Thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Ai được lợi?

Chia sẻ Facebook
10/11/2022 09:29:44

Chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường trái phiếu chắc chắn sẽ phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn sau các đợt thanh lọc, từ đó nhà đầu tư sẽ có cơ hội lựa chọn sản phẩm tốt.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá trầm lắng trong 10 tháng năm 2022 sau khi cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ trên thị trường. Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết để giúp thị trường minh bạch hơn, bền vững hơn và hiệu quả hơn.


Kênh huy động vốn quan trọng

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), thị trường trái phiếu thời gian qua được coi là một kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp về trung và dài hạn. Nguồn vốn từ trái phiếu giúp doanh nghiệp bổ sung dòng tiền, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên từ đầu năm, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đã thu hẹp đáng kể sau khi cơ quan quản lý “siết” chặt điều kiện về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đối với tổ chức tín dụng và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp có chững lại nhưng động thái của nhà nước về thanh lọc thị trường, chấn chỉnh lại hoạt động phát hành là kịp thời và cần thiết. Bởi thị trường trái phiếu sau khi tăng trưởng quá nóng, tồn tại nhiều lỗ hổng, cần được cơ cấu lại với các quy định chặt chẽ hơn nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ hàng loạt, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. Thực tế đã có những doanh nghiệp lợi dụng lỗ hổng để phát hành các trái phiếu không đảm bảo dẫn đến các hệ lụy rất nghiêm trọng.

Ảnh minh họa - KT.


“Tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Đây là một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, doanh nghiệp và là một kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư, nhất là khi các tiêu chí an toàn ngày càng củng cố. Việc xử lý một số doanh nghiệp vi phạm quy định gần đây đã làm cho thị trường rúng động hơi quá. Chúng ta cần xem xét lại việc chấn chỉnh lại thị trường sao cho đúng, tránh sự tiêu cực lây lan đến thị trường trái phiếu”, ông Thịnh lưu ý.


Tránh để “tắc” thị trường trái phiếu

TS. Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận định: Nguồn vốn có được từ trái phiếu bổ sung rất quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt. Nguồn vốn để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản dựa vào huy động trái phiếu rất lớn. Trong bối cảnh đó, những biến động của thị trường trái phiếu sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang dựa nhiều vào nguồn vốn trái phiếu. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, hoạt động kinh doanh hiệu quả và minh bạch tài chính sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu và đây vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả đối với doanh nghiệp.

Khẳng định việc cần thiết phải xử lý những hành vi vi phạm pháp luật để làm trong sạch thị trường trái phiếu. Song, theo TS. Nguyễn Minh Cường, không nên can thiệp vào thị trường bằng các mệnh lệnh hành chính. “Biện pháp hành chính là rất cần thiết nhưng không phải để can thiệp vào thị trường mà để xử lý các hành vi mang tính lừa đảo, vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật. Thị trường cần hoạt động theo quy luật cung cầu, phải xây dựng cơ chế để thị trường tự điều chỉnh”, ông Cường nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc SB Law, nhận định: Việc siết chặt tình trạng phát hành trái phiếu tràn lan của doanh nghiệp nhưng không nên để tắc thị trường trái phiếu chỉ vì một vài sự việc tiêu cực đơn lẻ. Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường.

“Trong giai đoạn hiện nay, nếu chỉ vì một vài vụ việc mà chúng ta siết chặt thị trường thì theo tôi là không nên. Những vụ việc đó chỉ là những dấu hiệu cảnh báo, những căn bệnh ung nhọt cần chữa trị. Chúng ta không nên nhìn nhận những sự việc đó theo hướng tiêu cực, mà cần nhìn một cách tích cực. Đó là phải ban hành những chính sách về mặt pháp lý để cho thị trường tốt lên, là dấu hiệu cảnh báo để thanh lọc thị trường trong sạch, minh bạch và tốt hơn chứ không phải một nút thắt của thị trường trái phiếu”, luật sư Nguyễn Thanh Hà quan điểm, đồng thời cho rằng tới đây trái phiếu doanh nghiệp là “sân chơi” của doanh nghiệp minh bạch, có nền tảng tốt.


Minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư

Theo các chuyên gia kinh tế, để thị trường trái phiếu hoạt động bền vững, hiệu quả, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, yêu cầu minh bạch hóa thông tin về phát hành. Trong đó, đặc biệt chú ý tình hình tài chính của tổ chức, các trái chủ, mục đích và quá trình sử dụng vốn trái phiếu… Khi các quy định an toàn được bổ sung, các sự việc đơn lẻ được xử lý, thị trường tài chính qua sàng lọc và củng cố, niềm tin của nhà đầu tư sẽ trở lại, kênh huy động vốn từ trái phiếu trở nên bền vững và hiệu quả.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải có tài sản đảm bảo, xếp hạng mức độ uy tín, có quy trình để kiểm soát, giám sát việc phát hành. Tránh việc phát hành quá dễ dàng các loại trái phiếu không tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh, tạo điều kiện để những “con sâu trái phiếu” làm rầu thị trường.

“Từ các vụ việc gần đây, cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh tay hơn để minh bạch thị trường trái phiếu. Việc dẹp bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ giúp thị trường trái phiếu minh bạch hơn, an toàn hơn. Doanh nghiệp có tài sản, có uy tín, làm ăn minh bạch, đàng hoàng được khơi mở dòng vốn. Nhà đầu tư có điều kiện tiếp tục đầu tư tài sản sinh lợi vào một trong những kênh đầu tư sinh lợi an toàn”, ông Long nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, minh bạch, an toàn và bền vững. Một trong những nguyên tắc quan trọng là mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Vi phạm ở mức độ hành chính thì xử lý vi phạm hành chính, trường hợp vi phạm đếm mức phải hình sự thì chuyển cơ quan điều tra và có thể xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, chặn ngay tình trạng ngân hàng thương mại bắt tay doanh nghiệp “sân sau” phát hành trái phiếu vô tội vạ. Việc một số ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có thể có cả mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ.

“Thị trường trái phiếu đã phát triển ngoài mong đợi của các nhà quản lý. Nhưng về độ bền vững thì chưa có, có thể gây rủi ro rất lớn cho nền kinh tế. Do vậy việc siết chặt quản lý là điều cần thiết”, ông Thịnh chỉ rõ.

Đối với nhà đầu tư, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cần nâng cao nhận thức và hiểu biết để kiểm soát rủi ro, nhất là nhà đầu tư cá nhân vốn có ít lợi thế về thông tin và kỹ năng nghiệp vụ phân tích tài chính. Cụ thể, nhà đầu tư nên chọn mua trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu đã có lịch sử phát triển bền vững trong nhiều năm. Lãi suất trái phiếu phát hành có thể không cao hơn nhiều lãi suất tiết kiệm nhưng an toàn, nhất là với nhà đầu tư ít kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần xem xét kỹ tính chuyên nghiệp của tổ chức tư vấn phát hành, đơn vị trung gian giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư để hạn chế rủi ro. Đặc biệt, không nên bán tháo khi chưa hiểu rõ bản chất trái phiếu để tránh gây thiệt hại về tài chính cho bản thân./.

Chia sẻ Facebook