Thành phố Thanh Hoá - trụ đỡ đắc lực 4 trung tâm động lực
Tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Nghị quyết riêng, tạo cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực phát triển thành phố Thanh Hóa xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, trụ đỡ, liên kết vùng và địa phương.
, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm đô thị trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước; đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, nguồn lực quan trọng để Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Đó là mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 05 về xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá ban hành.
4 Trung tâm động lực của tỉnh Thanh Hóa bao gồm: Trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn), trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn) và trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng).
Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ 19 đều xác định, thành phố Thanh Hóa cùng với Sầm Sơn là Trung tâm kinh tế động, hướng đến phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ cao, du lịch biển, du lịch văn hóa, phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn;
Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, Thanh Hoá đặt mục tiêu sáp nhập toàn bộ huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa - trở thành trung tâm của trung tâm.
Ông Mai Văn Minh, Bí thư Đảng ủy Phường Đông Tân, thành phố Thanh Hoá cho biết, theo Nghị quyết 05, cuối năm 2024 sẽ sáp nhập huyện Đông Sơn về thành phố Thanh Hoá. Phường Đông Tân sẽ trở thành trung tâm phía Tây của thành phố, tạo điều kiện để Đông Tân phát triển về dịch vụ xây dựng giao thông vận tải, dịch vụ thương mại.
Bà Phạm Thị Việt Nga – Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Thanh Hóa cho biết, thành phố đã triển khai 11 nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp, phải khai thác được toàn bộ tiềm năng, lợi thế phát triển của thành phố với vai trò là trung tâm động lực và có tính chất lan toả trên mọi lĩnh vực, trong tỉnh và trong vùng.
Việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; huy động tối đa sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển và phát triển doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế. Phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại các kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đẩy mạnh đô thị hoá, giải quyết dứt điểm các dự án dang dở, kéo dài, tập trung nguồn lực phát triển thành phố theo đúng định hướng.
Với việc là trụ đỡ đầu tầu, vai trò kết nối, thúc đẩy trong 4 trung tâm động lực, thành phố Thanh Hoá đã có sự liên kết các trung tâm vùng trong phát triển hạ tầng, kỹ thuật đầu tư xây dựng và đặc biệt dịch vụ, du lịch, trở thành trung tâm vùng./.