, khách hàng chỉ cần trỏ vào một điểm nào đó trên bản đồ mặt trăng là Hope khoanh vùng lại và sau đó làm hợp đồng, thu tiền.
Tính đến năm 2013, Hope tuyên bố đã bán tổng cộng 2,47 triệu km2 đất Mặt trăng, 1,31 triệu km2 đất sao Hỏa, cùng 500.000 km2 đất của sao Kim, sao Thủy và Io (mặt trăng của sao Thổ). Riêng tiền bán Mặt trăng, ông thu về 12 tỉ USD. Khách hàng của doanh nhân này cũng đủ mọi thành phần, từ minh tinh Hollywood đến doanh nhân, từ siêu sao thể thao đến chính trị gia.
Trong số đó phải kể đến các các nhân vật nổi tiếng thế giới như Tom Cruise, Barbara Walters, John Travolta và thậm chí cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush, Jimmy Carter và Ronald Reagan, tất cả đều tin rằng họ sở hữu đất đai trên Mặt trăng. Sau thành công tại Mỹ, Lunar Embassy bắt đầu tìm khách hàng trên khắp hành tinh. Công ty này đã đặt văn phòng đại diện tại nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Anh, Úc, Ireland, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản...
Hope khoe rằng năm 2011, một tổ chức đã tiếp cận ông ta và đề nghị mua toàn bộ Cực Bắc Mặt Trăng với giá 50 triệu USD nhưng ông ta từ chối vì sợ có người độc quyền đất trên Mặt Trăng. Ông cũng cho hay từng bị đưa ra tòa ở Đức và Thụy Điển vì lừa đảo nhưng cả hai vụ đều bị bác vì thiếu quyền tài phán và không tòa án nào muốn giải quyết vấn đề này. Ông cũng nhận thư chửi bới và đe dọa đánh bom và cho biết đã báo Cục Điều tra Liên bang và để họ xử lý những người gửi thư đe dọa này.
Trên thực tế, theo Liên Hợp Quốc, các tuyên bố của Dennis Hope hoàn toàn hư cấu, không có cơ sở trong bất kỳ loại thực tế pháp lý nào. Theo đó, quan điểm của doanh nhân này là hiệp định năm 1967 chỉ ngăn các quốc gia tuyên bổ chủ quyền trên vũ trụ, chứ không có giá trị đối với tư nhân, nên hành động của ông là hợp pháp.
Tuy nhiên theo Tanja Masson-Zwaan - Chủ tịch Viện luật không gian Quốc tế, thì lệnh cấm áp dụng cho cả quốc gia lẫn cá nhân. Bà cho biết: "Việc mua bán của Hope chẳng giúp cho khách hàng thực sự có quyền sở hữu Mặt trăng". Hay nói cách khác, mớ giấy chứng nhận mua bán của Hope chẳng có giá trị gì hết.
(Tổng hợp)
Theo Ánh Lê
Trí Thức Trẻ