Thanh lọc thị trường trái phiếu, cơ hội cho nhà đầu tư chọn hàng tốt
Thanh lọc thị trường trái phiếu, cơ hội cho nhà đầu tư chọn hàng tốt
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá trầm lắng trong ba quý đầu năm 2022, trong bối cảnh thông tư 16/2021 đi vào hiệu lực với những điều kiện chặt chẽ về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đối với tổ chức tín dụng.
Đồng thời Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các công ty con Tập đoàn Tân Hoàng Minh để bảo vệ nhà đầu tư, Bộ Tài chính cũng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ trên thị trường.
Dù xuất hiện "khoảng lặng", các hoạt động chấn chỉnh trên được xem là điều cần thiết cho sự trở lại bền vững của thị trường trái phiếu.
Về mặt vĩ mô, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, giúp giảm sự lệ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng.
Tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được Chính phủ xác định rõ trong đề án phát triển với tầm nhìn đến năm 2030 đạt quy mô 20% GDP.
"Liên tiếp các cảnh báo và các vụ việc gần đây liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến cho nhận thức của nhà đầu tư đối với rủi ro từ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp thay đổi đáng kể. Do vậy, phần bù rủi ro để các nhà đầu tư tìm thấy sự hấp dẫn đối với kênh này cũng tăng thêm", báo cáo VCBS nhấn mạnh.
Tỉnh táo để lựa chọn "hàng tốt"
Sau khi tâm lý thị trường dần ổn định qua các sự vụ mà cơ quan chức năng vừa xử lý, Nghị định 65 với cơ chế mới dần đi vào thực tiễn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở lại phát huy giá trị của một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Đây cũng như một kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư bên cạnh kênh tiết kiệm truyền thống, nhất là khi ngày càng được kiện toàn về các tiêu chí an toàn theo nghị định này và có lợi tức hấp dẫn.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, có hồ sơ kinh doanh hiệu quả và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng trên thị trường sẽ đẩy mạnh các hoạt động phát hành trái phiếu và đây vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả đối với doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, trái phiếu của các nhà phát hành (doanh nghiệp niêm yết) thuộc nhóm ngành tiêu dùng - bán lẻ như VNM, MWG, MSN… được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
"Lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao và thời gian qua đã có một số doanh nghiệp bất động sản có năng lực tín dụng thấp đã nâng lãi suất phát hành nhằm thu hút nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, chất lượng tín dụng một số nhà phát hành, đặc biệt là nhà phát hành chưa niêm yết là rất yếu.
Đầu tư trái phiếu thường có kỳ hạn dài từ 3 đến 5 năm và do đó không chỉ lựa chọn trái phiếu có mức lãi suất cao, mà các yếu tố về chất lượng nhà phát hành và các điều khoản để đảm bảo quyền lợi là yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu ý", FiinRatings cho biết.
Trên thị trường, Masan vừa phát hành 4.000 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất hơn 10% - mức lãi này không quá cao những được cho là phù hợp với độ rủi ro thấp.
Tại Việt Nam, Masan là doanh nghiệp tiêu dùng - bán lẻ được nhiều "ông lớn" lựa chọn để hợp tác (SK, TPG, Alibaba…).
Công ty này đã huy động thành công gói tín dụng hợp vốn trị giá 600 triệu USD với lãi suất ưu đãi 6,5%/năm, với sự hỗ trợ của gần 40 tổ chức tài chính, cho thấy sự tin tưởng vào hồ sơ tín dụng và năng lực huy động vốn, cùng với các điều khoản hấp dẫn của công ty đưa ra, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường toàn cầu.
Đại diện một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho biết, nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu của các doanh nghiệp tốt, uy tín và có thương hiệu trên thị trường có thể yên tâm vì đây là các doanh nghiệp đều có phương án phát hành tốt, trái phiếu có tài sản đảm bảo và nguồn vốn huy động từ trái phiếu được thực hiện cho các kế hoạch kinh doanh triển vọng.