Thanh khoản cổ phiếu tăng đột biến, Đại Trường Thành Holdings có gì?
Trên thị trường, cổ phiếu DTE của CTCP Đầu tư Năng lượng Đại Trường Thành Holdings vốn thanh khoản nhỏ giọt bỗng nhiên bùng nổ lượng giao dịch gần đây.
Thanh khoản cổ phiếu tăng đột biến, Đại Trường Thành Holdings có gì?
Cổ phiếu giao dịch sôi động trước kế hoạch tăng vốn
Với 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên UPCoM và cơ cấu cổ đông không quá cô đặc (ban lãnh đạo và người nội bộ cùng 4 cổ đông lớn nắm 57%, theo báo cáo quản trị bán niên 2022 của DTE ), khối lượng giao dịch cổ phiếu DTE tương đối thấp. Ngoại trừ giai đoạn 3 tháng đầu năm nay và một vài phiên đầu tháng 4, về cơ bản thanh khoản DTE trên thị trường là tương đối thấp, nhiều phiên trắng giao dịch.
Diễn biến giá cổ phiếu DTE từ đầu năm 2022 | ||
Cổ phiếu này cũng trải qua giai đoạn “ngủ đông” từ phiên 22/06, với thanh khoản nhỏ giọt 1,000-2,000 cp/phiên. Tuy nhiên đến ngày 19/09, khối lượng giao dịch DTE tăng đột biến lên hơn 800,000 cp. Trong khoảng hơn 10 phiên từ ngày 19/09 - 05/10, trung bình khối lượng giao dịch DTE là khoảng 850 ngàn cp/ngày.
Giai đoạn này, thị trường ghi nhận một số giao dịch đáng chú ý ở cổ đông lớn DTE . Cụ thể trong 2 phiên 19 và 20/09, bà Trương Thị Tuyết Hằng – cổ đông lớn của DTE đã bán hơn 800 ngàn cp. Tỷ lệ nắm giữ giảm xuống 7.89%, tương đương hơn 3.5 triệu cp.
Ngày 20/09, ông Võ Minh Toàn mua 1.78 triệu cp DTE , nâng lượng cổ phiếu sở hữu lên hơn 2.8 triệu cp – tương đương 5.57% cổ phần, qua đó trở thành cổ đông lớn tại Công ty.
Sau đó từ 23-27/09, cổ đông lớn khác là Nguyễn Minh Tâm gom vào tổng cộng hơn 2.8 triệu cp DTE , nâng mức nắm giữ từ gần 6% lên gần 13% vốn, tương đương gần 6 triệu cp. Đến ngày 30/09, cá nhân này tiếp tục mua hơn 570 ngàn cp DTE , nâng tỷ lệ nắm giữ lên 14.11%,tương đương hơn 7.1 triệu cp.
Ngược lại, ông Võ Quang Oánh trong ngày 27/09 bán 384 ngàn cp, tỷ lệ nắm giữ hạ xuống từ 5.02% còn 4.26% (tương đương gần 2.2 triệu cp), qua đó không còn là cổ đông lớn của Công ty.
Cập nhật đến ngày 05/10, bên cạnh Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tưởng , Công ty có 3 cổ đông lớn khác là Nguyễn Minh Tâm (hơn 14% cổ phần, tương đương hơn 7.1 triệu cp), Võ Quang Hiền (10.55% cổ phần, tương đương hơn 5.3 triệu cp), và Trương Thị Tuyết Hằng (7.89% cổ phần, tương đương 4.4 triệu cp).
Được biết trong năm nay, DTE có kế hoạch chào bán hơn 2 triệu cp ra công chúng, dự kiến thực hiện trong quý 2 hoặc 3/2022 sau khi được UBCKNN chấp thuận. Tỷ lệ thực hiện quyền mua là 25:1(cổ đông sở hữu 25 cp được mua 1 cp mới). Giá chào bán được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua là tối thiểu 17,000 đồng/cp. Mức giá này thấp hơn 15% so với giá kết phiên tham chiếu ngày 23/04/2022 (thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ 2022) là 20,570 đồng/cp, trên thực tế nếu so với thị giá phiên 04/10 [TTH1] là 10,400 đồng/cp, thì lại cao hơn 63%%. Đến nay bước sang quý 3, kế hoạch tăng vốn của DTE vẫn chưa có động tĩnh mới.
Công ty dự kiến sử dụng số tiền thu được từ phát hành để mua 90% cổ phần của CTCP Đầu tư Thủy điện Đăk Psi 6 với mục tiêu doanh thu đặt ra rơi vào khoảng 22.6 tỷ đồng. Được biết CTCP Đầu tư Thủy điện Đăk Psi 6 đang đầu tư xây nhà máy thủy điện cùng tên với công suất 12 MW và tổng mức đầu tư 396 tỷ đồng, doanh thu dự kiến hàng năm là 55 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Lê Văn Khoa – Tổng Giám đốc của DTE .
Lợi nhuận nửa năm chỉ bằng hơn 20% kế hoạch năm
Nửa đầu năm nay, DTE đạt doanh thu hơn 149 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng 37%, đạt 80.7 tỷ đồng. Lãi sau thuế và lãi ròng lần lượt đạt 29.1 tỷ đồng và 25.4 tỷ đồng, gấp khoảng 2.3 lần cùng kỳ.
Thời điểm ngày 30/06/2022, tổng tài sản DTE gần 1.7 ngàn tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt còn 16 tỷ đồng, giảm sâu so với mức gần 49 tỷ đồng hồi đầu năm. Các khoản phải thu, phải trả ngắn hạn và hàng tồn kho đều không có biến động đáng kể.
Cơ cấu nguồn vốn cho thấy, nợ phải trả giảm 11%, còn 956 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn giảm 27%, còn 274 tỷ đồng, chủ yếu thay đổi lớn ở khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn và chi phí trả trước ngắn hạn (lần lượt giảm 21% và 80%, còn 179 tỷ đồng và 5.5 tỷ đồng).
Năm 2021, DTE trải qua giai đoạn kinh doanh tương đối ảm đạm do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina khiến lưu lượng nước về các hồ thủy điện quá thấp, không đảm bảo để vận hành công suất các tổ máy. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh trên cả nước bị đình trệ vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cộng thêm lượng công nhân bị lây nhiễm tăng khiến các công trình thi công bị chậm kế hoạch. Dù 6 tháng cuối năm nước về hồ nhiều hơn nhưng các nhà máy vẫn phải điều tiết công suất, gây ảnh hưởng mạnh đến sản lượng và doanh thu của Công ty, dẫn đến doanh thu hợp nhất chỉ đạt 83% so với kế hoạch.
Năm 2022, DTE đặt mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng, với doanh thu hợp nhất 468 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 135 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng dù lợi nhuận tăng mạnh, Công ty mới chỉ thực hiện 32% kế hoạch doanh thu, và 21% mục tiêu lợi nhuận năm.
CTCP Đầu tư Năng lượng Đại Trường Thành Holdings (tên cũ là CTCP Res Holdings) thành lập vào cuối tháng 07/2016, với vốn điều lệ hơn 507 tỷ đồng (tại ngày 30/06/2022). Công ty hoạt động chính trong mảng sản xuất điện – gồm truyền tải và phân phối điện; xây dựng công trình điện, cấp thoát nước, viễn thông, thông tin liên lạc, công trình khai khoáng…
Chủ tịch HĐQT của DTE là ông Nguyễn Ngọc Tưởng , hiện nắm giữ 15.8% cổ phần (tương đương 8 triệu cp DTE ). Đồng thời, ông Tưởng còn là thành viên HĐQT của một doanh nghiệp năng lượng khác là CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh ( HOSE : TTE ) và nắm giữ 2.46% vốn.
Tham vọng thủy điện và phong điện
DTE có 2 công ty con là CTCP Tấn Phát (tỷ lệ góp vốn 89.59%), và CTCP Thủy điện Miền Trung Việt Nam (76.23% ở thời điểm 30/06/2022). Trong đó, CTCP Tấn Phát là chủ đầu tư của 2 nhà máy thủy điện Đăk Ne và Plei Kần, còn CTCP Thủy điện Miền Trung Việt Nam là chủ đầu tư dự án thủy điện Thượng Nhật.
Tính đến tháng 12/2021, DTE đã thi công và đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phát điện 10 nhà máy thủy điện gồm: Nhà máy thủy điện Đăk Ne, Đăk Pia, Đăk Bla 1, Tà Vi, Đăk Glun, Đăk Gret, Đắk Xú, Plei Kần, Đăk Piu 2 và Thượng Nhật với tổng công suất là 100 MW tương đương tổng mức đầu tư là 4,000 tỷ đồng.
Sau khi thoái vốn tại 5 nhà máy, hiện DTE quản lý vận hành 5 nhà máy thủy điện gồm Đăk Gret, Đắk Xú, Plei Kần, Đăk Piu 2 và Thượng Nhật. Trong đó, thủy điện Plei Kần có mức đầu tư 700 tỷ đồng mang lại doanh thu lớn nhất, trung bình 80 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang tổ chức thi công xây dựng 2 công trình thủy điện Đăk Psi 6 (công suất 12 MW, mức đầu tư 396 tỷ đồng), Plei Kần Hạ (công suất 13 MW, đầu tư 358 tỷ đồng); ngoài ra đang thực hiện các thủ tục đầu tư thủy điện Đăk Mek 3 (7,5 MW) và khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển 6 dự án điện gió (phong điện).
Với hàng loạt nhà máy thủy điện và kế hoạch làm điện gió, DTE đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn, dự kiến đến năm 2026 sẽ đạt 1.8 ngàn tỷ đồng doanh thu, và hơn 642 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Châu An