"Thành phố ô tô" tại Nga lo ngại tác động của lệnh cấm vận
Thành phố Kaluga là biểu tượng tự hào của ngành sản xuất ô tô tại Nga, là nơi quy tụ rất nhiều nhà máy của các thương hiệu ô tô thế giới.
Tuy nhiên, khi lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây ập tới, những doanh nghiệp nơi đây lại gặp rất nhiều khó khăn. Hàng nghìn công nhân trong ngành đã bị sa thải trong thời điểm giá cả hàng hoá, đặc biệt là giá thực phẩm leo thang chóng mặt.
Tại Kaluga, trong những tuần gần đây, đã có 2 nhà máy lớn phải ngừng sản xuất, đó là Volkswagen của Đức và Volvo của Thụy Điển. Khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, vấn đề thiếu hụt linh kiện và nguồn cung các cấu phần của ô tô càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Ông Alexander Abrosimov, Chủ tịch Công đoàn nhà máy Volkswagen, cho biết: "Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chúng tôi không có đủ cấu phần để sản xuất ô tô . Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình chính trị đang có nhiều bất ổn".
Kaluga nằm cách thủ đô Moscow 190 km về phía Tây Nam. Kể từ năm 2006, nơi đây là điểm thu hút đầu tư nước ngoài. Theo giới chức, đã có tới 15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thành phố vỏn vẹn 300 nghìn dân này.
PSMA Rus Plant, một nhà máy ô tô khác, vốn là liên doanh giữa 2 hãng Mitsubishi và Stellantis, có hơn 2000 công nhân, cũng sắp phải dừng hoạt động. Nhưng các công nhân không biết ngày nào sẽ là ngày cuối cùng mình được đi làm.
Anh Pavel Terugov, công nhân nhà máy PSMA Rus Plant nói: "Chúng tôi có một nhóm trao đổi thông tin trên Whatsapp. Có hôm họ bảo chúng tôi đi làm, có hôm lại bảo nghỉ. Chúng tôi không có thông tin chắc chắn nào về tương lai tại nhà máy".
Trong lúc việc làm bấp bênh, anh Pavel phải đối mặt với một vấn đề khác, đó là giá thực phẩm tăng gấp đôi so với trước kia.
Các nhà phân tích dự báo lạm phát của Nga năm nay sẽ lên tới 24% và tăng trưởng kinh tế sẽ bị sụt giảm quay lại mức của năm 2009, năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thế nhưng, rất nhiều người dân Kaluga vẫn giữ tinh thần lạc quan về nền kinh tế. Họ cho rằng trong suốt 2 thập kỷ qua, sau những giai đoạn khủng hoảng, kinh tế Nga lại bước vào một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ. Và lần này có thể cũng sẽ không ngoại lệ - mọi khó khăn sẽ chỉ là ngắn hạn.
Chị Irina, chủ cơ sở làm đẹp tại Kaluga, cho biết: "Tôi đã nói chuyện với nhiều người, họ tin rằng vào mùa hè, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn và tất cả sẽ được quay trở lại với công việc".
Một lý do nữa để người dân Kaluga có hy vọng, đó là các lệnh trừng phạt của phương Tây trong thời gian tới sẽ không nhắm trực tiếp vào các nhà máy tại đây, vì đó toàn là các thương hiệu của phương Tây. Hiện tại, Mỹ và các quốc gia thành viên EU đang cân nhắc áp đặt thêm lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga nếu căng thẳng tại Ukraine vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.