Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo
Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn TP. Hồ Chí Minh. Công tác này là nhiệm vụ trọng tâm và thành phố sẽ huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia chương trình giảm nghèo; tạo điều kiện tối đa để người nghèo vươn lên thoát nghèo, có chất lượng sống tốt…
Hoàn thành sớm mục tiêu của giai đoạn trước
+Giai đoạn 2016-2020 thành phố đã đặt chỉ tiêu giảm nghèo bền vững bình quân 1%/năm và nâng thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với đầu năm 2011.
Thực hiện chủ trương này, TP. Hồ Chí Minh đã huy động nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững được hơn 7.000 tỷ đồng. Nguồn lực này đảm bảo giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng của hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có gần 5.200 tỷ đồng dùng cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ. Từ nguồn vốn này đã tạo điều kiện tối đa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2021 của thành phố cho thấy, bất chấp những khó khăn biến động do đại dịch cùng tình hình kinh tế thế giới phức tạp nhưng các chỉ tiêu về giảm nghèo của thành phố đã được hoàn thành trước thời hạn, tạo hiệu ứng sâu rộng và đổi đời nhiều hoàn cảnh nghèo khó.
Cụ thể, đến nay TP. Hồ Chí Minh đã giảm 24.601 hộ nghèo và 36.498 hộ cận nghèo, còn 3.128 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,13% tổng hộ dân thành phố) và 15.197 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,62% tổng hộ dân). Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công. Có 5 quận và 85 phường của 12 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo.
Phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo
Theo ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống, chất lượng sống.
Để thực hiện mục tiêu, theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cần được chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, với những biện pháp hiệu quả và đột phá. Mặt khác, cần quan tâm chăm lo bộ máy, chăm lo cho cán bộ làm công tác có liên quan đến giảm nghèo bền vững, có nghĩa là "lo cho người lo".
Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua vì người nghèo. Hoạt động thi đua phải vì người nghèo, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng tôn vinh những tấm gương giàu nghị lực vươn lên thoát nghèo.
Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố giai đoạn 2021-2025 được quan tâm ưu tiên nguồn ngân sách thành phố và nguồn xã hội hóa (bố trí hơn 15.144 tỷ đồng) để thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội; các chính sách giảm các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình giúp hộ nghèo tích lũy thêm thu nhập có điều kiện thoát nghèo bền vững.
Thành phố đã triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…