Thanh khoản yếu, nhà đầu tư ngại 'xuống tiền'
Tại thời điểm này, thị trường nhà đất kém thanh khoản, nhất là tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vậy phải chăng đã tới thời cơ “bắt đáy” cho nhà đầu tư?
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý 3 vừa công bố của một số đơn vị nghiên cứu cho thấy thanh khoản toàn thị trường BĐS kém, có nhiều phân khúc BĐS đã giảm giá. Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong quý 3, do giá BĐS chững lại nên một số dự án đã phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại... để có thể “hâm nóng” thị trường ở những tháng còn lại của năm 2022. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu khả quan.
Số liệu cũng cho thấy, giá bán đất nền tại một số tỉnh miền Bắc giảm như Bắc Ninh giảm 6%, Quảng Ninh giảm 7%, Bắc Giang giảm 5%... Đáng chú ý, tại Hà Nội, nơi liên tục nằm trong vòng xoáy các cơn "sốt đất" 2 năm vừa qua, những khu vực từng "sốt nóng" trước đây cũng ghi nhận mức độ quan tâm và giá đều giảm sâu. Cụ thể, mức độ quan tâm về đất nền Hoài Đức giảm 17%, Quốc Oai giảm 39%, Sóc Sơn giảm 30%, Đông Anh giảm 8%; Long Biên giảm 21%, Gia Lâm giảm 28%; Thanh Trì giảm 24%. Về giá, Long Biên giảm sâu nhất với mức 10%, Thanh Trì giá giảm 9%...
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại, giao dịch trên thị trường rất chậm bởi nhà đầu tư đang khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Vì thế làn sóng “săn đất” cũng đã hạ, nhu cầu mua chững lại đồng nghĩa với giá nhà, đất tại các điểm "nóng" đang chuyển sang đi ngang.
Thị trường hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư đã chờ đợi những đợt bán tháo, giảm giá sâu để "bắt đáy". Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo rằng việc này cần nghiên cứu kĩ lưỡng và hết sức thận trọng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, xảy ra tình trạng sụt giảm cục bộ là do lạm phát và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của khách hàng. Nhưng việc giảm giá này khó có thể nói là đại diện cho toàn thị trường mà chỉ ở một số khu vực cục bộ, ở những điểm " nóng" trước đây.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam thì đầu tư vào BĐS lúc này phải được tính toán một cách thận trọng, đề phòng thị trường sẽ có những diễn biến tiêu cực.
Trong lúc thanh khoản giảm, nhiều nhà đầu tư bán để cắt lỗ không được, nhu cầu thuê cũng giảm mạnh... thế nhưng giá rao cho thuê, bán BĐS vẫn được đẩy lên. Đó chính là các chiêu trò làm giá.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), dòng tiền đổ vào mua BĐS sẽ không nhiều vì chỉ một bộ phận người dân có sẵn tiền mặt trong tay; trong khi các kênh vốn từ ngân hàng, trái phiếu siết lại. Bối cảnh đó khó tạo cơn sốt như các “cò”, “đầu nậu” đang giải thích để nâng giá BĐS “Dòng tiền lớn đã bị siết chặt thì không thể tạo thành sóng bằng lượng tiền nhỏ của một bộ phận người dân được đâu” - ông Thịnh khuyến cáo.
Trên thực tế, kể từ giữa tháng 9, đã bắt đầu có làn sóng âm thầm giảm giá bằng cách chiết khấu, tăng khuyến mãi, thậm chí trả lãi suất cho khách hàng đóng trước hạn, đóng 95% giá trị BĐS với lãi suất lên đến 20 - 30%, thậm chí nhiều chủ đầu tư sẵn sàng trả lãi cho khách hàng lên đến gần 50% giá trị BĐS mà khách hàng mua vào.
Vì thế, nhà đầu tư BĐS cần hết sức thận trọng khi “xuống tiền” lúc này.