Thành phố ở Nhật Bản sẽ trả tiền để thu hút giới trẻ đến sinh sống
Do dân số già, các thành phố nhỏ của Nhật Bản đang nghĩ ra nhiều cách khác nhau để thu hút hoặc giữ chân người trẻ.
Mới đây, các nhà chức trách của thành phố Nhật Bản sẵn sàng trả tiền để các cặp vợ chồng trẻ chuyển đến các khu vực tập trung đông người lớn tuổi. Già hóa dân số vẫn là một vấn đề lớn của cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh vùng ven của nước này.
Thành phố Chiba là một nơi đẹp như tranh vẽ với những con sông và công viên, gần với đại dương. Từ đây chỉ cách trung tâm thành phố Tokyo 40 km.
Chiba là một thành phố tương đối lớn, với dân số gần 900.000 người. Tuy nhiên, ở đây có những khu vực tập trung đông người già. Để “pha loãng” người già với những người trẻ tuổi, chính quyền địa phương mới đây đã cung cấp các khoản trợ cấp cho các gia đình. Thành phố sẵn sàng trả 300.000 yên (hơn 2.000 USD) để những người trẻ tuổi sống gần hơn với những người hưu trí.
Thành phố của những người già
Người cao tuổi tập trung đông nhất được quan sát thấy trong cụm lớn các tòa nhà chung cư được gọi là “Danchi”. “Danchi” là những khu chung cư bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản sau chiến tranh.
Từng được xây dựng để giải quyết vấn đề nhà ở, ngày nay bản thân các căn hộ kiểu này đã trở thành một vấn đề nan giải đối với Nhật Bản. Trong một số tòa nhà, người già chiếm hơn một nửa tổng số cư dân. Trước đây họ tìm được chỗ ở này, nhưng bây giờ họ đã quá già để rời đi.
Không người thân, bạn bè, những người già ngồi hàng tháng trời trong căn hộ nhỏ của mình. “Danchi” không phải là nơi thoải mái nhất để sống. Những ngôi nhà có hệ thống sưởi và thông tin liên lạc kém. Các căn hộ lạnh vào mùa đông và quá nóng vào mùa hè. Việc thiếu thang máy và cách bố trí lạc hậu khiến những người lớn tuổi khó đi ra ngoài.
Chính tại “Danchi” đã xuất hiện hiện tượng Kodokushi đáng sợ của Nhật Bản - cái chết cô đơn và không được phát hiện một trong thời gian dài. Giờ đây, thường các căn hộ ở những khu vực này chỉ đơn giản là trống rỗng.
“Cư dân thành thị bình thường không muốn vào các khu ‘Danchi’ trừ khi thực sự cần thiết và cư dân tại đây cũng không tiếp xúc với môi trường bên ngoài, chủ yếu là vì xấu hổ về vị trí trong xã hội”, Strelka Mag viết trong một báo cáo về Danchi.
Mở cửa cho giới trẻ
Theo chính quyền thành phố Chiba, hơn 36% cư dân của các quận Danchi trên 65 tuổi. Vì vậy, bắt đầu từ tháng tới, các nhà chức trách sẽ chi tiền để đảm bảo rằng các cặp vợ chồng trẻ sẽ chuyển đến các khu vực già hóa. Không chỉ vợ/chồng, mà cả những người tham gia vào hệ thống hợp tác sẽ có thể nhận được khoản thanh toán một lần. Đây là những cặp đôi LGBT mà Nhật Bản đã đưa ra một loại hình đăng ký hộ tịch đặc biệt. Theo đó, chỉ những người dưới 39 tuổi mới có thể nộp đơn xin trợ cấp tái định cư.
“Chúng tôi hy vọng rằng những cặp vợ chồng trẻ chuyển đến những ngôi nhà này trong tương lai sẽ giúp thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương và giải quyết vấn đề việc làm còn tồn tại ở những khu vực này”, Takeshi Tanikawa, phó giám đốc bộ phận quản lý tòa nhà của thành phố nói với VICE World.
Theo ông Tanikawa, những căn hộ mà các gia đình được đề nghị chuyển đến đều nằm gần trường học, nhà trẻ và cửa hàng. Thành phố cố gắng cung cấp các điều kiện sống đầy đủ cho những người muốn lập gia đình tại đây.
Cách đặc biệt để trẻ hóa
Cuộc khủng hoảng già hóa dân số thể hiện rõ ở tỉnh Chiba. Những người trẻ tuổi đang cố gắng rời khỏi các khu vực gần các trung tâm văn hóa và kinh doanh lớn hơn. Các vùng ngoại ô do người già “thống trị”. Do đó, ngày càng có nhiều “thị trấn ma” xuất hiện trên đất nước này - nơi phần lớn dân cư chỉ đơn giản là lặng lẽ sống cuộc sống của mình.
Theo một số dự báo, đến năm 2040, gần 900 thành phố và làng mạc trên khắp Nhật Bản sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn. Điều này được nêu trong báo cáo “Sự biến mất trên mặt đất” được công bố vào năm 2014 bởi cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Hiroya Masuda.
Để phần nào thay đổi xu hướng này, chính quyền thành phố phải tìm kiếm các giải pháp đặc biệt. Năm 2015, thành phố Okutama ở tỉnh phía Tây Tokyo đã tặng nhà miễn phí cho những người trẻ tuổi. Các cặp vợ chồng dưới 40 tuổi hoặc đến 50 tuổi (nếu họ có con nhỏ) có thể đăng ký.
Các gia đình đáp ứng các yêu cầu này được cung cấp nhà ở trong 15 năm. Sau khoảng thời gian này, chúng sẽ trở thành tài sản của họ. Bản thân cư dân chỉ phải trả một khoản thuế tài sản hàng năm. Ngoài ra, họ cũng trả tiền sửa chữa và bảo trì ngôi nhà.
Bên cạnh đó, chính quyền Okutama còn cung cấp khoản trợ cấp lên tới 2 triệu yên (khoảng 16.000 USD) cho những người dân định mua hoặc xây nhà ở thành phố này. Các không gian trống cũng được mua lại từ những chủ nhà lớn tuổi để cung cấp những điều kiện có lợi cho người thuê mới.
Có những sáng kiến tương tự ở các tỉnh khác nhau của Nhật Bản. Những người trẻ tuổi được giảm giá thuê nhà, các lựa chọn mua bán cũng được triển khai theo từng giai đoạn, cũng như các lợi ích và hỗ trợ để bắt đầu kinh doanh.
Bằng cách này hay cách khác, do dân số giảm, nhiều ngôi nhà đang bị bỏ trống, chính quyền Nhật Bản hy vọng sẽ sử dụng các cách trên để hỗ trợ các gia đình trẻ. Qua đó có thể cải thiện sức khỏe của họ, tăng khả năng sinh sản và đảo ngược các số liệu thống kê đáng sợ.
Thanh Bình (lược dịch)