Thành phố “khắc nghiệt nhất thế giới”: Nơi 170 ngàn con người không thể kết nối với bên ngoài trong môi trường ô nhiễm kỷ lục

Chia sẻ Facebook
17/06/2022 05:02:43

Thành phố Norilsk - nằm ở cực bắc địa cầu được ví như "nơi tận cùng thế giới" khi quanh năm chìm trong giá lạnh và biệt lập.

Thành phố Norilsk thuộc tỉnh Siberia, phía bắc nước Nga có vị trí địa lý là khu vực nằm ở cực bắc nhất hành tinh. Từ lâu, nơi đây đã được đặt một cái tên đáng buồn, đó là "thành phố khắc nghiệt nhất thế giới".


Vùng đất bị lãng quên chìm trong giá lạnh

Là nơi sinh sống của hơn 170.000 dân cư, thành phố nhỏ Norilsk vô cùng hẻo lánh và gần như cách biệt với thế giới bên ngoài. Ngay cả khi nó chỉ cách thủ đô Krasnoyarsk của Siberia 930 dặm và cách Moscow (Nga) 1.800 dặm nhưng vì địa hình hiểm trở nên việc di chuyển của người dân khó khăn. Vì quá biệt lập nên Norilsk cũng không thu hút khách du lịch hay người đến định cư.

Không có con đường bộ nào dẫn đến Norilsk. Muốn tới thành phố, người ta phải lên một chuyến tàu hỏa hoặc chọn đi đường biển từ thành phố Dudinka cách đó 40 dặm, nhưng vào mùa đông thì bất khả thi vì nước đã đóng băng. Người dân Norilsk mỗi lần đi nơi khác đều thường đùa rằng họ "lên đất liền". Mãi đến năm 2017, thành phố mới có kết nối Internet hoàn chỉnh.

Không chỉ có vị trí địa lý khắc nghiệt, điểm đáng sợ nhất tại Norilsk là khí hậu giá rét. Nhiệt độ trung bình trong năm là âm 10 độ C, nhiệt độ thấp nhất là âm 53 độ C. Chỉ cách vòng cực Bắc khoảng 320km, vào mùa đông, thành phố có 2 tháng trời toàn bộ bầu trời đều tăm tối, không có ánh sáng. Còn vào mùa hè, lại có 2 tháng mặt trời rực sáng 24/7, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn liên tục. Khi mùa đông lạnh đến đỉnh điểm, hầu như không có người dân nào dám bước ra khỏi nhà vì sợ bị đóng băng trên đường.


Ô nhiễm kỷ lục

Lịch sử hiện đại của Norilsk bắt đầu vào đầu thế kỷ 20. Phía dưới lớp băng tuyết dày chôn giấu nhiều quặng kim loại rất quý hiếm. Đến nay, Norilsk là một trong những nhà sản xuất niken và paladi lớn nhất thế giới. 1/5 sản lượng nickel và một nửa sản lượng paladi toàn cầu đến từ vùng đất bị bỏ quên này.

Sau khi nguồn tài nguyên dồi dào của thành phố được phát hiện bởi các nhà địa chất, hàng loạt nhà máy đã mọc lên san sát. Bất chấp khí hậu khắc nghiệt, suốt một thời gian dài, hàng trăm ngàn con người đã đổ đến Norilsk để khai thác khoáng sản. Theo thống kê, vào năm 1936, thành phố có tới nửa triệu người nhân công. Phải làm việc trong điều kiện thời tiết quá lạnh, chỉ trong vòng khoảng 20 năm, hơn 18.000 ngàn người đã thiệt mạng vì đói, lạnh, nhiễm độc kim loại hoặc kiệt sức.

Việc đặt quá nhiều nhà máy, khai thác khoáng sản với tốc độ nhanh chóng trong thời gian ngắn đã để lại rất nhiều hậu quả. Hiện tại Norilsk đã trở thành thành phố ô nhiễm nhất nước Nga và ô nhiễm thứ 5 trên toàn thế giới, dù nó có diện tích rất nhỏ. Mỗi năm, các khu công nghiệp nickel thải ra hơn 2 triệu tấn khí độc. Khoảng 1% tổng số lượng khí thải sulfur dioxide toàn cầu đến từ "thành phố khắc nghiệt nhất" này.

Bên cạnh mưa bão tuyết giá lạnh, người dân Norilsk còn thường xuyên phải gặp các cơn mưa axit. Chúng quét sạch hệ sinh thái động thực vật vốn đã nghèo nàn của vùng đất. Tuổi thọ trung bình của người Norilsk vì thế thấp hơn rất nhiều bình thường, chỉ 59 tuổi so với 69 tuổi của toàn nước Nga. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư của thành phố cũng gấp đôi so với các vùng khác ở xứ sở bạch dương. Một thống kê từng chỉ ra rằng người Norilsk có tỷ lệ mắc bệnh máu, xương khớp và tâm lý đều cao hơn đáng kể so với bình thường.

Dẫu vậy, hơn 170.000 con người vẫn bám trụ tại Norilsk. Hầu hết họ là hậu duệ của những người công nhân đã lao động khổ sai của thế kỷ trước. Dù khó khăn, khắc nghiệt nhưng với nhiều người, Norilsk vẫn là quê hương và việc rời đi tìm chân trời mới không phải lựa chọn ưu tiên.


Nguồn: NY Post

Chia sẻ Facebook